Trong bài viết đăng ngày 7/2, phóng viên Ma Jinyu cho biết chồng cũ đã bạo hành cô và ba người con trong nhiều năm. Cô Ma Jinyu, một phóng viên có hơn một thập niên kinh nghiệm, nói chồng cô từng một lần cố bóp cổ cô, theo Sixth Tone, một trang tin tiếng Anh về Trung Quốc.
“Tôi bỗng không nhìn thấy gì nữa. Tất cả xung quanh tôi tối đen. Có thể tôi đã bất tỉnh”, cô Ma viết trên trang Truman Story. Bài viết có tựa đề “Lại một Lhamo nữa”. Lhamo là tên một người livestreamer (người thường đăng video phát trực tiếp lên mạng xã hội) bị chồng cũ thiêu chết ở Tây Tạng hồi tháng 10/2020.
“Hôm nay, tôi viết tất cả điều này không phải để được cảm thông, mà để giải thích vì sao tôi rời tỉnh Thanh Hải”, phóng viên này viết.
Tuy nhiên, không giống cái chết của Lhamo, khi mà dư luận đồng loạt chỉ trích kẻ bạo hành và cảm thông với cô gái livestreamer, lần này mạng xã hội lại hoài nghi vì sao cô Ma, một phóng viên ngoài 40 tuổi có học thức, lại không tố cáo cảnh sát. Dư luận hỏi vì sao cô lại chịu đựng bạo hành nhiều năm, thay vì bỏ chồng ngay lập tức.
Ma Jinyu nói chồng cô thường xuyên đánh đập cô. Ảnh: SCMP. |
Một bình luận viết: “Tôi khó có thể tưởng tượng vì sao một phụ nữ độc lập, tốt nghiệp một đại học nổi tiếng, làm việc cho cơ quan báo chí nổi tiếng, từng làm cho hãng thông tấn quốc tế, từng đạt giải lại có thể chịu đựng cuộc sống như thế”.
Lin Shuang, tình nguyện viên ở Thượng Hải tại một tổ chức chống bạo lực gia đình, nói với Sixth Tone rằng đa phần phụ nữ mà cô đã hỗ trợ là những người có sự nghiệp, có học thức. Một quan niệm sai lầm là bạo hành và quấy rối không tồn tại trong các gia đình ở thành phố.
“Bạo lực gia đình là vấn đề bạo lực có tính hệ thống liên quan đến giới, và không tự động mất đi ở các nhóm có học thức, có kinh tế”, Lin nói, và cho biết cô đã hỗ trợ khoảng 30 nạn nhân bạo lực gia đình ở Thượng Hải.
Cô cho biết đổ lỗi cho nạn nhân không báo cảnh sát hay không rời bỏ kẻ bạo hành không có tác dụng gì. Thay vào đó, nên tập trung vào tính hiệu quả của các cơ chế bảo vệ và trừng phạt kẻ vi phạm, sau khi các vụ việc như vậy được báo lên cho chính quyền.
“Jinyu đã bỏ trốn thành công, nhưng chồng cô có nhận hình phạt nào vì đánh đập cô và các con hay không?”, Lin nói. “Khi tất cả hậu quả của bạo lực gia đình đều đổ lên đầu nạn nhân, tất nhiên chưa loại trừ được bạo lực gia đình”.
Phóng viên Ma nói bạo hành là lý do cô bỏ người chồng 7 năm của mình và chuyển tới thành phố khác cùng ba con nhỏ. Nhưng không rõ cô chuyển đi khi nào. Cô cũng chưa nộp đơn ly hôn.
Chồng của Ma, Xie Decheng, nói với báo chí địa phương vào ngày 7/2 rằng anh chưa bao giờ đánh Ma, trừ “một lần tát cô”. Cơ quan cảnh sát địa phương ở thành phố Thanh Hải nói vụ việc đang được điều tra.