Bài viết là trải nghiệm của tác giả Sofia Barnett, trang Wired.
Một buổi tối, người bạn tên Beth đã giải thích cho tôi nghe về thuật ngữ Pizzagate, xuất phát từ TikTok. “Hillary Clinton vướng phải các bê bối liên quan đến lạm dụng và buôn bán trẻ em rồi hy sinh chúng cho quỷ Satan. Nó được gọi là Pizzagate, hoặc thứ gì đó tương tự”, Beth nói một cách thản nhiên.
“Cậu chưa nghe à? Hillary và một người nào đó, hình như tên là John Podesta, liên quan đến một vụ buôn bán người trái phép. Câu chuyện đó xuất hiện ở rất nhiều nơi trên TikTok”, cô giải thích khi thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên.
Những thuyết âm mưu hoang đường
Trong suốt buổi tối hôm đó, tôi cùng với những người bạn đã xem qua hàng loạt thuyết âm mưu đang xuất hiện ở trên trang chủ TikTok và Twitter. Chúng tôi đọc các bình luận về việc những thuyết âm mưu được gọi là “Pizzagate” và kiểm chứng xem chúng có đúng là sự thật hay không.
Nhiều video lan truyền thuyết âm mưu Pizzagate trên TikTok. Ảnh: Daily Beast. |
Càng về sau, câu chuyện càng nực cười. Làm thế nào mà người dùng TikTok, mà cụ thể hơn là những thanh niên hiểu biết có thể tin tưởng vào những video thuyết âm mưu kéo dài chỉ 60 giây như vậy? Thuyết âm mưu dường như là một khái niệm khá xa vời với tôi, nhưng với người khác thì không.
Theo báo cáo gần đây của New York Times, các video có chứa hashtag #Pizzagate đã đạt được hơn 82 triệu lượt xem trên TikTok.
Bên cạnh thuyết âm mưu về Hillary, gần đây đã xuất hiện một số chủ đề nổi bật như công ty đồ nội thất gia đình Wayfair có liên quan đến một hoạt động buôn bán tình dục. Oprah Winfrey cũng dính tới một thuyết âm mưu tương tự, còn công chúa nhạc pop Avril Lavigne thì bị đồn đã bị thay thế bằng một người giống cô.
Tất nhiên, không có bằng chứng cụ thể nào xác nhận những chuyện này. Mặc dù vậy, những người bạn trong buổi tiệc của tôi lại dám đặt cược rằng Ellen DeGeneres đã ép buộc Oprah lạm dụng trẻ em sau khi xem đoạn clip dài 30 giây của một cô gái trên TikTok. Họ tin tưởng ngay sau khi cô gái này lôi PowerPoint ra và diễn thuyết.
TikTok đã trở thành ứng dụng phổ biến thứ 3 tại Mỹ, do đó, các câu chuyện thường được lan truyền rất nhanh trên nền tảng này.
QAnon, một phong trào thuyết âm mưu nổi lên trong thời kỳ đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã lan truyền nhiều thông tin không chính xác trên Facebook trong nhiều năm qua.
Đặc biệt, QAnon có mối liên hệ chặt chẽ với Pizzagate. Mới đây, những thuyết âm mưu đã chuyển hướng từ Facebook sang TikTok. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất khiến nhiều người tin vào các thuyết âm mưu trên TikTok.
Vì sao người dùng thích thuyết âm mưu?
Câu trả lời ngắn gọn là TikTok chứa quá nhiều ý tưởng điên rồ. Bằng cách nào đó, những ý tưởng này đã trở thành những câu chuyện phiếm, khiến giới trẻ dễ dàng tiếp cận.
“Nhiều tài khoản thuyết âm mưu rất giải trí”, Nancy Rosenblum, Giáo sư tại Đại học Harvard nhận xét.
Việc người dùng có thể dễ dàng chia sẻ khiến những câu chuyện này được lan rộng một cách nhanh chóng hơn. Trên mạng xã hội, hành động chia sẻ giống như chuyện bạn xác nhận một mẩu tin hay video, khiến người khác tin tưởng hơn.
Theo thuyết âm mưu này, một nhà hàng pizza ở Washington là trung tâm hội họp của những kẻ buôn người. Thuyết Pizzagate đã bị bóc mẽ từ năm 2016, nhưng quay lại gần đây trên TikTok. Ảnh: NY Times. |
“Tuy nhiên, chia sẻ nhiều về một việc sai sự thật không làm cho nó đúng. Mọi người đều có khả năng bị tổn thương từ việc này”, Russel Muirhead, Giáo sư về Dân chủ và Chính trị tại Đại học Dartmouth nhận xét.
Điều này sẽ không phải là vấn đề to tát nếu như chúng ta không sống trong thời đại kỹ thuật số. Theo khảo sát của CommonSense và Survey Monkey, khoảng 54% thanh thiếu niên hiện nay tin vào những gì xuất hiện trên bảng tin mạng xã hội. Con số này nghe thật đáng lo ngại khi nhiều người trẻ chọn lọc thông tin một cách thiếu hiểu biết và bị cuốn vào những tin tức sai sự thật.
“Thật khó để có thể né tránh việc tin vào những thuyết âm mưu vì các câu chuyện được dựng lên một cách rất chân thật. Tuy nhiên, sự chính xác không phải là thứ mà mọi người chờ đợi từ tin tức. Đôi khi, con người chỉ nghe những gì họ muốn nghe”, Joseph Uscinski, Giáo sư tại Đại học Miami cho biết.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những điều phi lý của Pizzagate và hội kính Illuminati lại được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình vì đó là những gì mà họ xem hàng ngày. Việc tiếp xúc quá lâu hay thậm chí là lạm dụng tin tức từ mạng xã hội đã làm giảm khả năng phân biệt của giới trẻ.
Bà Hillary Clinton, ứng viên tổng thống năm 2016, là đối tượng bị nhắm đến trong thuyết âm mưu. Ảnh: Getty. |
Mặc dù mạng xã hội cho phép thông tin được lan truyền nhanh hơn, nhưng nó lại không có chức năng để kiểm chứng thông tin. Vì vậy, không thể tránh khỏi sự xuất hiện của nhiều thông tin sai lệch. Việc cấm những bài đăng được gắn hashtag #Pizzagate trên TikTok chỉ có thể giúp giảm bớt một phần.
“Điều đơn giản nhất khi bạn thấy các thông tin đấy là nghĩ đến những bằng chứng hợp pháp. Đừng cố giải thích nếu chưa có đủ bằng chứng. Hãy suy nghĩ, kiểm tra và ghi nhớ rằng trong cuộc sống, thật khó để tin vào điều gì đó 100%", ông Russell Muirhead chia sẻ cách kiểm chứng tin giả.