Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếp tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu ở phía Bắc

Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam - tỉnh Lạng Sơn và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, thành phố Móng Cái - tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các hoạt động này phải dựa trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

virus corona anh 1

Thủ tướng đồng ý tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, song phải kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Ảnh: Báo Hải Quan.

Thủ tướng giao UBND các tỉnh có đường biên giới trao đổi, làm việc thống nhất với các địa phương biên giới phía nước bạn và tổ chức triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế được giao chủ trì, thống nhất với các bộ: GTVT, Tài chính, Công Thương, UBND các tỉnh có đường biên giới và cơ quan liên quan xây dựng quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện.

Các quy trình này sẽ được áp dụng tại các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu biên giới đường bộ, đường sắt trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo chỉ thị của Thủ tướng, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách ly.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, thiệt hại có thể lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.

Dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc nên cũng phải chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Thống kê về số người nhiễm virus corona của Bộ Y tế tính đến 13h ngày 12/2 cho thấy trên thế giới đã có 45.170 người nhiễm, riêng Trung Quốc là 44.653 người; số người chết vì virus corona trên thế giới lên tới 1.115 người, trong đó có 1.113 người ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, 15 người được xác định dương tính với virus corona. Trong đó, 6 người đã được điều trị khỏi; 788 người có xét nghiệm âm tính với loại virus này.

Số trường hợp nghi ngờ nhiễm virus corona ( có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch) gồm 97 người tiếp tục cách ly, theo dõi chặt chế để không lây nhiễm ra cộng đồng. Ngoài ra, có 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm Covid-19.

Thủ tướng: Vừa chống virus corona, vừa chống 'virus trì trệ'

Theo dự báo, nếu dịch Covid-19 trong quý II/2020 mới được khống chế thì tăng trưởng là 5,96%. Bởi vậy, Thủ tướng chỉ đạo phải chống cả virus corona và “virus trì trệ”.

Anh Thư

Bạn có thể quan tâm