Những câu hỏi như nên bắt đầu dạy con ở độ tuổi nào thì phù hợp? Dạy con theo phương pháp nào là đúng? Một đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm hay khi bé làm điều sai trái, cha mẹ nên uốn nắn ra sao?... khiến không ít bậc phụ huynh phải đau đầu.
Hiểu được sự khổ tâm ấy của người làm cha mẹ, tác giả Chikara Oyano (1958) giáo viên tại một trường tiểu học công lập, với những kinh nghiệm và kiến thức có được của một thầy giáo, đã cho ra mắt rất nhiều cuốn sách viết về trẻ em như: Thói quen đánh thức điểm mạnh của trẻ, Quyết định bởi công sức của cha mẹ, Bớt nói “đừng” để trẻ trưởng thành hơn…
Trong đó cuốn sách Bớt nói “đừng” để trẻ trưởng thành hơn được nhiều bậc phụ huynh và các chuyên gia giáo dục Nhật Bản đánh giá rất cao. Thông qua tác phẩm, Chikara Oyano chỉ cho các bậc cha mẹ thấy việc chăm sóc và dạy dỗ con cái không hề phức tạp như họ vẫn tưởng.
Cuốn sách giúp người đọc vỡ lẽ ra những phương pháp mà ta đang áp dụng với con cái chưa thực sự đúng đắn hay chưa tạo được điều kiện tốt nhất để con phát triển một cách tự nhiên.
Cuốn sách Bớt nói “đừng” để trẻ trưởng thành hơn của tác giả tác giả Chikara Oyano. |
Ở độ tuổi từ 4-6 trẻ đã bắt đầu tự mình khám phá thế giới xung quanh. Hầu hết các bé đều hiếu động, nghịch ngợm, tò mò, không nghe lời hay phớt lờ sự "phân công" của bố mẹ để làm những việc mình thích.
Nhiều lúc bạn sẽ cảm thây bất lực với trẻ, nhưng càng thúc ép con lại càng không nghe lời, gây áp lực cho cả hai phía. Nếu không kiềm chế tốt, bạn sử dụng những câu nói tiêu cực, hành động bắt ép sẽ vô tình nuôi dưỡng sự bướng bỉnh và tâm lý phản kháng trong trẻ.
Không chỉ vậy, với một số trẻ, điều đó sẽ làm bé sợ hãi, trở nên khép kín và mất đi khả năng tự tin vào chính bản thân mình.
Ngoài ra, việc la mắng trẻ sẽ làm mất đi mối dây liên kết và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái, khiến trẻ bị gò bó mà không thể phát huy hết khả năng của mình, mất đi sự hồn nhiên mà dần đi vào một khuôn phép của cha mẹ. Thậm chí nếu tình trạng này diễn ra lâu trẻ trở nên trầm tĩnh hơn hoặc sẽ bùng phát thành sự nổi loạn, phản kháng khó kiểm soát.
Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con, khéo léo cư xử để trẻ có thể nghe lời một cách ngoan ngoãn. Khi dạy trẻ, trước hết ta phải hiểu tâm lý cũng như “đọc” được những dấu hiệu của trẻ, phải quan tâm đến cảm nhận của trẻ chứ đừng coi trẻ như một chiếc máy nói đâu nghe đó.
Theo tác giả, muốn trẻ hợp tác điều quan trọng nhất các bậc phụ huynh hãy bớt nói “đừng” với con. Việc ít nói “đừng” sẽ tạo cho bé một môi trường tốt để có thể tự do phát triển.
Chikara Oyano nhấn mạnh bớt nói “đừng”, không phải buông lỏng việc dạy dỗ con mà là cho bé tự do trong tầm quan sát. Bởi bạn không thể lúc nào cũng ở bên, bảo bọc con mọi lúc mọi nơi, chính vì vậy phải dạy con tính độc lập, tự chủ.
Cuốn sách Bớt nói “đừng” để trẻ trưởng thành hơn đóng vai trò như một người bạn đồng hành thân thiết cùng cha mẹ trong việc nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ, giúp bé phát triển độc lập. Hay hướng dẫn phụ huynh một số cách đơn giản để họ có thể thỏa thuận với con, đồng thời tạo sự gắn bó mật thiết giữa hai bên, xóa bỏ hình ảnh một người ra lệnh khó ưa, khó hợp tác trong mắt bé.
Ngoài ra, tác giả cho rằng cha mẹ cũng nên đưa ra đa dạng sự lựa chọn, cho con trải nghiệm và từ đó rút ra bài học cho mình. Khi cha mẹ trao cho con niềm tin của mình, con sẽ tự biết cách điều chỉnh hành vi của mình, thậm chí trẻ có thể tham khảo và hỏi ý kiến của cha mẹ trước khi hành động.
Không chỉ mang đến cách tốt nhất trong việc khuyên bảo trẻ, giúp trẻ phát triển mà còn giúp các bậc cha mẹ nhận ra những sai lầm thường thấy trong cách giáo dục thường ngày của chính mình.