C
hợ An Đông và Bình Tây là 2 trong 5 khu chợ truyền thống có lịch sử lâu đời nhất tại TP.HCM, bên cạnh chợ Bến Thành, Tân Định, Bà Chiểu.
Chợ An Đông hình thành từ năm 1951, một thời là nơi mua sắm sầm uất bậc nhất khu vực quận 5 nói riêng và cả Sài Gòn nói chung. Nơi đây không chỉ mang những dấu ấn lịch sử, biểu tượng kinh doanh, còn là nơi làm ăn của gần 4.000 tiểu thương với hơn 2.700 quầy sạp.
Chợ Bình Tây (hay còn được gọi chợ Lớn, chợ Lớn mới) được xây dựng vào năm 1928 tại quận 6, mang phong cách kiến trúc Á Đông, nhưng ứng dụng kỹ thuật phương Tây đương thời, được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn vào thời điểm đó.
Chợ được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 2015, được người dân thành phố coi là một phần biểu tượng của Sài Gòn, đồng thời là đầu mối sầm uất bậc nhất Sài Gòn.
Cả 2 chợ này đều đã được khởi công xây dựng, nâng cấp, tu sửa một thời gian dài. Mới đây, trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Sở Công Thương cho biết tiến độ sửa chữa cả hai chợ này lại tiếp tục chậm so với dự kiến.
Tháng 9/2017, tiểu thương chợ An Đông từng bãi thị vì bức xúc việc thu chi sửa chữa chợ không rõ ràng . Ảnh: Lê Quân. |
Việc sửa chợ An Đông quá chậm
Theo Sở Công Thương TP.HCM, đến nay UBND quận 5 mới hoàn thành 1 trên 4 dự án sửa chợ An Đông. Tốc độ triển khai còn chậm, nhiều hạng mục dừng lại ở mức đang xây dựng hồ sơ để chờ đấu thầu.
Lý giải việc này, đơn vị thi công cho biết do ban ngày chợ An Đông vẫn hoạt động bình thường, chỉ có thể thi công vào chiều tối, dẫn tới việc ảnh hưởng đến tiến độ.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ còn gặp nhiều khó khăn khi liên tục thay đổi hạng mục và phát sinh thêm hạng mục mới.
Cách đây đúng 1 năm, 20/9/2017, UBND quận 5 cũng đã phải xin lỗi tiểu thương chợ An Đông vì tiến độ sửa chữa chợ quá chậm. Thời điểm đó, theo ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, việc chậm trễ là do chủ quan. Cùng thời điểm, bức xúc vì việc thu chi sửa chữa chợ không rõ ràng, tiểu thương tổ chức bãi thị.
Theo phản ánh, từ đầu năm 2012, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông đã được vận động đóng trước hơn 217 tỷ đồng với nhiều hứa hẹn là nâng cấp bảo dưỡng chợ khang trang, sạch đẹp.
Tuy nhiên, gần 6 năm qua, lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện. Việc kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng đã khiến khách lần lượt bỏ chợ ra đi.
Chậm sửa chữa chợ chính Bình Tây
Với chợ Bình Tây, Sở Công Thương cho hay khối chợ chính tiến độ thi công chậm so với kế hoạch. Lý do được đưa ra là chất lượng ngói nhập về bị lỗi khá nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ lợp và hoàn thiện.
Nhiều người Sài Gòn không khỏi lo lắng về việc bảo tồn kiến trúc đặc sắc của chợ Bình Tây - vốn là một phần biểu tượng của thành phố. Ảnh: Hoàng Việt. |
Hệ thống điện đã được kiểm tra, xác định lại hiện trạng thực tế. Đơn vị thi công đánh giá việc lắp đặt trạm biến áp tại vị trí góc chợ Bình Tây, đường Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe là không đủ diện tích và ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa.
Về cây xanh, đã tìm được loài phù hợp nhưng gặp khó khăn trong việc vận chuyển từ Đồng Nai về Sài Gòn.
Chợ Bình Tây đã trải qua hai lần tu sửa vào năm 1992 và 2006. Ở lần tu sửa thứ ba vào năm 2016, công trình nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây có tổng mức đầu tư hơn 104 tỷ đồng, lấy từ nguồn thu trước tiền sử dụng điểm kinh doanh của các hộ tiểu thương trong nhà lồng trong 10 năm.
Thời gian sửa chữa, nâng cấp chợ dự kiến kéo dài khoảng 1 năm, nhưng đã quá thời hạn, việc sửa chữa vẫn chưa kết thúc.
Bên trong chợ Bình Tây. Ảnh: Hoàng Việt. |
Chợ Bình Tây (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps. |