Đằng sau 'sự nguy hiểm' của Triều Tiên
Dù là đất nước bị cô lập về mọi mặt nhưng những sức mạnh quân sự mà Bình Nhưỡng nắm giữ đang từng ngày chứng minh cho cả thế giới thấy được sự nguy hiểm trong tay nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.
Triều Tiên thực sự đáng sợ
Sẽ hoàn toàn sai lầm khi cho rằng “Triều Tiên không nguy hiểm”. Dù Mỹ, Hàn Quốc và cộng đồng thế giới sẽ làm tất cả để đảm bảo hòa bình tồn tại trên bán đảo Triều Tiên suốt 60 năm qua nhưng những khiêu khích mạnh mẽ và liên tục từ Bình Nhưỡng hoàn toàn không phải vô cớ. Có 2 lý do để khẳng định Triều Tiên thực sự nguy hiểm.
Sức mạnh quân sự của Triều Tiên đang ngày càng được khẳng định. |
Thứ nhất, kể từ năm 1992, việc Bình Nhưỡng khiêu khích để chào đón một vị tổng thống mới của Hàn Quốc đã trở thành “thông lệ”. Dù được thể hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau như cho tàu ngầm xâm phạm lãnh hải, phóng tên lửa hay đụng độ hải quân nhưng tất cả các động thái trên đều nhằm thử độ cứng rắn của chính quyền mới Hàn Quốc trong sách lược ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Trên thực tế, sau vụ chìm chiến hạm Cheonan làm 46 thủy thủ thiệt mạng năm 2010, Seoul đã viết lại các quy tắc hành động của quân đội. Nó cho thấy Hàn Quốc đang mất dần kiên nhẫn và có thể đáp trả mạnh mẽ các hành động khiêu khích từ người láng giềng, gây ra một cuộc xung đột quy mô lớn hơn trong khu vực.
Thứ 2, Bình Nhưỡng đang ngày càng sở hữu thêm nhiều công nghệ quốc phòng đáng sợ, nhất là sau khi phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo cũng như vụ thử hạt nhân lần thứ 3. Công nghệ đằng sau vụ phóng vệ tinh cho thấy Bình Nhưỡng đủ sức tấn công những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ nước Mỹ.
Đáng lo ngại hơn, kho tên lửa thông thường mà Bình Nhưỡng đang sở hữu dư khả năng tấn công mọi địa điểm trên lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản, nơi Mỹ đang duy trì những căn cứ quân sự lớn. Thậm chí, Bình Nhưỡng có thể nã tới 500.000 đạn pháo vào Seoul chỉ trong giờ đầu tiên của xung đột. Nó đủ sức phá nát sự phồn hoa, thịnh vượng của Thủ đô quốc gia láng giềng.
Sự nguy hiểm từ Kim Jong-un
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il còn nắm quyền điều hành đất nước, người con thứ 3 của ông, Kim Jong-un không thực sự gây được ấn tượng mạnh với thế giới. Tuy nhiên, không lâu sau khi trở thành người kế nhiệm cha sau cái chết bất ngờ hồi tháng 12/2011, Kim Jong-un khiến toàn thế giới phải nhìn ông bằng con mắt khác.
Chính sách ngoài giao của chính quyền Kim Jong-un thực sự cứng rắn. |
Từng có thời gian dài du học ở phương Tây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un thường xuyên xuất hiện trước công chúng với những bài phát biểu mạnh mẽ. Ông cũng thường đi cùng với người phụ nữ xinh đẹp mà truyền thông Triều Tiên khẳng định, đó là đệ nhất phu nhân của đất nước. Kim Jong-un cũng không ngại thể hiện tình cảm với người nước ngoài, trong đó có ngôi sao bóng rổ được mời tới Triều Tiên thi đấu.
Tuy nhiên, ngoài phong cách sống, Kim Jong-un còn được đánh giá là nhà lãnh đạo cương quyết và cứng rắn. Kế nhiệm cha khi kinh nghiệm chính trường chưa thực sự chín muồi, Kim Jong-un không những giữ vững được địa vị lãnh đạo mà còn thúc đẩy Triều Tiên liên tiếp đạt được những thành tựu lớn về mặt công nghệ.
Thậm chí, chính sách ngoại giao mà chính quyền Kim Jong-un thực thi cũng được đánh giá là cứng rắn hơn, với những lời đe dọa thực sự khiến Mỹ và các đồng minh phải quan ngại. Nắm trong tay những thực lực quân sự không thể coi thường, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể biến bán đảo Triều Tiên thành đại chiến trường chỉ với một quyết định thiếu thận trọng.
Trung Quốc sẽ không để Triều Tiên sụp đổ
Dường như lúc này, Bắc Kinh đang tỏ ra hết kiên nhẫn với chính quyền Kim Jong-un, với việc thông qua biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc sau vụ thử hạt nhân lần 3 mà Bình Nhưỡng vừa tiến hành. Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn là một trong những đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh.
Bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ không để Triều Tiên sụp đổ. |
Trên thực tế, việc Triều Tiên sụp đổ sẽ là đòn đánh mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc bởi những hỗ trợ chưa được hoàn lại mà Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng. Sẽ khó để ép buộc Bắc Kinh thực hiện nghiêm túc các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc dù nước này có đồng ý thông qua.
Ngoài những thiệt hại về kinh tế, sự sụp đổ của Triều Tiên còn dẫn tới làn sóng tị nạn khổng lồ tràn qua biên giới Trung Quốc. Trong khi đó, bị ép vào thế đường cùng có thể khiến Bình Nhưỡng triển khai vũ khí hạt nhân, biến toàn bộ Đông Bắc Á trở thành nấm mồ nguyên tử khổng lồ.
Bên cạnh đó, Triều Tiên sụp đổ có thể dẫn tới sự xuất hiện của các căn cứ quân sự Mỹ nằm sát biên giới phía đông Trung Quốc. Nếu bối cảnh đó trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ khó lòng yên ổn khi phải sống với “mũi dao” sắc bén nằm cạnh sườn. Chính vì lẽ đó, bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ không để Triều Tiên sụp đổ.
Trịnh Duy
Theo Infonet