Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, cố vấn kinh tế Nhà Trắng cho rằng tách khỏi ByteDance để hoạt động như một công ty Mỹ sẽ có lợi hơn cho TikTok thay vì để chính phủ Mỹ cấm theo lời đe dọa của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 7/7.
Cố vấn ông Trump nói rằng TikTok có thể tách khỏi ByteDance và hoạt động độc lập như một doanh nghiệp Mỹ. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi chưa đưa ra quyết định chính thức, nhưng tôi nghĩ rằng TikTok sẽ tách khỏi công ty mẹ có trụ sở tại Trung Quốc để hoạt động độc lập như một công ty Mỹ", Kudlow chia sẻ. Dù vậy, ông không nói rõ cấu trúc hoạt động của TikTok sẽ thay đổi ra sao, cũng như liệu rằng ứng dụng này có bị một doanh nghiệp Mỹ mua lại hay không.
Về phía mình, TikTok luôn phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định chưa từng gửi dữ liệu về Trung Quốc và sẽ từ chối nếu được yêu cầu. Họ cũng tìm nhiều cách để tách biệt khỏi Douyin, phiên bản của TikTok tại Trung Quốc.
Vào tháng 5, ByteDance đã bổ nhiệm Kevin Mayer, cựu lãnh đạo Disney làm CEO mới. Tuần trước, họ tuyên bố rút khỏi Hong Kong sau khi Trung Quốc công bố luật an ninh quốc gia mới cho đặc khu này.
Trả lời SCMP về phát ngôn của Kudlow, đại diện TikTok nói rằng công ty sẽ không tham gia đầu cơ tích trữ (speculation), nhắc lại rằng ByteDance đang đánh giá thay đổi liên quan đến cấu trúc hoạt động của TikTok, cam kết hoàn toàn bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng.
Ngày 15/7, Chánh văn phòng của Tổng thống Trump nói rằng chính quyền Mỹ đang xem xét rủi ro an ninh quốc gia của các ứng dụng truyền thông xã hội như TikTok và WeChat, dự kiến đưa ra hành động phù hợp trong vài tuần tới.
Ứng dụng chia sẻ video đến từ Trung Quốc đang đứng trước nhiều đe doạ từ Mỹ và các đồng minh. Ảnh: 9to5mac. |
Mùa thu năm 2019, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã mở cuộc điều tra ByteDance về thương vụ mua lại Musical.ly (tiền thân của TIkTok) diễn ra năm 2017.
Nếu chứng minh được TikTok gửi dữ liệu về chính phủ Trung Quốc, cơ quan này có thể gây áp lực buộc ByteDance, chủ sở hữu TikTok bán lại ứng dụng này cho công ty không phải của Trung Quốc.
Từ khi TikTok rơi vào khủng hoảng, các ứng dụng đối thủ như Byte, Triller, Dubsmash và Likee đã thu hút một lượng lớn người dùng. Mạng xã hội nổi tiếng Snapchat cũng đang thử nghiệm tính năng điều hướng giống TikTok cho các nội dung video công khai.
Ngày 16/7, NBC đưa tin Facebook sắp ra mắt ứng dụng Instagram Reels để cạnh tranh với TikTok.
Giống như TikTok, Instagram Reels cho phép người dùng đăng tải video ngắn, thời lượng khoảng 15 giây với thư viện bộ lọc, nhạc nền có sẵn hoặc do người dùng đóng góp. Nó cũng có phần "Featured Reels" hiển thị những video phổ biến tương tự TikTok.