Sản phẩm giả tràn lan TikTok Shop. Ảnh: Đan Thanh. |
Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 4/2022, TikTok Shop dần trở thành một trong những sàn thương mại điện tử (TMĐT) thu hút lượng lớn khách hàng.
Tuy nhiên, hàng giả, hàng kém chất lượng trên nền tảng này cũng được bày bán công khai, chạy chương trình quảng cáo, phát trực tiếp dưới sự hậu thuẫn của TikTok gây hoang mang cho người dùng.
"Hàng unbox", "hàng sập giá"
Khi xem các video trên TikTok, chị Vân Thanh (TP.HCM) đã bị thu hút bởi một tuýp kem chống nắng Martiderm với giá chỉ 200.000 đồng, bằng 20% giá của sản phẩm này tại các cửa hàng chính hãng. Chị Thanh nhanh chóng chốt đơn vì nghĩ đây là một món hời.
"Trên livestream họ nói đây là hàng xách tay nên rẻ. Người bán cũng cho biết tuýp kem chống nắng này đã sập giá nhiều so với trước nên khách hàng có thể hưởng lợi nếu mua vào thời điểm này", chị Thanh cho biết thêm.
Tuy nhiên, ngay khi cầm sản phẩm trên tay, người mua nhanh chóng phát hiện đây là sản phẩm giả bởi sự khác biệt rõ rệt từ bao bì, thiết kế và chất lượng kem.
Hình ảnh so sánh sản phẩm thật (trái) và giả (phải). Ảnh: NVCC. |
"TikTok Shop đang trở thành thiên đường của hàng giả, hàng nhái", khách hàng này nhận định.
Một sản phẩm nổi bật khác thường xuất hiện đầu danh sách "Flash sale" của nền tảng này là thỏi son dưỡng Dior Maximizer. Theo khảo sát của Zing, những mẫu son này đều được bán trên TikTok Shop với giá dao động 200.000-350.000 đồng, chưa bằng một nửa giá niêm yết của sản phẩm tại các đại lý chính hãng.
Khi liên hệ đến một nhà bán hàng trên nền tảng với nhu cầu tìm mua son Maximizer, chủ cửa hàng cho biết sản phẩm hiện có sẵn với số lượng lớn và đủ mã màu. Người này cũng quảng cáo đây là hàng "unbox" và "tester", là hàng được sản xuất để dùng thử tại đại lý nên giá rẻ và không có vỏ hộp.
"Đây đều là hàng unbox, hãng sản xuất để làm mẫu thử nên không có hộp và giá sẽ rẻ hơn một nửa", người này cho biết.
Tuy nhiên khi phóng viên thắc mắc về hóa đơn và nguồn gốc hàng hóa, người bán thừa nhận họ không có hóa đơn kèm theo sản phẩm và cũng chưa chứng minh được nguồn gốc của thỏi son.
Trước đó vào cuối năm 2022, KOL T.N.D và nền tảng TikTok đã được nhãn hàng Estee Lauder Việt Nam và MAC Cosmetic "điểm mặt chỉ tên" khi quảng cáo và rao bán những sản phẩm mang thương hiệu Estee với giá chỉ bằng 20% giá gốc dưới tên gọi "“hàng miễn thuế".
Đại diện nhãn hàng cũng khẳng định những sản phẩm của thương hiệu Estee Lauder trên phiên livestream của nữ TikToker là hàng trôi nổi, không chính hãng.
Nhóm thịnh hành chỉ ưu tiên hàng rẻ
Dẫu có chính sách quản lý tương đối khắt khe, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống” trên nền tảng này. Thực tế, người bán chỉ cần cài đặt giảm giá sâu (flash sale) cho những mặt hàng trên, thuật toán của TikTok sẽ nhanh chóng đẩy sản phẩm lên nhóm thịnh hành mà không cần giấy tờ kiểm duyệt nguồn gốc.
"Sản phẩm chỉ cần có lượt bán cao, giá tốt sẽ được TikTok đẩy lên nhóm flash sale. Vì vậy các nhà bán hàng trên nền tảng phải thường xuyên giảm giá để thu hút khách", chị Nguyễn L. (TP.HCM), nhân viên một agency chuyên về quảng cáo trên TikTok, trao đổi với Zing.
Bảo Hân (22 tuổi, TP.HCM) chia sẻ đã nhiều lần xem được video trực tiếp quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên top thịnh hành của TikTok. Nữ sinh viên cho biết những phiên trực tiếp này thường được quảng cáo là hàng "xả kho" với giá rẻ, vì vậy thu hút được rất nhiều người xem.
Những sản phẩm giả dễ dàng nằm trên nhóm "Flash sale" nếu giảm giá sâu. |
"Tôi biết TikTok có chính sách chặn và xóa video của những nhà bán hàng giả, thế nhưng không hiểu vì sao chúng vẫn xuất hiện và nằm trên nhóm thịnh hành. Những video này có lượt tương tác rất cao do bán hàng giá rẻ, thường phát vào khoảng 23-24h", Bảo Hân cho biết thêm.
Trên nền tảng TikTok Shop, với các sản phẩm đăng bán thuộc mục bị hạn chế hay bị cấm, người bán sẽ bị xử lý vi phạm theo nhiều hình thức. Ở lần đầu tiên, các cảnh báo chính thức sẽ được gửi đến đi kèm việc tạm dừng niêm yết sản phẩm, đình chỉ tạm thời việc đăng ký kinh doanh.
Khi có dấu hiệu tiếp tục đăng bán các sản phẩm cấm, TikTok ghi rõ người bán có thể bị xóa tài khoản và thu giữ toàn bộ số thu nhập phát sinh từ việc bán hàng vi phạm. Tuy nhiên, việc các cửa hàng vẫn bán sản phẩm bị cấm tràn lan cho thấy nền tảng này kiểm soát chưa hiệu quả.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.