Nhắc đến Nguyễn Quang Thiều, không ít người liên tưởng ngay đến làng Chùa. Hình ảnh làng Chùa len lỏi rất nhiều trong các trang viết của ông. Ở tác phẩm Lời ngỏ tác giả viết "Lớn lên ở một làng quê nghèo bên bờ sông Đáy. Thuở đầu tiên gọi là Tía Hạ, sau đó gọi là làng Chùa và người làng Chùa được gọi là kẻ Chùa. Sau này mới đặt tên là làng Hoàng Dương...”.
Dù chưa từng đặt chân đến ngôi làng của tác giả, bạn đọc vẫn có thể hình dung quang cảnh nơi đây một cách rõ nét và cảm nhận hương vị ẩm thực độc đáo dưới ngòi bút của nhà thơ Quang Thiều.
Đến với đứa con tinh thần mang tên Mùi của ký ức, Quang Thiều sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận rõ nét nhất về làng Chùa.
Tuổi thơ của tác giả lớn lên cùng nhiều loại “mùi”, ở đó có mùi thơm của ao sen, rau khúc, của rơm rạ tháng mười, cơm mới, của dòng sông, cải hoa, rau dại, của ngô khoai và tro nấu bếp.
Không được sống dư giả vật chất như trẻ con trong xã hội hiện đại, nhưng tuổi thơ của ông bù lại có rất nhiều trải nghiệm, được bọc trong tình yêu thương của gia đình, của bà, mẹ; được uống dòng nước mát; được bay bổng và tưởng tượng… để cuối cùng được trở về hồi niệm nhớ.
Cuốn sách Mùi của Ký ức của tác giả Nguyễn Quang Thiều. |
Cuốn sách Mùi của ký ức gồm 18 bài viết, có thể coi đây là 18 tùy bút về ẩm thực của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Mở đầu tác phẩm bằng bài viết Tôi khóc những cánh đồng rau khúc, Nguyễn Quang Thiều khéo léo dẫn độc giả ngược dòng thời gian, trở về với cánh đồng xứ Bắc khi rau khúc vào mùa.
Bên cạnh đó, câu chuyện nhắc nhớ ông về người bà của mình. Khi còn là một cậu bé, vào độ Giêng hai mưa xuân, buổi sớm ông theo chân bà ra cánh đồng hái rau khúc, rồi ngồi bên bếp lửa cùng bà đồ bánh, hít hà ngào ngạt mùi thơm từ rau khúc và những hạt xôi nếp và rồi để được ăn chiếc bánh nóng hổi.
Với tác giả, màu trắng mơ hồ như sương ấy mỗi khi mùa rau khúc nở và màu trắng vỏ bánh khúc làm bằng những hạt xôi nếp là màu của sự ấm no.
Đi hết mùa rau khúc, tác giả dẫn độc giả đến với mùa hoa cải vàng. Thời điểm đó là khi tháng mười đã về, đây cũng là mùa cua. Với ngôn từ phong phú nhưng tác giả cũng khó cắt nghĩa được hết vẻ đẹp rực rỡ của hoa cải vàng và màu xanh bát canh cua nấu cải. Nguyễn Quang Thiều chỉ còn cách quả quyết “Canh cua nấu rau cải ngon nhất chính là vào tháng mười âm lịch”.
Hay món những tay măng tre ngâm trong nước tương, vị của những quả trứng vịt đẻ lang được lũ trẻ bọc đất nướng dưới lửa củi và lá khô, vị nào hấp dẫn hơn… khiến bạn đọc không khỏi ghen tị với tác giả.
Có thể nói Nguyễn Quang Thiều là một người có nhiều ký ức hạnh phúc, được đi chợ Tía cùng bà và ngồi ăn bánh đúc riêu cua hay lần theo bà đi bộ hai mươi cây số ăn giỗ ở Khê Tang (Thanh Oai); là khi tận mắt xem bà muối cà, làm tương, muối giềng…
Về mẹ, ông nhớ lại hình ảnh bà thường để dành ốc vào trong vại rồi làm món ốc nhồi nấu chuối rằm tháng bảy; nhớ món canh lá dâu nấu hến mùa hè ngon mát bà hay làm, những niêu cá kho, những mẻ bánh sắn, bánh khoai, bánh mật qua tay… Hay chuyện mâm cỗ cá đủ món ngày thường của cha khi nhà có khách, món gỏi cua “độc nhất vô nhị” cha ông làm thết bạn…
“Người làng Chùa làm nhiều món gỏi khác nhau nhưng gỏi cua là món gỏi ‘Lý Trưởng’ theo cách gọi của người làng Chùa. Nghĩa là món gỏi đứng đầu. Món gỏi quyền uy nhất trong các món gỏi và trong mọi mâm cỗ”.
Có thể đây là món ăn của một thời, của rất nhiều người nhưng từng câu chữ trong trang sách Mùi của ký ức là những kỷ niệm, trải nghiệm riêng của tác giả.
Và 208 trang sách Mùi của ký ức được ví nhứ là hành trình trở về với tuổi thơ, quê hương, làng xóm, với mẹ cha và về với bản thể của mình.