“Chúng tôi thống kê có 2% nghỉ vì lý do sức khỏe, không bay được. Thật ra lý do vì sức khỏe nhưng cũng một phần vì công việc này vất vả chứ không nhàn hạ như nhiều người nhầm tưởng”, chị Hoàng Thu Nga, đoàn phó đoàn tiếp viên VietJet Air, cho biết.
Nhọc nhằn sau những nụ cười
Chị Thu Hà (38 tuổi, tiếp viên trưởng của Vietnam Airlines) tâm sự: “Tụi mình vẫn cứ hay chọc nhau là “những cô Tấm trên mây”. TVHK rất nhiều việc, làm liên tục chứ không thong dong như mọi người nghĩ. Mà lại phải làm hài lòng tất cả hành khách trong khi mỗi người mỗi tính. Cho nên làm nghề này như làm dâu trăm họ vậy.
Nhiệt độ, áp suất thay đổi, khách chỉ ngồi đã mệt trong khi các TVHK phải làm việc liên tục: phục vụ thức ăn thức uống, báo chí và hỗ trợ các hành khách cần chăm sóc đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật, người già”. Một số TVHK cho biết, vất vả nhất là những chặng bay nội địa ngắn và bay quốc tế đường dài.
“Ở trên máy bay, tranh thủ người này làm cho người kia ăn vì chỉ có bốn người phục vụ hơn 100 hành khách. Ngồi trong bếp làm rất nhiều thứ chứ không phải đẩy xe bán hàng là xong. Kiểm tra các thiết bị còn hạn sử dụng không, kiểm lại hàng hóa vừa bán... Bốn người mỗi người một góc, đảm nhiệm bán hàng, chất xếp hàng hóa bay bốn chặng. Bán đồ ăn uống lần một, lần bán hàng thứ hai là đồ lưu niệm, bán đồ ăn lần hai, thu dọn rác..., Hồng Hạnh, nữ TVHK của Jetstar, kể: "Mệt cũng chỉ được ngồi 5-10 phút mà phải thay phiên nhau, ăn thì đứng, nghỉ thì ngồi, không được ngủ".
Tiếp viên trưởng Bảo Phúc tranh thủ ăn tối. |
Cứ hết việc này đến việc khác mà không có thời gian đi vệ sinh. Đáp xuống chỉ có 30 phút quay vòng để chuẩn bị cho chuyến bay sau. Dọn vệ sinh vừa xong khách lên máy bay, đứng đón khách. Cứ vậy suốt, từ chuyến đầu đến chuyến cuối cùng”.
Một số TVHK cho biết, vất vả nhất là những chặng bay nội địa ngắn. Chẳng hạn như chuyến bay TP.HCM - Buôn Ma Thuột, thời gian bay chỉ có 50 phút với máy bay A321 thì cất hạ cánh đã mất 15 phút, chỉ còn lại 35 phút phục vụ với số lượng 184 khách, khách đói bụng, khát nước có yêu cầu thường xuyên.
Tiếp viên Hồng Hạnh cho hay, đối với những máy bay lớn như A330, B777 có số lượng khách khoảng 350 người thì việc phục vụ phức tạp hơn, do có nhiều bước phục vụ theo quy trình để đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ, nhất là các chặng bay đường dài.
Bảo Trúc (tiếp viên trưởng của VietJet Air) nói vui: “Hai điểm đến 'nổi tiếng' nhất là Vinh và Hải Phòng. Bay đến hai điểm này rất cực. Nhiều khách lớn tuổi, nhiều em bé quá nhỏ. Cực nữa là khách hay vứt rác ra lối đi: vỏ trái cây, giấy, thậm chí cả bỉm trẻ con... Thôi thì TVHK lại đeo găng tay vào dọn”. Tình huống này cũng diễn ra ở Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines.
Chị Thu Hà kể: “Trước đây các chuyến bay đi Đài Loan hoặc từ Đài Loan về mình gặp rất nhiều cô dâu Việt thay tã cho con rồi vứt ra. Mình phải dọn rồi xin lỗi những hành khách xung quanh vì không kiểm soát được hết. Nhiều lúc phải đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của khách để thông cảm. Nhưng khách thì không hiểu được sự vất vả của mình”.
Còn rất nhiều nỗi vất vả, gian nan khác, TVHK phải âm thầm chịu đựng, vượt qua. Đó là lúc đang phục vụ nhưng máy bay bị rung xóc, TVHK bị bỏng khi làm món mì gói cho khách. Đó là lúc bị sốt, bị cảm, nghẹt mũi, đau đầu... vẫn đi bay đến ù cả tai. Đó là những chuyến bay từ nơi nắng nóng hơn 30 độ đến nơi lạnh chỉ hơn 10 độ. Rồi gia đình có chuyện buồn: con cái ốm đau, bố mẹ bệnh nặng.
“Đang cười nói đon đả đó chứ không biết con mình ở nhà đã bớt sốt, bố/mẹ đã tỉnh lại chưa. Lo nhưng phải giấu vào lòng. Khi lên máy bay, tất cả chuyện gia đình gạt qua một bên, coi như không có gì”, Hoàng Quyên nói.
Với nữ TVHK, nghề bay còn có những quy định khắc nghiệt hơn nam giới: ba năm sau khi ký hợp đồng mới có con, bắt đầu có thai không được phép bay. Lúc đó họ chỉ được hưởng lương cơ bản 4-6 triệu đồng, mất hẳn phần thu nhập đi bay.
“TVHK tối ngày được trang điểm đẹp, nhiều tiền, được đi du lịch khắp nơi, nhìn vào rất hào nhoáng. Nhưng TVHK có những nỗi khổ không ai cảm nhận, nhìn thấy được. Đó là không có thời gian chăm sóc người thân, gia đình. 19 năm làm nghề, tôi chỉ 1-2 lần ăn tết ở nhà.
Tủi thân nhất là những chuyến bay quốc tế cận giao thừa. Đứa nào cũng cười nhưng mắt héo queo. Có bạn mới vô nghề không kìm được, khóc. Những ai có con thì cứ nghĩ đến đứa con nhỏ bám chặt mẹ nũng nịu với hai hàng nước mắt và những lời trách móc, nhõng nhẽo khi mẹ phải xa nhà... Rồi những lời than vãn, ánh nhìn không vui của người thân khi mình cứ bay tăng chuyến”, Thu Hà nói.
Dọn vệ sinh, chùi rửa toilet...
Hồng Hạnh (30 tuổi, TVHK của Hãng Jetstar) kể: “Nhiều bạn mới vào đã từng bị “sốc” vì ở nhà được cha mẹ cưng, giờ phải làm cả những việc như nhặt rác, chùi rửa toilet... Có người hồi mới đi làm bảo: Biết làm TVHK khổ như thế này em chả làm. Cái nghề này nhìn hào nhoáng vậy chứ vất vả lắm”.
TVHK luôn bận rộn trong suốt hành trình bay. |
Theo một thống kê sơ bộ của Jetstar, 80-90% khách đi vệ sinh không khóa cửa toilet vì không biết chỗ cài, không biết nút xả. Có lần tiếp viên đang mải phục vụ, khách xông thẳng vào khu vực bếp và “đi” luôn ra đó! Tiếp viên bắt gặp, phải để khách “đi” xong rồi mới dám nhắc nhở và lau dọn.
Có khách không chịu ngồi trên bồn cầu mà “đi” thẳng xuống sàn. Sàn không thoát nước được, mùi khai xộc ra những hàng ghế gần nhất. TVHK là người phải cọ rửa toilet.
Nhiều TVHK, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ, kể: đang bán hàng, nghe “xịt, xịt”, nhìn ra thấy em bé đang tè ngay xuống thảm máy bay, còn mẹ bé thì cười tỉnh bơ. Có chị còn lấy chai nước suối cho con tè. TVHK phải lấy bột cà phê khử mùi, xịt khử trùng, lấy khăn giấy thấm cho khô.
“TVHK có vẻ lúc nào cũng nhẹ nhàng, nhàn nhã nhưng bên trong đầu bù tóc rối. TVHK cũng phải dọn cả vệ sinh vì trong mô hình hoạt động của các hãng hàng không giá rẻ không có nhân viên vệ sinh để tiết kiệm kinh phí”, Hoàng Quyên chia sẻ.
“Những ngày đầu mới đi làm phải dậy sớm là cực hình", Nguyễn Trần Anh Thư (29 tuổi, tiếp viên trưởng VietJet Air) tâm sự. Thời gian đầu mới đi bay lúc nào cũng hồi hộp, căng thẳng, lo lắng không ngủ được.
"Tôi để 3-4 cái đồng hồ, hai điện thoại báo thức cách nhau 5 phút báo một lần để yên tâm. Vì trễ giờ họp chuyến bay sẽ bị kỷ luật, ảnh hưởng nhiều thứ khác: nâng bậc, thi đua, xếp loại... Mà một tuần bay năm ngày. Bay lúc 5h thì 3h sáng dậy. Một ngày bay bốn chuyến, 11-12 tiếng đồng hồ ở trên máy bay. Có bữa đến 1-2h sáng mới về”.
Vũ Ngọc Quyên (28 tuổi, Jetstar) kể: “Lần đầu tiên đi bay làm gì mình cũng sợ. Khi biểu diễn an toàn bay run ghê lắm. Tai thì căng lên nghe tiếp viên trưởng đọc cái gì làm theo cho khớp. Miệng thì cười nhưng lưng ướt mồ hôi vì căng thẳng trước hàng trăm cặp mắt nhìn chằm chằm”.
Còn Minh Tâm, một cựu TVHK của Vietnam Airlines, ấn tượng đầu thật... khủng khiếp: “Mấy tháng đầu tiên đi bay tôi bị ói mãi. Đang phục vụ khách phải chạy vào nhà vệ sinh để ói. Không chuyến nào là không ói. Sau đó tôi phải uống một loại thuốc chống say máy bay. Hầu như chuyến nào cũng uống”.
“Ba mẹ nói lựa cái nghề gì mà cực quá, đi hoài không thấy mặt mũi đâu. Mình toàn đi lúc ba mẹ chưa dậy, có khi về thì ba mẹ đã ngủ rồi”, Trần Ngọc Thiên Ân (23 tuổi, Jetstar) tâm sự.
Giữa tháng 6/2014, khi Ân bay chuyến đầu tiên gặp thời tiết xấu, nhiều khách bị ói. Có khách ói ra sàn, ra bồn rửa tay, toàn những vị trí không thoát đi được. Thiên Ân phải đeo bao tay dọn.