Sáng nay, hơn 2.550 tiểu thương chợ truyền thống An Đông đã ngừng hoạt động buôn bán, xuống đường bãi thị.
Mục đích để phản đối việc Ban quản lý chợ An Đông có những hoạt động thu - chi tiền do tiểu thương đóng góp sửa chữa chợ không rõ ràng, cũng như sự bất nhất của lãnh đạo quận 5 trong xử lý vụ việc trên.
Tiểu thương góp trăm tỷ sửa chợ, Ban quản lý chỉ sửa nhà vệ sinh
Hình thành từ năm 1951, chợ An Đông là một trong ba chợ truyền thống cấp 1 có lịch sử lâu đời tại TP.HCM (cùng với chợ Bình Tây và chợ Bến Thành). Đến năm 1991, hơn 2.000 tiểu thương chợ An Đông là những người đầu tiên đã đóng góp, cùng xây dựng chợ kiên cố gồm 5 tầng như hiện tại.
Mỗi tiểu thương góp số tiền 22 triệu đồng cho diện tích quầy sạp chỉ 1,5m x 1,4m. Đây là một trong những chợ sầm uất nhất nhì TP.HCM với mặt hàng chính là quần áo và phụ kiện thời trang, doanh số luân chuyển hàng hóa lên tới khoảng 3.000 tỷ đồng/năm.
Qua thời gian dài phát triển, ngôi chợ hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán.
Tiểu thương bức xúc phát loa trình bày sự việc. Ảnh: Lê Quân . |
Cụ thể, theo phản ánh của các tiểu thương, doanh số bán hàng của chợ trong mấy năm trở lại đây đã giảm 50-70%. Một trong những lý do được các tiểu thương ở đây khẳng định là do chợ quá xuống cấp, bên cạnh nguyên nhân khách quan là sụt giảm kinh tế.
Đầu năm 2013, hơn 2.000 tiểu thương của chợ đã được vận động đóng trước hơn 237 tỷ đồng với nhiều hứa hẹn từ quận 5, là nâng cấp chợ khang trang, sạch đẹp cạnh tranh với các trung tâm thương mại mới mọc lên trên địa bàn quận. Công trình này mang tên “nâng cấp, sửa chữa hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh, điện động lực” được thi công vào năm 2014.
Tuy nhiên thực tế, Ban quản lý chợ chỉ sửa chữa được 4 nhà vệ sinh, với chi phí lên tới hơn… 9 tỷ đồng.
Ngoài ra, tháng 5/2015, Ban quản lý chợ công bố số tiền 237 tỷ mà tiểu thương đã đóng góp thực tế chỉ là 219 tỷ đồng. Đến tháng 11/2016 số tiền được công bố chỉ có 217 tỷ đồng, lý do là kế toán báo nhầm.
Tiểu thương đợi, quận hứa
Bức xúc với tiến độ cũng như chi phí sửa chữa chợ của Ban quản lý, tiểu thương chợ An Đông đã nhiều lần gửi kiến nghị lên UBND quận 5, yêu cầu vào cuộc giải quyết.
Ngày 10/11/2016, Chủ tịch UBND quận 5 có buổi tiếp xúc đầu tiên với các tiểu thương của chợ.
Đóng góp chi phí sửa chợ nhiều năm nay nhưng tiểu thương cho biết vẫn phải buôn bán trong điều kiện chợ cũ xuống cấp. Ảnh: Lê Quân. |
Tại buổi đối thoại, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, thừa nhận chính tay ông đã bút phê “hoàn toàn đồng ý” trước những kiến nghị của tiểu thương vào ngày 28/10/2016.
Cũng chính ông Huy thông tin với tiểu thương trong tháng 12/2016, UBND quận 5 tổ chức đấu thầu hai hạng mục cải tạo nội ngoại thất chợ, ô giếng trời và hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đến tháng 2/2017 sẽ bắt đầu sửa chữa.
Song song đó, tháng 4/2017 làm tiếp hai hạng mục là hệ thống thang máy vận chuyển hàng và xử lý hệ thống nước thải. Thời gian làm hai hạng mục quan trọng dự tính là 2 năm.
Ngày 19/5/2017, tiểu thương chợ An Đông tiếp tục có buổi làm việc với UBND quận 5.
Tại buổi làm việc này, ông Huy đã kết luận sẽ khởi công 4 mặt tiền chợ vào tháng 6/2017. Đồng thời thống nhất thời gian khởi công là ngày 15/10/2017 đối với 3 hạng mục: thay mới gạch nền, hệ thống máy lạnh và hệ thống chiếu sáng ngoại vi.
Việc khảo sát lắp đặt đồng hồ điện tại mỗi quầy/sạp trong tháng 8/2017. Tuy nhiên, cho tới hôm nay, mọi hạng mục trên vẫn chưa được triển khai.
Tại cuộc đối thoại ngày 19/9, ông cũng nhận trách nhiệm trước việc mãi lực của chợ suy giảm do sự xuống cấp của hạ tầng chợ.
Lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ đạo xử lý
Liên quan đến vụ việc lùm xùm tại chợ An Đông nhiều năm qua, ngày 28/4, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo xử lý.
Ông Tuyến giao sở Công Thương chủ trì, nghiên cứu thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động của Trung tâm thương mại - Dịch vụ An Đông (chợ An Đông) xung quanh vấn đề mà tiểu thương chợ An Đông khiếu nại.
Ngày 12/5, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra chợ này. Tại buổi thông báo kết luận thanh tra chợ chiều 12/5, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trưởng đoàn kiểm tra chợ An Đông, thốt lên: “Ban quản lý chợ An Đông hết sức quan liêu”, khi nghe những bức xúc của tiểu thương nơi đây.
Cũng buổi gặp gỡ này, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết TP.HCM đã thành lập đoàn thanh tra một số nội dung về thu chi, sửa chữa tại chợ An Đông. Qua đó, khẳng định số tiền quầy sạp mà tiểu thương kiến nghị đã thu chính xác là hơn 217 tỷ đồng, chứ không phải 237 tỷ đồng như phản ánh.
Mới đây, ngày 11/8, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, dẫn đầu đoàn công tác gồm đại diện các sở ngành và lãnh đạo UBND quận 5, khảo sát tình hình hoạt động của chợ An Đông, làm việc với tiểu thương tại chợ.
Chợ An Đông ở khu vực kinh doanh sầm uất nhất quận 5, TP.HCM. |
Tại buổi tiếp xúc tiểu thương này, ông Tuyến yêu cầu quận 5 rà soát lại, để chính thức làm việc với UBND TP.HCM về vấn đề sửa chữa, nâng cấp Trung tâm thương mại - dịch vụ An Đông.
Ông Tuyến cũng khẳng định sẽ sát cánh với quận 5 giải quyết nguyện vọng của tiểu thương, để Tết Nguyên Đán 2018 tới, việc buôn bán của bà con được nhiều hơn, tốt hơn.
“Trước Tết, tôi sẽ đến thăm bà con lần nữa”, ông Trần Vĩnh Tuyến hẹn.
Ngay sau buổi bãi thị sáng nay diễn ra tại chợ, Văn phòng UBND TP.HCM đã có buổi tiếp đại diện các tiểu thương chợ An Đông, kéo dài từ 11h30 đến 12h. Buổi tiếp xúc do ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng xử lý đơn - Ban tiếp công dân thành phố, thuộc Văn phòng UBND TP.HCM, chủ trì.
Tại buổi tiếp xúc, các tiểu thương đưa ra 3 yêu cầu:
Thứ nhất, yêu cầu UBND quận 5 ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn, vì hợp đồng này là vô hiệu do chợ truyền thống không được thu tiền thuê quầy sạp.
Thứ hai, yêu cầu UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương, vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng tiền trước 1 năm để xây dựng chợ.
Thứ ba, yêu cầu UBND quận 5 phải gửi số tiền 217 tỷ đồng do tiểu thương chợ An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013 trả lại cho tiểu thương.
Đại diện tiểu thương chợ An Đông cũng phản ánh tới UBND TP.HCM về việc UBND quận 5 chậm triển khai, xây dựng, sửa chữa chợ để bà con ổn định kinh doanh buôn bán.
Trước ý kiến của đại diện tiểu thương chợ An Đông, Ban tiếp công dân TP.HCM có ý kiến: “Đề nghị bà con có nhu cầu phản ánh, kiến nghị thì liên hệ số 15 Nguyễn Gia Thiều, phường 6, quận 3 để ghi nhận ý kiến của công dân và sẽ xử lý theo quy định”.