Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếp tục tìm máy bay AirAsia mất tích

Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay QZ 8501 của AirAsia tiếp tục vào sáng sớm nay sau khi các phương tiện tạm nghỉ vào tối qua.


  • Trưa ngày 28/12, hãng Air Asia phát thông báo chính thức về vụ việc: "Hãng AirAsia Indonesia rất tiếc khi phải xác nhận chuyến bay QZ 8501 cất cánh từ Surabaya đến Singapore đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu vào sáng nay. Chúng tôi hiện chưa có thông tin gì về tình hình của hành khách và phi hành đoàn". Hãng đã thành lập trung tâm khủng hoảng để điều tra vụ việc.

  • Bản đồ mô phỏng đường bay và vị trí chuyến bay QZ 8501 mất liên lạc.

  • Diễn biến vụ mất liên lạc của QZ 8501

    5g20 (giờ Hà Nội): Chuyến bay QZ 8501 cất cánh từ sân bay ở Surabaya, Indonesia để đến Singapore.

    10g30 (giờ Hà Nội): Truyền thông quốc tế đưa tin máy bay mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu ở Indonesia.

    10g40 (giờ HN): Hãng AirAsia xác nhận máy bay mất tích trên Facebook, cho biết chưa có thông tin gì mới về tình hình các hành khách.

  • Một quan chức ngành giao thông Indonesia, ông Hadi Mustofa Djuraid, cho biết: "Chúng tôi vừa nhận được thông tin từ cơ quan khí tượng quốc gia. Theo đó, thời tiết tại địa điểm mà chuyến bay mất tích rất xấu". Ông Tatang Zainudin, đại diện cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia, cũng xác nhận thông tin này.

  • Sân bay Changi, Singapore, đã thành lập khu vực tiếp thân nhân hành khách (RHA) trên chuyến bay mất tích tại Ga đến số 2 để cung cấp tin tức mới nhất về số phận của máy bay.

  • Air Asia đã đổi ảnh đại diện trên Facebook của hãng từ logo đỏ sang xám. Hãng cũng thiết lập trung tâm tổng đài khẩn cấp, dành cho các gia đình hoặc bạn bè của những người có thể đã ở trên máy bay, với số điện thoại là: +622129850801. 

     

  • Đến thời điểm này, QZ 8501 đã mất tích hơn 5 tiếng. Kênh Channel News Asia cho biết máy bay đang bay ở độ cao gần 10 km trước khi mất tín hiệu. Viên phi công đã đề nghị được tăng độ cao. Vào thời điểm đó, một số máy bay khác cũng hoạt động gần chuyến bay QZ 8501.

  • Chiếc A320-200 mất tích được sản xuất vào năm 2008 và thuộc quyền sở hữu của công ty cho thuê máy bay Doric của Đức, theo CNBC.

  • Theo nhà sản xuất Airbus, A320-200 là mẫu máy bay chở khách có thể trang bị tối đa 180 ghế với tải trọng cất cánh tối đa đạt 62.500 kg. Nó có khả năng di chuyển với vận tốc tối đa đạt 871 km nhưng thường di chuyển với vận tốc 828 km. Phạm vi hoạt động của nó đạt tối đa 5.700 km với trần bay 12.000 m. Những chiếc A320-200 được điều khiển bởi hai phi công. 

  • Người phát ngôn Không quân Indonesia, ông Marsma Hadi Tjahjanto, cho biết lực lượng này sẽ sử dụng địa điểm cuối cùng nhận được tín hiệu của chuyến bay QZ 8501 để bắt đầu công tác tìm kiếm trên không. Ông cũng cho biết radar không quân ghi nhận tình hình thời tiết khi đó là trời có nhiều mây. Trước đó, không quân Singapore tuyên bố phái hai máy bay C130 để cùng tìm kiếm.

  • Thông tin lộ trình bay của QZ 8501 xuất hiện trên bảng tin tại sân bay Changi ở Singapore ngày 28/12. Ảnh: Reuters

     

  • Người phát ngôn Nhà Trắng Eric Schultz cho biết đã thông báo với Tổng thống Obama về vụ mất tích của chuyến bay QZ 8501. Ông Obama đang đi nghỉ phép ở đảo Hawaii cùng gia đình.

  • Trên Twitter, truyền thông địa phương công bố bản đồ đảo Belitung – nơi giới chức dự đoán là vị trí máy bay mất liên lạc. Beltitung nằm trên bờ biển phía đông của đảo Sumatra, Indonesia.

     

  • Ngoài ra, một hình ảnh về trạm radar trên Twitter cũng cho thấy nhiều chuyến bay hoạt động vào cùng thời điểm chuyến bay QZ 8501 mất tích.

  • Mạng xã hội của Thủ tướng Singapore, ông Lý Hiển Long, cũng đăng lời chia sẻ lo ngại về tình hình chuyến bay QZ 8501. "Hiện chúng tôi cũng chưa có nhiều thông tin, nhưng đã đề nghị giúp đỡ chính quyền Indonesia. Tâm trí của chúng tôi lúc này hướng về các hành khách và người thân của họ".

  • Ảnh vệ tinh đăng tải trên Twitter cho thấy các cơn giông bão đang phát triển mạnh (màu đen) về phía bắc thành phố Surabaya, Indonesia.

     

  • Khoảng 10 người là thân nhân của các hành khách trên chuyến bay QZ 8501 đã đến khu vực riêng ở sân bay Changi, Singapore. Hãng AirAsia sẽ tổ chức cuộc họp báo tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, vào chiều nay.

  • Cổng thông tin Detik.com của Indonesia đã phát hành danh sách các hành khách trên chuyến bay QZ 8501.

  • Hãng AirAsia đã cập nhật thông tin hành khách trên Facebook. Theo đó, chuyến bay QZ 8501 chở 155 hành khách, gồm 138 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh. Máy bay do 2 phi công điều khiển, phi hành đoàn gồm 4 người và 1 kỹ thuật viên. Viên phi công đã có kinh nghiệm 6.100 giờ bay, phi công phụ lái đã trải qua 2.275 giờ bay.

  • Theo một quan chức Indonesia, phi công của chuyến bay QZ 8501 đã gửi yêu cầu nâng độ cao của phi cơ lên 11.500 m để tránh mây, khi máy bay đang di chuyển ở độ cao khoảng 9.700 m.

  • Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, ông Ng Eng Hen, cho biết đã chỉ đạo lực lượng không quân và hải quân trực chiến tham gia tìm kiếm chuyến bay mất tích. "Tôi đã yêu cầu các máy bay không quân và tàu hải quân sẵn sàng. Nếu Indonesia yêu cầu hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ". Ảnh dưới: Hai máy bay quân sự C130 sẵn sàng tham gia chiến dịch cứu hộ.

     

  • Nhóm nhà báo vây xung quanh thân nhân các hành khách khi họ tập trung đông tại sân bay quốc tế Changi, Singapore để nghe ngóng thông tin về máy bay.

  • Kênh Channel News Asia dẫn lời một hành khách trên chuyến bay khác cũng theo lộ trình Surabaya - Singapore cho biết: "Trời chỉ có mây một chút chứ không có gì bất thường".

  • Một phụ nữ có mặt tại sân bay Changi cho hay, 4 người thân của bà, có mặt trên chuyến bay.

     

  • Bangka Pos, một trang tin Indonesia, dẫn các nguồn tin ở sân bay Buluh Tumbang cho biết máy bay mất tích có thể đã rơi ở ngoài khơi đảo Sumatera, trong vùng biển East Belitung. Địa điểm chính xác của vụ tai nạn chưa thể xác định. Một đội tìm kiếm của trung tâm cứu nạn quốc gia đã lên đường tới khu vực này.

  • Không có người Việt trên chuyến bay QZ 8501: Channel News Asia cho biết quốc tịch các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được xác nhận gồm 156 người Indonesia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Singapore, 1 người Malaysia và 1 người Pháp. Bé sơ sinh duy nhất trên chuyến bay là người Hàn Quốc.

  • Metro TV đã xác định danh tính của các thành viên phi hành đoàn trên phi cơ mất tích QZ5801, gồm cơ trưởng Iriyanto, cơ phó Remi Emmanuel Plesel, nhân viên kĩ thuật Saiful Rakhmad và 4 tiếp viên - Wanti Setiawati, Khairunisa Haidar Fauzi, Oscar Desano, Wismoyo Ari Prambudi.

  • Nhân viên sân bay Changi đứng ở cổng nhà ga T2 để tập hợp người thân và bạn bè của hành khách có mặt trên chuyến bay QZ8501.

  • Air Asia, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, có trụ sở gần thủ đô Kuala Lumpur. Hãng điều khiển các chuyến bay nội địa và quốc tế tới 100 điểm đến trải rộng trên 22 quốc gia trên thế giới.

  • Người đứng đầu hoạt động cứu hộ của cơ quan tìm kiếm cứu hộ Indonesia cho biết ba khả năng có thể xảy ra khi một máy bay mất liên lạc ở độ cao của máy bay mất tích QZ 8501 gồm: lỗi động cơ, chuyển hướng sang sân bay khác hoặc khả năng xấu nhất là rơi xuống biển.

  • Người nhà đăng kí thông tin về hành khách trên máy bay mất tích tại bàn thông tin ở sân bay Changi. Ảnh: Getty Images

  • Máy bay mất tích mới được bảo dưỡng theo định kỳ hôm 16/11, theo hãng hàng không thông báo. Cơ trưởng máy bay biến mất có 6.100 giờ bay trong khi lái phụ có kinh nghiệm bay 2.275 giờ. Đây là sự cố lớn thứ 3 của Air Asia trong năm 2014 và cũng là sự cố thứ 3 với một công ty hàng không ở Malaysia. Trước đó là sự cố MH370 biến mất và MH17 bị bắn rơi ở miền đông Ukraine. Chúng đều là máy bay của Malaysia Airlines.

  • Thân nhân hành khách thất thần tại nhà ga T2

  • Tờ Jakarta Globe dẫn lời một nhân viên cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia cho biết đội tìm kiếm đã tới khu vực cách nơi phát tín hiệu lần cuối của máy bay khoảng 150 km. Một số hãng tin Indonesia cho biết máy bay mất tích đã "bay vòng tròn quanh vùng biển đảo Belitung để tránh bão, sau đó máy bay bị rung lắc dữ dội và rơi xuống biển". Tuy nhiên, chưa quan chức Indonesia nào xác nhận về kịch bản xấu này.

  • Thủ tướng Malaysia, ông Najib Razak, đã trả lời báo chí về vụ chuyến bay mất tích QZ 8501. Ông xác nhận thông tin phi cơ biến mất khỏi màn hình radar sau khi cất cánh không lâu. "Điều này có nghĩa là phi cơ đã gặp sự cố. Đó là tất cả những gì chúng tôi biết đến hiện tại. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm máy bay.

    Trong khi đó, các quan chức hãng AirAsia cho biết cuộc họp báo chính thức sẽ diễn ra ở Indonesia.

  • Các quan chức Indonesia cho biết, họ không nhận được tín hiệu khẩn từ QZ 8501 trước khi nó mất tích.

  • Dù không có hành khách người Australia trên máy bay gặp nạn, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop, đã đề nghị giúp đỡ chính phủ Indonesia trong việc tìm kiếm QZ 8501.

  • Nếu điều tồi tệ nhất xảy ra, đây sẽ là vụ tai nạn máy bay Airbus A320 đầu tiên kể từ khi máy bay Airbus A320 của hãng hàng không New Zealand đâm xuống biển Địa Trung Hải, khu vực phía tây nam nước Pháp, khi đang bay thử, vào ngày 27/11/2008 và cũng là sự cố đầu tiên đối với hãng AirAsia kể từ khi nó bắt đầu hoạt động năm 1996, theo Reddit.

  • Ông Djoko Murdjiatmo, quan chức hàng không tại Bộ Vận tải Indonesia cho biết chuyến bay QZ 8501 chắc chắn sẽ cạn nhiên liệu và không thể tiếp tục bay đến thời điểm này. "Nhiên liệu chỉ đủ để bay tối đa 4 tiếng rưỡi, trong khi máy bay mất liên lạc lúc hơn 6 giờ (giờ địa phương) chỉ sau khi cất cánh được 1 tiếng", ông Djoko nói trên New Straits Times.

  • Những thông tin chính về chuyến bay QZ8501 sau 8 tiếng mất tích:
    - Máy bay của hãng AirAsia khởi hành từ Indonesia lúc 6h17 (giờ địa phương), dự định hạ cánh ở sân bay Singapore lúc 8h30 (giờ địa phương), nhưng mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu ở Indonesia sau khi cất cánh khoảng 1 tiếng.
    - Máy bay chở 162 người, gồm 155 hành khách và 7 phi hành đoàn, đa số là công dân Indonesia.
    - Cơ trưởng có kinh nghiệm hơn 6.000 giờ bay. Trước khi mất liên lạc, phi công đề nghị gia tăng độ cao để tránh thời tiết xấu. Đài không lưu không nhận được tín hiệu khẩn cấp từ máy bay.
    - Trước khi mất tích, máy bay được cho là đang ở xung quanh đảo Belitung của Indonesia. Đội cứu nạn Indonesia đang tìm kiếm tại địa điểm cách đảo này 145 km.

  • Bộ trưởng Giao thông Malaysia, ông Hishammuddin Hussein, cho hay, cả đất nước Malaysia đã sẵn sàng hỗ trợ Indonesia và Singapore trong việc tìm kiếm máy bay gặp nạn, theo Channel News Asia.

  • Cư dân mạng cùng nhau cầu nguyện cho số phận 162 người trên chuyến bay QZ 8501.

     

  • Ông Joko Widodo, Tổng thống Indonesia, đã gặp gỡ báo chí để bày tỏ quan điểm về tình hình chuyến bay mất tích. Theo tờ Guardian, ông Widodo đang ở West Papua nghỉ lễ Giáng sinh. Phu nhân Iriana đăng trên Twitter rằng: "Tổng thống cầu nguyện tất cả hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay QZ 8501 sẽ được tìm thấy bình an".

  • Hãng hàng không Malaysia Airlines chia sẻ nỗi lo với thân nhân 162 người trên chuyến bay QZ 8501 của AirAsia.

  • Một người phụ nữ 45 tuổi có mặt tại sân bay cho hay: “Tôi có 6 người thân đi trên chuyến bay tới Singapore để nghỉ dưỡng. Họ luôn bay của hãng AirAsia và chưa bao giờ gặp vấn đề gì. Tôi thực sự sốc khi nghe tin. Tôi lo rằng máy bay có thể đã rơi”. 

  • Các phóng viên của tờ The Age (Indonesia) đã tiếp cận khu vực cứu nạn. Họ cho hay một máy bay trực thăng của Indonesia đã khởi hành từ Jakarta lúc 15h (GMT) và dự kiến tới hiện trường trong 3 tiếng. Nó sẽ hỗ trợ máy bay của Australia trong chiến dịch tìm kiếm. Các phóng viên cũng cho biết thêm rằng, thân nhân của các hành khách đã cố gắng gọi điện cho người thân, nhưng không thành công.

  • Hiện tại 7 tàu tìm kiếm của Indonesia xuất phát từ Jakarta đang trên đường tới khu vực tìm kiếm ở đảo Belitung. Máy bay C-130 của Singapore cũng đã cất cánh để tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ 8501.

  • Giám đốc Cục hàng không Indonesia Djoko Murjatmodjo cho biết vị trí cuối cùng mà chuyến bay QZ 8501 của AirAsia phát ra tín hiệu là nằm giữa khu vực Tanjung Pandan tại đảo Belitung và Kalimantan. Đồ họa: AFP/Vietnamplus.

  • Oscar Desano (phải) là một trong số 4 tiếp viên mất tích. Ảnh: Oscar Desano

     

     

  • Chuyên gia hàng không Indonesia Gerry Soejatman chia sẻ một bức ảnh rò rỉ từ màn hình kiểm soát không lưu cho thấy máy bay xuất hiện lần cuối cùng khi đang ở độ cao 36.300 feet(11.000 km) và đang nâng độ cao. Tuy nhiên, tốc độ mặt đất của nó rất chậm, chỉ khoảng 654 km/h.

  • Chiếc C-130 đầu tiên đã rời Singapore để tham gia chiến dịch tìm kiếm QZ 8501. Ảnh: Channel NewsAsia

  • Khoảng 20 thân nhân các hành khách QZ8501, đa số là người Indonesia, đã tới sân bay quốc tế Changi (Singapore) để nghe ngóng thông tin về người thân. Ảnh: Channel News Asia

  • BBC dẫn thông cáo mới nhất từ Airbus về việc chuyến bay QZ8501 của hãng hàng không AirAsia mất tích: “Máy bay được bàn giao cho hãng hàng không AirAsia vào tháng 10/2008. Nó đã di chuyển trong 23.000 giờ và thực hiện hơn 13.600 chuyến bay. Tại điểm này, chúng tôi chưa có thêm nhiều thông tin”.

  • Dù sự cố vừa xảy ra với chuyến bay QZ 8501, nhiều chuyến bay khác của hãng AirAsia vẫn diễn ra theo lịch trình. Ảnh: AFP

  • RT dẫn lời một quan chức Hải quân Indonesia cho hay, hiện tại đội cứu hộ chưa tìm thấy bất cứ mảnh vỡ của máy bay mất tích, trong khi điều kiện thời tiết tại khu vực tìm kiếm không tốt.

  • Một chuyến bay khác của hãng AirAsia mang số hiệu AK6242 xuất phát từ bang Penang tới đảo Langkawi buộc phải quay trở lại điểm xuất phát vì sự cố kỹ thuật, NST Online đưa tin.

  • Không quân Australia (RAAF) đang điều 3 máy bay P-3 Orion tới khu vực để hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm QZ 8501.

  • Một máy bay trực thăng của Indonesia đã khởi hành từ Jakarta lúc 15h (GMT) và nhận nhiệm vụ tìm kiếm xung quanh khu vực quanh đảo Belitung, Indonesia – nơi giới chức nghi máy bay của AirAsia mất tích. Ba nước gồm Singapore, Malaysia và Australia đã yêu cầu trợ giúp Indonesia trong quá trình cứu hộ. Malaysia đang điều tàu và một máy bay C130, trong khi Singapore cũng phái một C-130 tới nơi tìm kiếm, theo Reuters.

    Dù không có hành khách người Australia trên máy bay gặp nạn, Ngoại trưởng Australia, bà Julie Bishop, đã đề nghị giúp đỡ chính phủ Indonesia trong việc tìm kiếm QZ 8501. Reddit cho hay Không quân Australia (RAAF) đang điều 3 máy bay P-3 Orion tới hỗ trợ đội cứu hộ.

    Một quan chức Hải quân Indonesia cho hay, nhân viên cứu hộ chưa tìm thấy bất cứ mảnh vỡ của máy bay mất tích, trong khi điều kiện thời tiết tại khu vực tìm kiếm không tốt. 

  • Quan chức Indonesia giám sát quá trình cứu hộ tại Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas). Ảnh: Channel News Asia

  • Giới chức tại sân bay Changi xác nhận 47 thân nhân và bạn bè của 57 hành khách trên chuyến bay QZ 8501 đã đăng ký ở lại khu vực dành cho thân nhân tại nhà ga số 2. 36 nhân viên của sân bay và 4 nhân viên tư vấn của Bộ Xã hội và Phát triển gia đình sẽ giúp đỡ người nhà của nạn nhân. 

  • Hình ảnh thân nhân hành khách đau khổ và suy sụp tại sân bay quốc tế Juanda, Surabaya, phía đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP

  • Cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 từng trải qua 6.100 giờ bay, còn cơ phó có 2.275 giờ bay. Lần bảo dưỡng cuối cùng của máy bay diễn ra vào ngày 16/11/2014.

  •  Một trực thăng của Không quân Indonesia chuẩn bị cất cánh tại căn cứ không quân trên đảo Kalimantan hôm 28/12 để tìm máy bay mất tích. Ảnh: Reuters

  • Theo Daily Mail, bốn thành viên phi hành đoàn gồm Wanti Setiawati, Khairunisa Haidar Fauzi, Oscar Desano và Wismoyo Ari Prambudi. Tên của nhân viên kỹ thuật trên chuyến bay là Saiful Rakhmad.

  • Trước khi phi cơ cất cánh hôm 28/12, hai phi công của chuyến bay QZ8501 đã xin đổi lịch bay để tránh thời tiết xấu, Reuters cho hay.

  • Nico Giovanni, một thiếu niên 17 tuổi, cùng toàn bộ người thân trên gia đình của cậu đã lên chuyến bay QZ8501 của hãng Air Asia, báo Shin Min Daily của Trung Quốc đưa tin.

  • Có thể phi cơ gặp nạn tại vị trí cách đảo Belitung thuộc biển Java khoảng 80 – 100 hải lý. Cũng có thể nó đã bay vòng qua vùng biển gần Belitung để tránh bão trước khi trước khi đâm xuống biển, Jakarta Post nhận định.

  • Louis Sidharta, một phụ nữ Indonesia 25 tuổi, bước vào khu vực dành cho thân nhân và bạn bè của hành khách trên chuyến bay QZ8501 tại phi trường Changi ở Singapore hôm 28/12. Chồng chưa cưới của cô là một trong những hành khách trên phi cơ mất tích của hãng Air Asia. Ảnh: Reuters

  • Giới chức Indonesia tạm ngừng tìm chuyến bay QZ8501 do trời tối. Các phương tiện sẽ tiếp tục tìm máy bay mất tích từ 6h ngày 29/12.

  • Hãng Air Asia đính chính trên trang Facebook rằng số hành khách trên máy bay mất tích bao gồm 149 người Indonesia, 1 người Singapore, 1 công dân Malaysia, 3 người Hàn Quốc, 1 người Anh. Phi hành đoàn bao gồm một công dân Pháp và 6 người Indonesia.

  • Oscar Desano, một trong những tiếp viên trên phi cơ Airbus 320-200 vừa mất tích, từng kêu gọi mọi người cầu nguyện cho chuyến bay MH370 và MH17 của hãng hàng không Malaysia sau khi chúng lần lượt gặp nạn vào tháng 3 và tháng 7.

    "Tôi gửi lời chia buồn chân thành về mất mát đối với chuyến bay MH17 tới hãng hàng không Malaysia Airlines. Đây là thảm họa lớn thứ hai trong năm đối với hãng", anh viết sau khi chuyến bay MH17 rơi ở Ukraine.

  • 16 trẻ em và một trẻ sơ sinh là những hành khách trên chuyến bay QZ8501, AP dẫn thông báo của hãng Air Asia cho hay.

     

  • Mặc dù chiến dịch tìm kiếm của chính phủ Indonesia tạm ngừng, song AP đưa tin một số tàu vẫn tiếp tục tìm dấu vết của phi cơ mất tích.

  • Phó Tổng thống Indonesia, ông Jusuf Kalla, nhận định trong cuộc họp báo ở Jakarta: “Rất có thể phi cơ đã gặp nạn do các phương tiện không tìm thấy dấu vết khả nghi nào trong hơn 10 giờ qua. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc và lời xin lỗi đến gia đình các hành khách”.

  • Cơ trưởng của chuyến bay QZ8501 là ông Iriyanto, cơ phó là một người Pháp có tên Remi Emmanual Plesel. Doni, cháu trai của ông Iriyanto, kể với báo Indonesia Detik.com rằng cơ trưởng Iriyanto là một người nhân ái, luôn quan tâm giúp đỡ người khác.

    Theo Doni, ông Iriyanto có vợ và hai con đang tuổi đi học. Vợ ông không đi làm. AirAsia cho biết ông Iriyanto có kinh nghiệm 6.100 giờ bay, cơ phó Plesel có kinh nghiệm 2.275 giờ.

  • Theo Detik.com, một gia đình ở Surabaya, Indonesia có người nhà trên chuyến bay QZ8501 đã nhận được tin nhắn thông qua phần mềm nhắn tin Blackberry Messenger. Thông tin này thắp lên hy vọng về số phận của chiếc máy bay chở khách mất tích.

    Trang thông tin dẫn lời Intan, chị gái của hành khách Martinus Djomy, với nội dung: "Chúng tôi nhận được tin nhắn rằng máy bay đã hạ cánh an toàn ở Belitung Timur. Mọi người đều an toàn. Tuy nhiên, chúng tôi chờ xác nhận".

    Anh trai của hành khách đang cùng vợ, con và người giúp việc tới Singapore để ngóng tin người nhà. Detik.com cho hay, tin nhắn đã được chuyển đến cơ quan thảm họa ở Juanda, Surabaya, Indonesia nơi chuyến bay xuất phát. Tuy nhiên, nhà chức trách chưa xác nhận tính xác thực của thông tin trên, Malaysia Insider cho biết.

  • Mẹ của Khairunisa, một nữ tiếp viên trên chuyến bay QZ 8501, công bố một bức ảnh của con gái trong lúc bà chờ tin về số phận của con tại Indonesia.

     

  • Channel News Asia đưa tin Choi Chi Man (ảnh), một doanh nhân Anh, đáp chuyến bay QZ8501 cùng con gái hai tuổi mang quốc tịch Singapore. Choi tốt nghiệp Đại học Essex tại Anh và đang là giám đốc của một công ty điện. Tuy nhiên, ông sống tại Singapore.

    Theo Telegraph, 3 người quốc tịch Hàn Quốc trên chuyến bay mất tích được xác định là Park Seong-beom, vợ Lee Kyung-hwa và con gái 12 tháng tuổi Park Yuna.

    Ông Choi Chi Man. Ảnh: Channel News Asia.
    Ông Choi Chi Man. Ảnh: Channel News Asia.

     

  • Tatang Kurniadi, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, hy vọng rằng các phương tiện tìm chuyến bay QZ8501 sẽ sớm xác định vị trí của phi cơ, song ông cũng nhấn mạnh rằng các phương tiện phải chờ thêm nhiều giờ nữa trước khi chúng có thể phát hiện tín hiệu âm thanh từ hộp đen của máy bay, Mirror cho biết.

  • Chiếc máy bay của AirAsia mất tích hôm nay được đưa vào hoạt động năm 2008 và đã trải qua 23.000 giờ bay với 13.600 chuyến bay, hãng sản xuất Airbus cho hay.

    Chiếc máy bay vừa qua đợt bảo dưỡng định kỳ hôm 16/11. Hơn 6.000 chiếc A320-200 của Airbus đang hoạt động trên toàn thế giới. Các máy bay này được thiết kế cho các tuyến đường ngắn, là đối thủ cạnh tranh của Boeing 737 và được các hãng hàng không giá rẻ ưa chuộng, Telegraph cho hay.

  • Hành trình chuyến bay dự kiến và khu vực tìm kiếm máy bay mất tích (góc trái). Indonesia đã đồng ý để Singapore góp 4 tàu hải quân vào cuộc tìm kiếm máy bay mất tích, theo Channel News Asia. Đồ họa: Telegraph

  • Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia Mỹ cho biết họ đang theo dõi sát quá trình tìm kiếm máy bay AirAsia mất tích và "sẵn sàng hỗ trợ nếu phía Indonesia yêu cầu".

    Trước đó, Jakarta đã chấp thuận cho 4 tàu hải quân Singapore đi vào khu vực tìm kiếm, Channel News Asia đưa đin. Một máy bay C-130 đã được triển khai tới khu vực QZ 8501 mất tích. Phía Australia cũng bày tỏ hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm cứu hộ.

  •  

    BBC dẫn lời Bambang Soelistyo, người chỉ huy lực lượng tìm và cứu hộ phi cơ Airbus A320-200 của Indonesia, nói rằng Jakarta điều động 12 tàu, 3 trực thăng và 5 máy bay quân sự. Malaysia huy động một máy bay C-130 và 3 tàu, còn Singapore phái một phi cơ C-130.

     

     

  • Simon Boxall, một nhà hải dương, nói với BBC rằng, nếu máy bay Airbus A320-200 của AirAsia lao xuống biển, phát hiện dấu vết của nó không phải là việc quá khó.

    "Đáy biển ở khu vực phi cơ có thể rơi khá nông và lực lượng cứu hộ có thể thấy nó trong vài ngày", Simon giải thích.

Phản ứng sau khi QZ 8501 mất tích

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Vận tải Indonesia, ông Hadi Mustofa, cho biết chuyến bay mang số hiệu QZ 8501, mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu ở Jakarta vào khoảng 6 giờ sáng (giờ địa phương). Ông Mustofa cho biết phi công đã yêu cầu bay vào một lộ trình khác trước khi mất liên lạc.

Máy bay mất tích là loại Airbus 320-200, chở 155 hành khách và phi hành đoàn. Có nguồn tin khác cho hay 162 người có mặt trên phi cơ. Máy bay dự định hạ cánh ở Singapore vào lúc 8h30 (7h30 theo giờ Hà Nội). Sân bay Singapore đã thông báo tình trạng chuyến bay trên website là "chậm chuyến".

Tờ Straits Times dẫn thông báo Bộ Vận tải Indonesia cho biết 155 người trên máy bay gồm 1 người mang quốc tịch Singapore, 1 người Anh, 1 người Malaysia, 3 người Hàn Quốc và 149 người Indonesia. Vào thời điểm máy bay mất liên lạc, Bộ trưởng Mustofa cho biết máy bay có thể đang ở giữa đảo Kalimantan và Belitung.

Theo Yahoo! News Singapore, trên máy bay có 130 hành khách, 24 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh. Chính phủ Singapore đã đề nghị giúp đỡ phía Indonesia, đồng thời triển khai 2 máy bay C130 sẵn sàng hoạt động.

Cơ quan hàng không dân dụng Singapore cho biết đã nhận thông tin và sẵn sàng giúp Indonesia tìm kiếm máy bay mất tích.

Năm tồi tệ của hàng không thế giới

Năm 2014 hàng không thế giới chứng kiến nhiều thảm họa. Ảnh: Telegraph.
Năm 2014 hàng không thế giới chứng kiến nhiều thảm họa. Ảnh: Telegraph.

2014 được cho là năm tồi tệ của hàng không thế giới với hàng loạt tai nạn kinh hoàng, khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích.

Đầu tháng 2, chiếc máy bay vận tải Lockheed C-130 Hercules của không quân Algeria rơi tại vùng núi gần Ain Kercha, 77 người tử vong.

Ngày 8/3, 239 người đã biến mất cùng chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines trong lộ trình từ Kuala Lumpur, Malaysia đến Bắc Kinh, Trung Quốc.

Chỉ 4 tháng sau đó, ngày 17/7, chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines từ Amsterdam đến Kuala Lumpur, rơi khi đang bay ngang qua không phận xung đột tại Ukraine. Sự việc khiến toàn bộ 298 người tử nạn.

Cuối tháng 7, chưa đầy một tuần kể từ tai nạn của MH17, máy bay ATR-72 mang số hiệu GE 222 của hãng TransAsia Airways chở 58 người, gồm hành khách và phi hành đoàn, rơi và bốc cháy tại một khu nhà dân ở Bành Hồ, Đài Loan, khiến 48 người chết và 15 người khác bị thương.

Những sai lầm không thể tưởng tượng của phi công

Phi công hiểu lầm tín hiệu dẫn tới tai nạn hay phi công bấm nhầm nút khi máy bay đang lơ lửng trên trời gây ra nhiều sự cố chết người trong lịch sử hàng không.

Minh Anh - Hải Anh - Hồng Duy - Đỗ Quyên

Bạn có thể quan tâm