Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phóng viên mang áo chống đạn, mặt nạ phòng độc để đưa tin lễ nhậm chức

Để đối phó với nguy cơ bạo loạn vào ngày 20/1, một số tòa soạn ở Mỹ trang bị cho phóng viên hiện trường mũ bảo hiểm, áo chống đạn, mặt nạ phòng độc, và thậm chí cả vệ sĩ đi cùng.

Cuối tháng 12/2020, Kimbriell Kelly, trưởng văn phòng ở Washington của tờ Los Angeles Times, dự định mua sổ tay làm quà tặng cho nhân viên.

Vài tuần sau, bà mua một loạt vật dụng khác hoàn toàn, bao gồm mặt nạ phòng độc, mũ bảo hiểm và áo giáp cho phóng viên dưới quyền, theo CNN. Họ là những người sẽ đưa tin lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden hôm 20/1.

Trước ngày này, các tòa soạn báo như Los Angeles Times phân phát thiết bị bảo hộ và tổ chức khóa huấn luyện an toàn để chuẩn bị cho các phóng viên tường thuật hiện trường buổi lễ nhậm chức của ông Biden.

ngay nham chuc anh 1

Người biểu tình xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 và đối đầu với cảnh sát. Ảnh: AP.

Biểu tình ở thủ đô Washington D.C. không còn là điều hiếm gặp. Nhưng sau vụ bạo loạn ngày 6/1, các nhà báo phải chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với nguy cơ bùng phát một vụ bạo lực khác.

Nói với CNN, bà Kelly cho biết: "Tôi nhanh chóng nhận thấy mình phải dần thích nghi. Mục tiêu của tôi là bảo vệ nhân viên của mình, bảo vệ các phóng viên của tôi, và bảo đảm mọi người đều được quan tâm chăm sóc".

Chuẩn bị sẵn sàng cho nguy cơ bạo loạn

Theo CNN, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) nhận được thông tin cho thấy người biểu tình đang lên kế hoạch "biểu tình vũ trang" tại thủ phủ của tất cả 50 bang và Điện Capitol ở thủ đô Washington.

Trước nguy cơ bùng phát bạo lực, Lầu Năm Góc ủy quyền cho 25.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia đảm bảo an ninh cho ngày nhậm chức.

Sau cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1, nhà chức trách và truyền thông phát hiện nhiều chi tiết cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự kiện.

Những hình ảnh cho thấy cuộc bạo loạn thậm chí còn nguy hiểm và nghiêm trọng hơn những gì được chiếu trên các kênh truyền hình ngày hôm đó.

Một số hình ảnh được công bố về sau cho thấy đám đông tấn công các nhà báo có mặt tại hiện trường.

Biên tập viên Kirstin McCudden của tổ chức US Press Freedom Tracker cho biết ít nhất 9 nhà báo bị hành hung, 5 nhà báo bị bắt và 4 người có thiết bị tác nghiệp bị phá hỏng trong lúc đưa tin về vụ bạo loạn.

ngay nham chuc anh 2

Sarah Wire, phóng viên của tờ Los Angeles Times tại Quốc hội Mỹ, được phát mặt nạ phòng độc. Ảnh: Los Angeles Times.

Sarah Wire, phóng viên của tờ Los Angeles Times chuyên đưa tin về Quốc hội Mỹ, được phát một mặt nạ phòng độc khi sơ tán. Cô được Hạ nghị sĩ Ruben Gallego hướng dẫn cách sử dụng.

Để chuẩn bị cho ngày 20/1, cô Wire chuẩn bị nhiều đồ bảo hộ hơn thế. Ban lãnh đạo tờ Los Angeles Times gửi cho cô một áo chống đạn, một mũ bảo hiểm, kính bảo hộ và mặt nạ phòng độc. Trước đây, cô chưa bao giờ dùng tới các vật dụng này khi tác nghiệp.

Tracy Grant, Thư ký tòa soạn của tờ Washington Post, cho biết việc đưa tin về lễ nhậm chức thường "không có gì bất ngờ". Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra vào trưa ngày 20/1.

"Tất cả thủ tục theo chuẩn mực và mang tính lễ nghi đã được chuẩn bị. Nhưng chẳng ai lường trước được hết chuyện gì, vì vậy chúng tôi đang chuẩn bị cho những sự cố có thể xảy ra vào phút chót", bà Grant nói.

Khi nhà báo trở thành mục tiêu

Đại dịch khiến việc tác nghiệp gặp trở ngại. Các phóng viên, nhà sản xuất và đội ngũ phụ trách hình ảnh sẽ phải tiếp tục đối mặt với những thách thức đó vào ngày nhậm chức.

Nói với CNN, phóng viên chính trị Paul McLeod của BuzzFeed News cho biết ông cảm thấy "nhẹ nhõm một chút" trước lễ nhậm chức.

Đó là vì ông có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 sau khi đưa tin hiện trường ở cuộc bạo loạn ngày 6/1. Khi đó, nhiều người biểu tình không đeo khẩu trang.

Jarrad Henderson, nhân viên gốc Phi thuộc tờ USA Today, cảm thấy "hơi lo lắng" về lễ nhậm chức.

"Vì là phóng viên ảnh gốc Phi, tôi không biết liệu mình có trở thành mục tiêu của người biểu tình lần này hay không. Thực sự rất mệt mỏi. Tuần trước, họ còn khắc vào bên cạnh cửa ở Điện Capitol dòng chữ 'hãy giết nhà báo'", ông Henderson nói.

Gần đây, các tổ chức truyền thông bắt đầu hướng dẫn cho nhà báo làm việc trong các tình huống như vậy.

Hiệp hội Tin tức Kỹ thuật số Phát thanh Truyền hình (RTDNA) vừa ra mắt trung tâm đào tạo đưa tin "một cách an toàn" trong thời kỳ bất ổn dân sự.

"Đây là thời điểm nguy hiểm nhất đối với các nhà báo theo mảng chính trị trong lịch sử hiện đại của Mỹ. Và tình trạng này đang lan rộng, không chỉ ở thủ phủ các tiểu bang, mà còn trong các cộng đồng lớn và nhỏ ở tất cả 50 bang", Giám đốc điều hành RTDNA Dan Shelley nói với CNN.

ngay nham chuc anh 3

Người biểu tình đập phá thiết bị tác nghiệp của các phóng viên tại cuộc bạo loạn hôm 6/1 ở Washington. Ảnh: AP.

Tuần qua, hơn 3.000 nhà báo tham dự hội thảo và lắng nghe chia sẻ của những người đưa tin hiện trường ở Điện Capitol hôm 6/1.

Amalie Nash, nhân sự cấp cao của USA Today Network, cho biết một nữ nhà báo hỏi rằng có nên buộc tóc lên không, vì nếu trở thành mục tiêu cô ấy rất có thể bị túm tóc.

Một số câu hỏi khác được đặt ra tại hội thảo như nếu điện thoại bị hỏng thì cách tốt nhất để gửi bài là gì? Nếu tình hình trở nên bất ổn, cách tốt nhất để thoát ra khỏi đó là gì?

Khi tác nghiệp trong ngày nhậm chức, phóng viên McLeod của tờ BuzzFeed News cho biết sẽ đi giày thể thao, mặc áo chống đạn. Anh sẽ cất mũ bảo hiểm, mặt nạ phòng độc và kính bảo hộ trong ba lô.

Trên hết, McLeod sẽ không mặc trang phục khiến đám đông dễ nhận diện mình là phóng viên, vì ông nhận thấy người ủng hộ Tổng thống Trump khá hung hăng.

"Khi nói chuyện với một người vào ngày 6/1, tôi tự nhận mình là phóng viên. Rồi người đó bắt đầu lớn tiếng với tôi, và cố gắng hét lên cho những người khác biết tôi là phóng viên. Tôi thoát ra và không dám xưng mình là phóng viên với ai nữa", ông McLeod nói.

ngay nham chuc anh 4

Lực lượng Vệ binh Quốc gia được triển khai ở Điện Capitol để đảm bảo an ninh khi ngày nhậm chức của ông Biden đến gần. Ảnh: Reuters.

Một số tòa soạn còn thuê vệ sĩ đi kèm để đảm bảo phóng viên không tác nghiệp đơn độc. Peter Gorenstein, giám đốc nội dung của trang tin video Cheddar, cho biết hai phóng viên của họ có vệ sĩ đi kèm ở hiện trường.

Dù nguy cơ bạo loạn vào ngày nhậm chức rất cao, các nhà báo cho rằng họ có nghĩa vụ phải có mặt tại đó.

Nicole Carroll, Tổng biên tập của USA Today, nói: "Để thông tin sai lệch được lan truyền còn nguy hiểm hơn cả phải ra hiện trường tác nghiệp. Vì vậy chúng tôi đã chuẩn bị cẩn thận để giúp các phóng viên thực hiện nhiệm vụ của mình".

Vệ binh Quốc gia Florida đến hỗ trợ Washington D.C. Hàng trăm Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Florida được điều động đi đến Washington D.C, nhằm đảm bảo an ninh ở Điện Capitol trong ngày tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Nguy cơ an ninh với nước Mỹ sau ngày 20/1

Không phải trước lễ nhậm chức tổng thống, các chuyên gia đang lo ngại nhiều hơn về nguy cơ bạo lực tại Mỹ sau ngày 20/1, khi hàng rào được dỡ bỏ và Vệ binh Quốc gia rời đi.

Điện Capitol lại bị phong tỏa

Cảnh sát Capitol thông báo tòa nhà Quốc hội Mỹ bị phong tỏa vì "một mối đe dọa an ninh từ bên ngoài". Phong tỏa được dỡ bỏ khoảng một tiếng sau đó.

Hương Ly

Bạn có thể quan tâm