Tiết lộ kế hoạch chiến tranh của Triều Tiên
Các chi tiết trong kế hoạch chiến tranh của Bình Nhưỡng lần đầu tiên “lộ diện” trên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tờ Tin tức buổi sáng Bắc Kinh bản tiếng Trung tiết lộ.
Theo đó, tuyên bố của Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) khẳng định, một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ được kích hoạt nếu Mỹ và Hàn Quốc khiêu khích, đe dọa và cuộc chiến ấy không giới hạn trong phạm vi bán đảo Triều Tiên.
Theo tuyên bố, chỉ cần cuộc chiến bắt đầu, các thành phố, làng mạc gần biên giới liên Triều, bao gồm cả Seoul sẽ bị xóa sổ bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của Triều Tiên. KPA nhấn mạnh, bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân và do đó, các đơn vị pháo và tên lửa chiến lược đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đặt bút ký kế hoạch chiến tranh chống lại Hàn Quốc. Ảnh và chú thích của Tân Hoa xã Trung Quốc. |
KPA dẫn lời nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhấn mạnh, Triều Tiên bị dồn ép phải đưa ra động thái này sau khi Mỹ - Hàn cố tình tập trận thường niên, trong đó, triển khai cả máy bay ném bom tàng hình có khả năng hạt nhân B-2 bất chấp phản đối, đe dọa và cảnh báo của nước này.
Sau khi phân tích các bức ảnh mà KCNA đăng tải, giới chức Hàn Quốc cho biết, KPA hiện sở hữu 40 tàu ngầm, 13 tàu đổ bộ, 6 tàu quét mìn, 27 tàu hỗ trợ, tiếp tế và 1.852 máy bay. Tuy nhiên, danh mục vũ khí nhạy cảm và bí mật tạo nên sức mạnh của quân đội Triều Tiên đã không được tiết lộ.
Trong khi đó, truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đã ra mật lệnh yêu cầu binh sĩ Triều Tiên nơi tiền tuyến không được nổ súng trước.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bí mật ra lệnh cho quân đội không nổ súng trước. |
Theo đó, báo Hàn Quốc JoongAng Daily dẫn nguồn tin tình báo chính phủ giấu tên tiết lộ, dù ban hành tuyên bố “bước vào tình trạng chiến tranh” với Hàn Quốc, lệnh cho quân đội luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao độ, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un vẫn bí mật hạ lệnh cho các đơn vị quân đội ở ngoài tiền tuyến không được khai hỏa. Ông nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ không “biếu không” Mỹ và Hàn Quốc cơ hội “tấn công trả đũa”.
Trong một diễn biến khác, giữa bối cảnh căng thẳng leo thang đỉnh điểm trên bán đảo Triều Tiên, nhiều người Trung Quốc cho rằng, Bình Nhưỡng phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện nay bởi liên tục đưa ra những lời lẽ khiêu khích, đe dọa mạnh mẽ. Trong khi đó, một loạt động thái nhằm biểu dương lực lượng máy bay tàng hình Mỹ trên bán đảo Triều Tiên lại không khiến Bắc Kinh bận lòng nhiều.
Thực tế, sự hiện diện của quân đội Trung Quốc ở những khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản từ lâu đã khiến Bắc Kinh lo lắng, làm dấy lên mối nghi ngại họ đang bị Mỹ và đồng minh, đặc biệt là các đồng minh chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương bủa vây và kiềm chế.
Tham gia tập trận chung thường niên với Hàn Quốc, mới đây, Mỹ triển khai máy bay tàng hình B-2 và F-22, có khả năng mang quân đội Mỹ gần như đến trước ngưỡng cửa Trung Quốc.
Việc Mỹ triển khai máy bay B-2 trên bầu trời Hàn Quốc không khiến người Trung Quốc quan ngại bằng sự khiêu khích, đe dọa kích động chiến tranh của Triều Tiên. |
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại không hề có phản ứng gì đặc biệt trừ lời kêu gọi các bên bên bình tĩnh và kìm chế. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng không “mặn mà” lắm với thông báo tăng cường các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên của Mỹ.
“Tất cả những động thái mới của Mỹ không nhắm mục tiêu vào Trung Quốc. Không có bất cứ mối đe dọa tiềm năng nào đối với Trung Quốc”, ông Ni Lexiong, chuyên gia quân sự Khoa Luật và Khoa học chính trị của Đại học Thượng Hải nhấn mạnh.
Một chuyên gia quân sự có tiếng khác của Trung Quốc nhận xét, Bắc Kinh tin rằng, sự hiện diện của Mỹ ở bán đảo Triều Tiên chỉ là hành động đáp trả và kìm chế cần thiết đối với những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Do đó, Bắc Kinh mới dễ dãi và không lên tiếng phản đối, chỉ trích Mỹ.
Trong khi đó, trên nhiều diễn đàn, dân mạng Trung Quốc đưa ra hàng loạt chỉ trích đối với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un rằng, chính ông đã đẩy bán đảo Triều Tiên tới miệng hố chiến tranh.
Một cuộc tranh luận nóng trong đó thảo luận về việc Bắc Kinh liệu có nên bỏ rơi Bình Nhưỡng cũng đang diễn ra ở Trung Quốc với nhiều quan điểm tranh cãi.
Phương Đăng
Theo Infonet