Tiểu thuyết vườn trường là một thể loại văn học hiếm hoi được định nghĩa không theo cốt truyện, giọng điệu hay nhịp độ, mà theo bối cảnh câu chuyện. Tiểu thuyết vườn trường có thể là một tác phẩm tội phạm, bí ẩn, lãng mạn, kỳ ảo, hay bao gồm toàn bộ yếu tố trên miễn là mọi tình tiết diễn ra xoay quanh khuôn viên trường học.
Từ châm biếm đến phản ánh hiện thực
Ra đời từ thế kỷ trước, tiểu thuyết vườn trường được dùng nhiều để thể hiện giọng điệu châm biếm với thực tại xã hội. Từ những tác phẩm kinh điển như Lucky Jim của Kingsley Amis, Pnin của Nabokov cho đến các tác phẩm hậu hiện đại như White Noise của Don DeLillo, tiểu thuyết vườn trường của những năm 1950-1980 tràn đầy những bình luận về văn hóa và những quan sát chi tiết.
Nhưng đến đầu những năm 1990, một luồng gió mới đã đến với thể loại này. Mặc dù các tiểu thuyết vườn trường trước đây đã đề cập đến một số chủ đề "tối tăm" như bệnh tâm thần, chủ nghĩa phát xít hay sự tử vong, chúng không hoàn toàn u ám. Dù có sự châm biếm rất sâu cay, thậm chí khó chịu, hầu hết cuốn sách chỉ xoay quanh giới học thuật, công sở và sự “tối tăm” vẫn còn nhẹ nhàng.
The Secret History vẫn là một huyền thoại cho tới nay. Ảnh: Medium. |
Nhưng tất cả đã thay đổi với sự xuất hiện của một thể loại mới: dark academia. The Secret History (xuất bản năm 1992) của Donna Tartt được công nhận rộng rãi là tác phẩm đầu tiên của thể loại này dù nó chưa được gọi như vậy vào thời điểm đó.
The Secret History là câu chuyện về một nhóm sinh viên đã giết một trong những người bạn cùng đội, khám phá những tình tiết dẫn đến cái chết của người này và nguyên nhân sâu xa phía sau. Với hơn 500 trang, The Secret History là một tác phẩm bậc thầy về những cảnh dài đầy căng thẳng, hấp dẫn, tuy nhiên cũng gây nhiều tranh cãi trên Goodreads.
Trong khi người hâm mộ phát cuồng về lối viết văn xuôi đầy mê hoặc và dàn nhân vật vẫn hấp dẫn thì các nhà phê bình lên án cuốn sách là nhồi nhét quá mức, các nhân vật gây khó chịu và cốt truyện quá nhiều khúc ngoặt.
Dù tranh cãi ra sao, có một điều không thể phủ nhận, ít nhất là vào năm 1992, không tác phẩm vườn trường nào giống như The Secret History trên thị trường. Và trong khoảng một thập kỷ sau đó, cũng không có cuốn sách vườn trường nào độc đáo như The Secret History.
Lúc này, giới tác giả đã tìm ra một hướng đi mới. Thay vì gợi lên những tình huống cực đoan và hậu quả phóng đại như những người tiền nhiệm, thế hệ tiểu thuyết vườn này tập trung vào việc miêu tả trải nghiệm cuộc sống trường học theo cách tinh tế và thực tế hơn, ví dụ như tác phẩm Prep của Curtis Sittenfeld, On Beauty của Zadie Smith hay bom tấn như Normal People của Sally Rooney.
Normal People để lại nhiều cảm xúc day dứt cho độc giả. Ảnh: The Independent. |
Mặc dù cốt truyện không quá kịch tính, giọng văn không gay gắt, những cuốn sách thực tế này vẫn hiệu quả vì phản ánh cuộc sống thực theo một góc nhìn nhân văn, nhẹ nhàng hơn. Từ câu chuyện chân thực đến đau lòng của Sittenfeld về một đứa trẻ được học bổng tại một trường nội trú ở New England cho đến mối quan hệ đan xen, phức tạp của hai gia đình học thuật Kipps và Belseys, hay câu chuyện tình yêu của đôi trẻ ở miền Tây Ireland. Có thể thấy những câu chuyện trường học theo hướng hiện thực đã phát triển mạnh mẽ vào những năm 2000.
Dark academia nở rộ và hướng đi nào thời gian tới?
Quay lại không khí u ám của The Secret History, kể từ sau tác phẩm này, rất ít tác giả đi theo phong cách tương tự. Có thể vì The Secret History quá thành công hay dark academia chưa thực sự nở rộ vào thời gian trước. Và mãi cho đến năm 2009, một đối thủ đáng gờm đã xuất hiện: The Magicians của Lev Grossman. Hai tác phẩm ra đời cách nhau gần hai thập kỷ và phong cách dark academia của hai tác giả cũng rất khác nhau.
Văn xuôi của của Grossman thẳng thắn hơn, các nhân vật “đời” hơn và câu chuyện của ông không mấy quan tâm đến việc lãng mạn hóa họ. Một điểm khác biệt lớn nữa là trong khi The Secret History không phải một tác phẩm kỳ ảo thì đặc điểm chính của The Magicians chính là sự kỳ ảo.
Phần nào nhờ vào thành công của Harry Potter, các tác phẩm kỳ ảo, dark academia dần nổi lên và thu hút nhiều độc giả trong những năm 2010. Từ Vicious của V.E. Schwab, Babel của R.F. Kuang đến Ninth House của Leigh Bardugo, thế giới dark academia với khuynh hướng ma thuật đã bùng nổ cùng sự trợ lực mạnh mẽ từ các cộng đồng sách trực tuyến như BookTok hay Goodreads. Những tiểu thuyết này đều có hàng trăm nghìn lượt đánh giá trên Goodreads, hai đầu sách sau thậm chí còn được viết phần tiếp theo và tác giả của chúng cũng trở thành những KOL lớn.
Come and Get It của Kiley Reid đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Ảnh: Good Morning America. |
Ai có thể dự đoán được tiểu thuyết vườn trường châm biếm 30 năm trước giờ gần như hoàn toàn biến mất và được thay bằng các thể loại rất mới. Do đó, rất khó để dự đoán sự phát triển của dòng văn học này thời gian tới.
Dù vậy, đang có một tác phẩm hé lộ một hướng đi mới là Come and Get It của Kiley Reid. Đây là câu chuyện về một trợ lý nghiên cứu tại Đại học Arkansas và một giáo sư thỉnh giảng kiêm nhà báo thường phỏng vấn và nghe lén những người ở lại trường.
Come and Get It là một ghi chép tuyệt vời về các chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống trường đại học vào những năm 2020, đặt ra những câu hỏi hấp dẫn về các chuẩn mực và giá trị tài chính, tính chính trực của nghề báo và cách mọi người được nhìn nhận trong các bối cảnh khác nhau.
Phần nào cũng mang tính phản ánh hiện thực, cách phát triển cốt truyện và xây dựng nhân vật rất khác so với các tác phẩm vườn trường hiện nay. Dù vậy, liệu những tác phẩm vườn trường khiến độc giả suy nghĩ sâu sắc hơn về chủ đề và về bản thân như vậy có thể trở thành hướng đi mới trong tương lai hay không vẫn còn là điều khó đoán.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.