Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiết đọc sách chính khóa giúp hình thành thói quen đọc sách

Xây dựng tiết đọc sách chính khóa là mục tiêu được Hội Xuất bản VN và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đặt ra nhằm xây dựng nhân cách cho học sinh qua nâng cao thói quen đọc.

“Trình độ văn minh của một đất nước có thể được đo lường bằng tri thức và đức hạnh của cả dân tộc”, Fukuzawa Yukihi (trích tác phẩm "Khuyến học").

Đó là lời nhắn gửi trong bức thư của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết cho các em học sinh và giáo viên tại buổi tọa đàm “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?” do Hội Xuất Bản Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, Thành Đoàn TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 27/8.

Chia sẻ tầm nhìn với vị nguyên Chủ tịch nước, gần 200 đại biểu tại tọa đàm kể nhiều câu chuyện về quá trình sách đã giúp hình thành nhân cách của học sinh cũng như đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em.

Chạnh lòng với sức đọc của người Việt

Lấy ví dụ về nước Nhật thời Minh Trị với cuộc vận động khuyến đọc, khuyến học tạo ra cú hích thần kỳ giúp cả đất nước của những Samurai phát triển mạnh mẽ, nguyên Chủ tịch nước cho rằng Việt Nam cần suy ngẫm về bài học từ nhân dân Nhật Bản.

Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Xuân Xanh cuốn “Tự lo” của Samuel Smiles từng là cuốn sách bán chạy nhất cuối thế kỷ 19 tại Anh, Mỹ với 250.000 quyển. Nhưng khi được dịch sang tiếng Nhật năm 1868 (đầu thời Minh Trị), số lượng phát hành lên đến 1 triệu bản. Dân số Nhật Bản khi đó là 30 triệu người.

thoi quen doc sach cho hoc sinh anh 1
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Thu Hằng.

Nhìn lại Việt Nam hơn 150 năm sau, theo số lượng thống kê của ngành xuất bản, hiện nay, mỗi năm Việt Nam in được 400 triệu bản sách, trung bình khoảng 4 bản sách/đầu người/năm. Nếu trừ đi gần 300 triệu bản sách giáo khoa và tài liệu giáo trình cho gần 20 triệu học sinh, sinh viên, thì gần 80 triệu người dân còn lại chỉ đọc chưa đến 1 bản sách/đầu người/năm.

“Sức đọc của người Việt, thật quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước phát triển. Chúng ta không khỏi chạnh lòng!”, nguyên Chủ tịch nước tâm sự.

Từ đó, ông thể hiện sự đồng tình với phong trào xây dựng thói quen đọc sách cho các em học sinh. "Làm sao để mọi người yêu thích đọc sách một cách say mê như từng yêu bóng đá! Điểm bắt đầu chính là nhà trường và các em học sinh", nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định. 

Học cách bao dung nhờ đọc sách

Chia sẻ tại tọa đàm, em Lê Nguyễn Vân Anh (lớp 5, trường tiểu học Triệu Thị Trinh, TP.HCM) tự nhận mình từng là một đứa trẻ ương bướng, kiêu ngạo và không chịu lắng nghe góp ý từ người thân, thầy cô, bè bạn. Nhận thấy điểm yếu của học trò, cô giáo đã tặng cho Vân Anh một cuốn Hạt giống tâm hồn với lời nhắn gửi "con sẽ khám phá ra nhiều cái hay lắm".

Vân Anh dường như thay đổi hoàn toàn sau khi đọc một câu chuyện từ cuốn Hạt giống tâm hồn do cô giáo tặng. Câu chuyện kể về một học sinh khuyết tật tay chân nhưng vẫn nỗ lực tập viết bằng cách kẹp bút vào cằm. "Đọc câu chuyện, em hiểu rằng có những bạn không thể tự làm điều họ muốn dù là việc đơn giản nhất như đi lại, chạy nhảy. Vậy tại sao, em lại không biết trân trọng những gì mình đang có?", Vân Anh tự đặt câu hỏi cho bản thân.

Từ đó, cô bé 10 tuổi đã chủ động thay đổi, biết bao dung, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè và nhận lỗi khi có khuyết điểm.

thoi quen doc sach cho hoc sinh anh 2
Những câu chuyện thay đổi nhờ đọc sách của học sinh được các đại biểu tại tọa đàm chăm chú lắng nghe. Ảnh: Thu Hằng.

Khác với cô giáo của Vân Anh, cô Nguyễn Thu Hà (giáo viên trường THPT Võ Trường Toản, quận 12) có một bí quyết mới lạ để mở ra con đường "dụ" học sinh đến với sách. Thấu hiểu tâm lý ngại đọc sách của học sinh, cô giáo Hà đã tự mở quán cafe sách tại nhà và dụ học sinh đến bằng cách thưởng một ly nước tự chọn cho mỗi quyển sách các em đọc được.

Lúc đầu, các em chỉ đến quán cà phê của cô giáo để "mong được uống nước miễn phí". Dần dần, những đứa trẻ trở nên mê sách lúc nào không hay. "Bây giờ, tụi con đến không còn để uống nước nữa mà để đọc sách. Cô đừng dụ tụi con nữa vì tụi con đã mê sách rồi", cô giáo Hà giọng run run kể lại lời tâm sự của một em học sinh.

Xây dựng thế hệ "người đọc"

Theo báo cáo nghiên cứu của The Education Standards Research Team (ESARD - Anh) chỉ ra những học sinh không thích đọc có xu hướng trở thành người xem tivi quá độ; dễ để bản thân vào những trải nghiệm bạo hành; có hành vi học tập khó khăn vào tuổi 12; ít hoàn thành bài làm ở nhà hơn; và ít nhiệt tình, hăng hái đi học hơn. Nhiều nghiên cứu quốc tế khác cũng khẳng định thói quen đọc liên quan mật thiết đến sự phát triển nhân cách của học sinh.

thoi quen doc sach cho hoc sinh anh 3
6 phẩm chất và 10 năng lực mà Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ hình thành và phát triển cho học sinh. Nguồn: Bộ Giáo dục và đào tạo. Đồ họa: TTXVN.

Khẳng định ý nghĩa của thói quen đọc với sự phát triển nhân cách của trẻ em, đặc biệt là sự tự chủ, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết cho rằng sứ mệnh của nhà trường là phải phát triển nhân cách cho mỗi học sinh.

"Đọc sách là một trong những giải pháp giúp học sinh đạt được năng lực tự chủ. Tự đọc, tự viết và tự quyết định trong cuộc sống. Chúng ta phải xây dựng những thế hệ người đọc từ nhà trường thì mới có thể kiến tạo một xã hội có văn hóa đọc", bà Tuyết nhận định.

Mô hình "tiết đọc sách" chính khóa tại trường học

Trao đổi về những khó khăn trong xây dựng thói quen đọc cho học sinh, ông Ngô Xuân Đông (giáo viên tại quận 7) kể ra 3 thách thức. 

Thứ nhất là nội dung chương trình tại nhà trường quá nặng khiến học sinh chưa có thói quen đọc sách. Thứ hai là cách thức giáo dục còn hàn lâm, lỗi thời, nặng lý thuyết khiến học sinh chưa yêu thích việc đọc. Thứ ba là cơ sở vật chất tại thư viện chưa đáp ứng được số lượng học sinh ngày càng tăng qua hàng năm. 

Giải đáp thắc mắc về các khó khăn trong quá trình xây dựng thói quen đọc, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết mô hình tiết đọc sách chính khóa, nên bắt đầu từ những tiết học nhỏ 20 phút đến những giờ đọc hàng tuần, là giải pháp tốt nhất để khắc phục thách thức về thời gian đọc của học sinh. 

Vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có công văn gửi Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Văn hóa Thể thao về việc phối hợp kiến nghị lãnh đạo UBND TP.HCM một số giải pháp nâng cao văn hóa đọc trong nhà trường và xã hội. Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng mô hình tiết đọc sách chính khóa trong nhà trường.

thoi quen doc sach cho hoc sinh anh 4
Đại diện Hội Xuất bản Việt Nam, Sở GD&ĐT và Thành đoàn TP.HCM ký kết nội dung phối hợp xây dựng thói quen đọc.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết lãnh đạo sở, ban, ngành TP đang từng bước nỗ lực để nâng cao thói quen đọc sách, xây dựng văn hóa đọc cho cả học sinh và người lớn. "5 năm gần đây, các đề thi của bộ không còn rập khuôn trong sách giáo khoa. Điều đó thể hiện nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục trong việc nâng cao văn hóa đọc cho học sinh", ông Hiếu thông tin.

Kết thúc tọa đàm, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và Thành đoàn TP.HCM đã cùng ký nội dung phối hợp hoạt động về việc đẩy mạnh giải pháp xây dựng thói quen đọc sách nhằm hình thành nhân cách của đội viên, học sinh trên địa bàn TP.

3 yếu tố đo lường thói quen đọc:

- Sự thường xuyên về mặt hành vi: lượng thời gian đọc mỗi ngày.

- Tính tự giác và tự động.

- Sự thể hiện bản sắc hay phong cách cá nhân: Thích thú với việc đọc, cảm thấy thiếu nếu một ngày không đọc.





Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm