Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiểu đường: Sát thủ thầm lặng ở châu Á

Thay đổi lối sống, sự đô thị hóa nhanh chóng và thức ăn chế biến sẵn đang khiến cho ngày càng nhiều người ở châu Á mắc bệnh đái tháo đường. Hơn một nửa bệnh nhân tiểu đường toàn cầu đang sống ở châu Á và Thái Bình Dương.

Tiểu đường là căn bệnh gây tổn thương cả về mặt con người và tài chính. Đối với những bệnh nhân nghèo, bệnh này gây cho họ khó khăn đặc biệt. Người ta thường gọi nó là bệnh của người giàu, tuy nhiên các chuyên gia nói rằng số lượng các ca mắc bệnh gia tăng không ngừng còn có nguyên nhân từ sự thiếu lương thực.

Thay đổi lối sống, sự đô thị hóa nhanh chóng và thức ăn chế biến sẵn nghèo năng lượng đang khiến cho ngày càng nhiều người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Một người dùng máy đo đường huyết. Ảnh: blogspot.com.

Theo số liệu mới của Hiệp hội Đái tháo đường quốc tế (IDF), khoảng 382 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với căn bệnh này. Hơn một nửa số bệnh nhân hiện đang sống tại châu Á và Tây Thái Bình Dương. Trong số đó, 90-95% mắc đái tháo đường tuýp 2.

Hiện nay Trung Quốc là quốc gia có số bệnh nhân mắc đái tháo đường cao nhất thế giới -98 triệu người, tương đương 10% dân số - tăng đáng kể so với mức 1% từ năm 1980.

Giáo sư Juliana Trần của trường Đại học Hồng Kông nói rằng tiểu đường phát sinh do mối tương tác phức tạp giữa di truyền, lối sống và các yếu tố môi trường, bắt nguồn từ sự hiện đại hóa nhanh chóng tại Trung Quốc.

“Tiểu đường là một căn bệnh nghịch lý. Đây thường là căn bệnh của người lớn tuổi, nhưng số liệu cho thấy những những người trẻ và người trung niên là những người dễ mắc bệnh nhất. Bệnh tiểu đường khá phổ biến với những người béo phì, nhưng số liệu mới thu thập cho thấy những người gầy mắc tiểu đường còn chịu hậu quả tồi tệ hơn", bà Trần nói thêm. 

Câu hỏi lớn nhất là liệu Trung Quốc có khả năng đối phó với vấn đề y tế trên quy mô rộng lớn như vậy hay không.

Năm ngoái Trung Quốc đã chi 17 triệu USD cho bệnh đái tháo đường. Căn bênh này có thể tiêu tốn hơn một nửa ngân sách dành cho y tế hằng năm của Trung Quốc, nếu như tình trạng bệnh nhân đái tháo đường cứ gia tăng như hiện nay, IDF cho biết.

“Đái tháo đường là kẻ giết người thầm lặng", giáo sư Trần nói.

Cả đàn ông và phụ nữ mắc bệnh, do tâm lý e ngại, sự nghèo đói và thông tin sai lệch, thường không tìm đến sự hỗ trợ y tế cho tới khi bệnh đã tiến triển nặng. Các biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường là suy thận, bệnh tim mạch và mù lòa.

Giáo sư  Trần nói rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc cần có nhiều chính sách quan tâm đến y tế cộng đồng.

“Một trong những thách thức lớn nhất là hệ thống y tế không đủ hiệu quả để chăm sóc phòng ngừa. Chúng ta cần tích cực tìm những người có nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng nếu không muốn bỏ lỡ thời điểm quan trọng để ngăn chặn căn bệnh này,” bà nói.

Theo Leonor Guariguata, một nhà thống kê sinh học của IDF, rất nhiều chính phủ đang sửng sốt bởi căn bệnh này.

“Trung Quốc và Ấn Độ giữ vị trí đặc biệt, vì họ đang phát triển nhanh chóng, họ có nguồn lực để hành động và điểu chỉnh lại hệ thống y tế của họ,” bà nói.

Những em bé khổng lồ

Ấn Độ chỉ đứng sau Trung Quốc về số người mắc đái tháo đường, với 65.1 triệu người.

Cô Kanmani Pandian, 25 tuổi đang chuẩn bị đón chào đứa con đầu lòng vào tháng 1 tới. Hai tháng trước cô được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ, một căn bệnh mà cô chưa từng nghe nói.

Kanmani thật may mắn. Tại Chennai thuộc bang Tamil Nadu miền đông nam Ấn Độ, các phụ nữ mang thai đều được khám sàng lọc tổng quát. Nếu người bệnh không kiểm tra, căn bệnh có thể gây biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm việc thai nhi khổng lồ (cân nặng quá mức), gây nguy hiểm cho cả đứa trẻ và người mẹ khi sinh nở.

Trong năm 2013, hơn 21 triệu ca sinh nở chịu ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường. Ở Ấn Độ, tình trạng này đang đặc biệt phổ biến.

Tiến sĩ Anjana, một chuyên gia về bệnh tiểu đường tại Chennai, cho biết những trường hợp mắc tiểu đường thai kỳ thường không được chú trọng “vì mọi người cho rằng đó là bệnh xảy ra một lần hoặc nó chỉ ở dạng nhẹ”.

Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ biến mất sau khi bà mẹ sinh đứa trẻ, nhưng trong vòng 5 năm thai kỳ, khoảng 70-80% phụ nữ có nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường khi lớn lên.

Thức tỉnh

Trên toàn khu vực tây Thái Bình Dương, bệnh tiểu đường đang gây ra những tổn thất chưa từng thấy về mặt con người và kinh tế.

Tại Fiji, cứ trung bình 12 giờ, các bác sĩ lại phải tiến hành một ca phẫu thuật cắt bỏ liên quan đến bệnh tiểu đường.

“Trước khi bệnh nhân tìm đến các cơ quan y tế vì nhiễm trùng ở chân, họ đã cố gắng thử các phương pháp chữa trị tuyền thống và bằng thảo dược. Cho tới khi họ tới phòng khám thì bệnh thường đã nghiêm trọng và bác sĩ phải cắt bỏ phần hoại tử,” tiến sĩ Wahid Khan, đồng sáng lập tổ chức đái tháo đường Diabetes Trust của quốc đảo Fiji, cho biế t.

“Mọi người không muốn thừa nhận mình mắc bệnh tiểu đường. Thông thường người ta coi đó là bệnh sớm dẫn đến cái chết. Ví dụ như, nếu một người được phát hiện mắc bệnh tiểu đường thì anh ta có ít cơ hội kiếm được việc làm hơn,” tiến sĩ Khan nói.

Một phần ba cư dân trên 30 tuổi tại Fiji mắc bệnh tiểu đường.

“Điều tồi tệ này đã được cảnh báo từ rất lâu rồi,” tiến sĩ Khan nói thêm.

Không nằm ngoài xu hướng toàn châu Á, nền kinh tế của Fiji phụ thuộc nhiều vào du lịch, công nghiệp đường, xuất khẩu vàng, đồng và cá, khiến số người tầng lớp trung lưu gia tăng.

“Trước kia con người trồng trọt trên đất đai của mình, đánh bắt các tại nơi sinh sống, nếu muốn di chuyển tới nơi khác, con người sẽ phải đi bộ. Nhưng giờ đây, chúng ta lười và ít hoạt động hơn,” tiến sĩ Khan nói. Ông cũng không quên phàn nàn về ngành công nghiệp bánh kẹo và đồ ăn nhanh.

Tại Fiji, bệnh tiểu đường có thể được ngăn chặn hoặc hạn chế tới 80% nếu con người thay đổi lối sống, IDF nói.

Ba trung tâm dành cho bệnh tiểu đường đã được khai trương hồi đầu năm nay, và tiến sĩ Khan đang khuyến cáo tất cả những người trưởng thành tại Fiji tới đó để khám sàng lọc.

Do “chiến dịch quy mô lớn” sẽ bắt đầu vào năm 2014, tiến sĩ Khan cho biết việc phẫu thuật sẽ được cân nhắc “giữ lại hơn là cắt bỏ”. Các bác sĩ sẽ cố kéo dài thời gian điều trị trong viện cho bệnh nhân.

“Hiện chúng ta vẫn chưa có giải pháp cho bệnh tiểu đường, nhưng chúng tôi đang cố gắng đi đúng hướng,” tiến sĩ Khan nói.

Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm