Xác ướp "cậu bé vàng" 2.300 năm tuổi. Ảnh: S.N. Saleem, S.A. Seddik, M. El-Halwagy. |
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cairo, Ai Cập, đã sử dụng phương pháp chụp cắt lớp vi tính để khám phá hài cốt của “cậu bé vàng” và phát hiện 49 tấm bùa hộ mệnh quý giá được chôn cất cùng thi thể cách đây 2.300 năm, Guardian đưa tin ngày 24/1.
“Nhiều chiếc bùa được làm bằng vàng, đá quý, đất sét nung hoặc gốm sứ. Mục đích của chúng là để bảo vệ thi thể và tiếp thêm sinh khí cho người quá cố ở thế giới bên kia”, Guardian dẫn lời ông Sahar Saleem, giáo sư tại Đại học Cairo và là đồng tác giả nghiên cứu về “cậu bé vàng”.
Ông Saleem cũng nói với NBC rằng hài cốt cho thấy địa vị xã hội của cậu bé và ý nghĩa đặc trưng của bùa hộ mệnh trong hệ thống tín ngưỡng Ai Cập cổ đại.
“Có thể nói rằng cậu bé xuất thân từ một gia đình rất giàu có, thậm chí là một gia đình quý tộc”, ông Saleem nói.
Theo ông, những người thợ ướp xác Ai Cập đặt bùa hộ mệnh để bảo vệ và cung cấp sinh khí cho thi thể. Họ cũng đặt một chiếc bùa bằng vàng trong miệng và một con bọ hung bằng vàng trên ngực bộ hài cốt.
Xác ướp “cậu bé vàng” được phát hiện vào năm 1916 tại nghĩa trang Nag el-Hassay hoạt động từ năm 332 đến năm 30 trước Công nguyên, ở miền Nam Ai Cập. Xác ướp được lưu giữ nguyên vẹn trong tầng hầm của Bảo tàng Ai Cập ở Cairo trong thời gian chờ nghiên cứu.
"Cậu bé vàng" qua bốn giai đoạn chụp cắt lớp vi tính. Ảnh: Cairo University. |
Các chuyên gia xác định cậu bé cao khoảng 128 cm, ở độ tuổi 14-15 dựa trên cấu trúc xương và răng. Các nhà khoa học chưa thể xác định nguyên nhân tử vong.
Cậu bé cũng được chôn cất với một chiếc mặt nạ mạ vàng và một đôi dép. “Đôi dép có lẽ được dùng để giúp cậu bé bước ra khỏi quan tài. Theo nghi lễ của người Ai Cập cổ đại, người chết phải đi dép trắng để tỏ ra ngoan đạo và sạch sẽ”, ông Saleem viết trong nghiên cứu.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.