Lý do được TikTok đưa ra là không nhận được phản hồi từ ủy ban CFIUS về thời hạn chính thức để công ty chủ quản ByteDance thoái vốn khỏi Mỹ. Trước đó, CFIUS đã yêu cầu TikTok thoái vốn khỏi “khối tài sản được dùng để hỗ trợ các hoạt động của ByteDance liên quan đến nền tảng video ngắn tại Mỹ”.
Sau những căng thẳng của đợt bầu cử, chính quyền Trump đã quên phản hồi vụ TikTok. Ảnh: GeekWire. |
Theo thông báo được đưa ra, thời hạn để TikTok hoàn tất quá trình thoái vốn khỏi ByteDance là vào ngày 12/11. Về phần mình, TikTok đã đề nghị CFIUS gia hạn lệnh cấm thêm 30 ngày để chờ chính phủ xem xét các giải pháp mà công ty đề xuất. Tuy nhiên, khi thời hạn sắp đến gần, công ty vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức nào về vụ việc.
“Thời gian qua, TikTok đã thiện chí hợp tác với CFIUS để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia mà chính quyền Mỹ áp đặt lên công ty, ngay cả khi chúng tôi không đồng tình với những luận điểm đó”, TikTok cho biết trong một tuyên bố với The Verge.
Gần hai tháng kể từ khi Tổng thống Trump thông qua quyết định, TikTok đã đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng với mong muốn thoát khỏi lệnh cấm. Song, công ty không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ chính phủ Mỹ.
Không rõ điều gì sẽ xảy đến nếu TikTok không được gia hạn lệnh cấm. Ảnh: Getty Images. |
“Trước những yêu cầu mới liên tiếp được đưa ra và hiện chưa rõ những giải pháp đề xuất có được chấp thuận hay không, chúng tôi đã đề nghị gian hạn thời gian hiệu lực của sắc lệnh ngày 14/8 thêm 30 ngày”, TikTok cho biết.
TikTok nói rõ nếu không được gia hạn lệnh cấm, công ty buộc phải đệ đơn kiện chính phủ Mỹ lên tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình và các nhân viên. Bên cạnh đó, họ vẫn sẽ hợp tác và giải quyết những vấn đề mà cơ quan quản lý đề ra.
ByteDance đã đồng ý bán một phần hoạt động kinh doanh tại Mỹ cho liên doanh Oracle-Walmart và được Tổng thống Trump phê duyệt vào tháng 9. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chưa thông qua thỏa thuận này nên đến nay thương vụ vẫn còn lấp lửng.