Thiên thạch khổng lồ mang tên 99942 Apophis, tên Hy Lạp cho một vị thần rắn Ai Cập đã tìm cách nuốt chửng Mặt Trời, sẽ rơi xuống cách Trái Đất 30.600 km. Kích thước và khoảng cách tương đối gần của nó sẽ mang lại khoảnh khắc đặc biệt cho các nhà thiên văn học và các nhà khoa học khác.
"Lần tiếp cận của Apophis vào năm 2029 sẽ là một cơ hội tuyệt vời cho khoa học. Chúng tôi sẽ quan sát tiểu hành tinh này bằng cả kính viễn vọng quang học và radar.
Với các quan sát radar, chúng ta có thể thấy các chi tiết bề mặt chỉ có kích thước vài mét", Marina Brozovic, nhà khoa học radar tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California, cho biết.
Tiểu hành tinh Apophis (chấm màu vàng) sẽ đi qua Trái Đất vào ngày 13/4/2029 ở khoảng cách chưa đầy 31.000 km từ bề mặt, bằng khoảng cách của một số vệ tinh (chấm màu xanh) đang quay quanh hành tinh. Ảnh: JPL. |
Theo NASA, việc một vật thể lớn như vậy vượt qua Trái Đất ở cự ly đó là tương đối hiếm. Trên thực tế, Apophis thậm chí có thể được nhìn thấy bằng mắt thường như một điểm sáng.
"Khi tiểu hành tinh đi qua Đại Tây Dương, đường đi của nó nhanh chóng chuyển từ màu đỏ sang màu xám - đó là thời điểm tiếp cận gần nhất. Sau điểm tiệm cận gần nhất, tiểu hành tinh sẽ đi vào bầu trời ban ngày và không còn nhìn thấy được nữa", NASA dự đoán.
Theo CNN, sự xuất hiện của tảng đá lớn được đặt theo tên của một thần chết trong 10 năm tới khiến cộng đồng khoa học phấn khích. Apophis có thể cung cấp cho các nhà khoa học nhiều kiến thức về những việc cần làm nếu một vật thể gần Trái Đất nguy hiểm hơn xuất hiện.
"Apophis tiêu biểu cho khoảng 2.000 tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm (PHAs) hiện được biết đến", Paul Jigas, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái Đất, cho biết.
"Bằng cách quan sát Apophis trong chuyến bay năm 2029, chúng ta sẽ có được kiến thức khoa học quan trọng mà một ngày nào đó có thể được sử dụng để phòng thủ hành tinh", Jigas nói.