“Anh bạn, thứ đó bốc mùi như tất ướt.” Lenny cất vội vào cặp để tránh ánh mắt trân trối đến miệt thị của những hành khách cùng khoang hạng nhất. Một cuốn sách.
Dĩ nhiên, đọc một cuốn sách không phải là điều ngớ ngẩn duy nhất trong thế giới của Chuyện tình đích thực siêu buồn. Ở một vũ trụ song song nơi mà mọi thứ được “cố định giá theo nhân dân tệ," và lưỡng đảng Hoa Kỳ hợp nhất thành Đảng Lưỡng đảng, thật là nguyên thuỷ nếu không sở hữu một tài khoản mạng xã hội Globalteens và một chiếc apparat - thiết bị điện tử thông minh.
Đại diện của kỷ nguyên công nghệ này xuất sắc đến nỗi nó cho phép người dùng biết được tất cả mọi thông tin của người xung quanh mình và đánh giá họ. Xin nhấn mạnh là tất cả: sơ yếu lý lịch, nghề nghiệp, giá trị tài sản, xếp hạng tín dụng, bệnh lý và thậm chí trạng thái cảm xúc.
Thay vì thực sự vận động cơ miệng để nói chuyện, giờ đây người ta vào bar và hý hoáy đánh giá CHỈ SỐ HẤP DẪN TÌNH DỤC của mọi người. Lời khen được ưa thích nhất là “Ôi, cậu thật Truyền thông!”
Cuốn sách Chuyện tình đích thực siêu buồn của Gary Shteyngart. |
Gary Shteyngart sẽ chỉ đơn thuần là một cây viết trào phúng thú vị giàu trí tưởng tượng nếu thế giới trong tiểu thuyết không thể hiện thực hơn như thế. Thử nghĩ mà xem, xã hội ấy có quen thuộc không?
Ngành xuất bản đã chết, và để "câu view" người ta không ngần ngại làm tình hồng hộc trước camera trong khi đang bình luận về một vụ xả súng công khai. Các cột Tín dụng mọc lên ở khắp nơi để vinh danh xếp hạng Tín dụng, hay có thể hiểu là vị trí xã hội, của mọi người lướt qua nó. Nói cách khác, chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi đồng nghĩa với việc càng tiêu nhiều tiền mua những thứ đồ vô nghĩa anh càng được sùng bái.
Giọng văn trào phúng phần nào gợi liên tưởng tới Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, có lẽ bởi cả hai tác phẩm dù khác thời nhưng đều phê phán một xã hội nơi mọi giá trị bị đảo ngược.
Tuy nhiên, Chuyện tình đích thực siêu buồn tưng tửng và xổ toẹt rất “kiểu Mỹ". Đan xen giữa nhật ký của một Lenny vừa già, béo vừa hói đầu với những đoạn chat của nàng thơ đời gã - Eunice trẻ trung, xinh đẹp và rất bắt kịp thời đại nhưng kém gã tới mười lăm tuổi, tiểu thuyết của Gary Shteyngart là một câu chuyện gây nhiều cảm xúc về một nước Mỹ cạn kiệt xúc cảm.
Đằng sau những tràng cười bề mặt, Chuyện tình đích thực siêu buồn khiến người ta suy nghĩ về chính hiện thực mình đang sống. Chúng ta có đang chìm đắm trong ảo mộng tiền bạc và danh tiếng không? Chúng ta có đang quá vô cảm? Giá trị đạo đức hãy còn lung lay hay đã sụp đổ rồi? Và rốt cuộc, chúng ta đang sống vì điều gì vậy?