Thực hiện công văn này, những ngày qua, một loạt hệ thống siêu thị đã đẩy mạnh nhập hàng để phân phối trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài, bài toán về xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ đầu ra cho nông sản cũng rất cần được quan tâm.
Chung sức hỗ trợ nông dân
Bộ phận kinh doanh của hệ thống siêu thị Saigon Co.op đang đẩy mạnh thu mua, vận chuyển, tiêu thụ dưa hấu miền Trung trên toàn hệ thống với mức giá thu mua tại vườn cao hơn từ 500 đến 1.000 đồng/kg so với mức giá mà các thương lái đang thực hiện. Dưa được bày bán với giá từ 3.000-3.300 đồng/kg.
Trong khi đó, theo kế hoạch của siêu thị Big C, từ nay đến hết 19/4, siêu thị này chấp nhận bù lỗ các chi phí liên quan đến vận chuyển, trưng bày để tiêu thụ hơn 80 tấn dưa hấu với mức giá không lãi (5.900 đồng/kg cho khu vực miền Bắc, Nam; 4.900 đồng cho khu vực miền Trung).
Còn theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Trong thời gian qua, ngoài việc căn cứ vào thị trường tiêu thụ, Hapro còn chấp nhận bù lỗ để tiêu thụ thêm 20 tấn dưa hấu cho đồng bào miền Trung.
Siêu thị BigC hỗ trợ tiêu thụ 80 tấn dưa hấu cho bà con nông dân miền Trung. |
Ngoài hệ thống siêu thị, công văn của Sở Công Thương cũng đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo ban quản lý các chợ tạo điều kiện đẩy mạnh bán dưa hấu và hành tím; Rà soát các khu đất trống để bố trí các điểm bán dưa hấu, hành tím. Đồng thời, Sở cũng đề nghị Công an TP, Sở GTVT hỗ trợ tạo điều kiện, hướng dẫn cho các xe chở dưa hấu, hành tím được vào TP tiêu thụ sản phẩm cho người dân...
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sở đã đề nghị Sở Công Thương Sóc Trăng cung cấp danh sách, thông tin DN cho 15 DN bán lẻ, chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Hai Sở cũng đã “chốt giá” mặt hàng này. Cụ thể, hành tím loại 1 mua tại Sóc Trăng 9.000-10.000 đồng/kg, đưa ra đến Hà Nội giá 11.000-12.000 đồng/kg; loại 2 giá mua 6.000-8.000 đồng/kg, đưa ra đến Hà Nội giá 9.000-10.000 đồng/kg…
“Hiện nay đã có một số DN triển khai việc đưa hành tím ra Hà Nội bán cho người dân. Dự kiến, từ 20/4 đến 26/4, tại hệ thống siêu thị Vinmart, Công ty TNHH Sài Gòn Coop sẽ bày bán mặt hàng này” - bà Lan khẳng định.
Bài toán sức cạnh tranh
Mặc dù ngành công thương Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại một số chợ đầu mối, mặt hàng nông sản trong nước đang bị hàng từ Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt.
Tại chợ chuyên kinh doanh nông sản, hoa quả Long Biên, khi chúng tôi đặt vấn đề tại sao không nhập hành tím Sóc Trăng, dưa hấu trong nước…, hầu hết các hộ kinh doanh đều khẳng định: Không riêng những mặt hàng này mà hàng nông sản trong nước nói chung chỉ được cung cấp theo mùa vụ, giá bán không ổn định. Trong khi đó, chi phí vận chuyển cao.
Ví dụ, chi phí vận chuyển một xe hàng 5 tấn từ biên giới Trung Quốc về đến Hà Nội chỉ khoảng 3 triệu đồng, trong khi vào Đà Lạt hay Sóc Trăng, giá vận chuyển phải đội gấp 4-5 lần. Chị Kim Oanh, một tiểu thương chuyên bán buôn hành, tỏi tại chợ đầu mối Long Biên cho biết: Do chất lượng bảo quản nông sản trong nước chưa đảm bảo, hay bị dập nát khi vận chuyển, hao hụt lớn nên sức tiêu thụ kém hơn.
Từ thực tế cho thấy, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên thị trường nội địa tiếp tục bộc lộ những bất cập trong việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất, công nghệ chế biến sau thu hoạch, liên kết bao tiêu sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối… Những bất cập này đã đến lúc cần những giải pháp cấp bách để sớm khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”.