Chiều 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng khẳng định với các biện pháp mạnh, cụ thể, hiệu quả, tình hình dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế thì không thể nói là hoàn thành tốt nhiệm vụ.
“Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Ảnh: VGP. |
Bởi vậy, người đứng đầu Chính phủ cho rằng Việt Nam phải chống cả 2 loại virus, là virus corona và “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước.
“Chúng ta không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai những biện pháp mới, không chịu tái cơ cấu ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh, làm sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân”, Thủ tướng quán triệt.
Tại cuộc họp này, người đứng đầu Chính phủ đề nghị tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Theo ông, đây là một thử thách phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm 2020.
Đồng thời, Thủ tướng cảnh báo nếu chỉ với cách làm bình thường sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác. Vì thế, “phải phấn đấu cao hơn nữa, với giải pháp cụ thể hơn nữa, kịp thời hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa”.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với dịch SARS, lên tới 160 tỷ USD.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh; suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc nên chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự báo nếu khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của nước ta dự báo là 6,25%. Còn nếu quý II/2020 mới khống chế được thì tăng trưởng dự báo là 5,96%.