Hiện trường máy bay của Malaysia Airlines gặp nạn ngày 17/7/2014. Ảnh: RT |
Tuần trước, cảnh sát lấy lời khai lần thứ hai ông Eliot Higgins, nhà sáng lập nhóm điều tra độc lập Bellingcat (trụ sở ở Anh) về những phát hiện của ông. Theo ông Higgins, Ủy ban An toàn Hà Lan chưa thể kết luận ai là thủ phạm trong vụ bắn hạ MH17, nhưng “nhiều chứng cứ” cho thấy MH17 bị trúng tên lửa của Nga.
“Thông qua việc tiếp cận hiện trường rơi máy bay, các mảnh vỡ MH17 và khám nghiệm tử thi nạn nhân, các điều tra viên Hà Lan có thể xác nhận loại tên lửa nào đã được dùng để bắn hạ MH17. Đó có thể là lý do vì sao Nga luôn chỉ trích báo cáo điều tra và phản đối đề xuất mới đây của Malaysia lên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc về việc lập tòa án quốc tế xét xử kẻ bắn hạ MH17”, ông Higgins nói với AAP.
CNN cũng dẫn nguồn quan chức Mỹ đã tiếp cận những chi tiết mới trong bản dự thảo báo cáo điều tra về thảm kịch ngày 17/7/2014 cho rằng các nhà điều tra Hà Lan đổ lỗi cho lực lượng chống chính phủ ở miền Đông Ukraine bắn rơi máy bay Malaysia.
Trước đó, Malaysia đề nghị Liên Hiệp Quốc thiết lập một tòa án hình sự quốc tế để đưa những người chịu trách nhiệm vụ tai nạn ra ánh sáng. Tuy nhiên, Nga lập tức bác bỏ lời đề nghị này và cho rằng nó "không đúng lúc và phản tác dụng".
Lãnh đạo Ủy ban điều tra Nga (IC), ông Vladimir Markin, cho biết, máy bay Malaysia Airlines có thể do trúng tên lửa không đối không, nhưng không phải loại do Nga sản xuất. "Các chuyên gia cho rằng loại tên lửa này không được sản xuất ở Nga", Markin nói với hãng Itar Tass hôm 15/7.
Máy bay Malaysia số hiệu MH17 gặp nạn khi di chuyển qua không phận Ukraine trong lộ trình từ thành phố Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) hôm 17/7/2014. Toàn bộ 298 người tử nạn. Hà Lan hiện dẫn đầu cuộc điều tra về vụ tai nạn. Họ sẽ công bố báo cáo trong tuần đầu tiên của tháng 10.