Ảnh vệ tinh đăng tải trên Twitter cho thấy các cơn giông bão đang phát triển mạnh (màu đen) về phía bắc thành phố Surabaya, Indonesia, nơi xuất phát của chuyến bay QZ 8501. Ảnh: Twitter |
Thời tiết xấu đang là yếu tố được các quan chức Indonesia nhắc đến nhiều nhất. Hãng AirAsia cũng xác nhận phi công đã "yêu cầu chuyển hướng lộ trình và bay ở tầm cao hơn để tránh mây trước khi các tín hiệu liên lạc bị cắt". Nếu thông tin máy bay gặp nạn được xác nhận thì sự việc sẽ là thảm kịch đầu tiên của hãng AirAsia kể từ khi thành lập đến nay.
Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia đã triển khai một nhóm đến nơi thu được tín hiệu lần cuối của QZ 8501 trước khi máy bay mất tích. "Trời khi đó có rất nhiều mây, xung quanh lại là biển cả. Chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nên không thể đưa ra bất cứ giả định gì".
Trên báo Malaysia Insider, ông Djoko Murjatmodjo, Cục trưởng Cục Hàng không thuộc Bộ Giao thông Indonesia, khẳng định phi cơ đã trải qua quá trình kiểm tra kỹ thuật rất tốt trước khi cất cánh. "Máy bay hoàn toàn bình thường để hoạt động. Tuy nhiên, chúng tôi nhận được thông tin rằng thời tiết ở vùng bay khi đó rất xấu", ông Murjatmodjo phát biểu tại cuộc họp báo tại Jakarta.
Một chuyên viên Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia chỉ vào nơi nhận được tín hiệu cuối cùng của chuyến bay QZ 8501. Ảnh: AFP |
Ông Djoko Murjatmodjo, Cục trưởng Cục Hàng không thuộc Bộ Giao thông Indonesia. Ảnh: AFP |
Chuyên gia khí tượng của CNN, Derek Van Dam, xác nhận những bản tin xác nhận điều kiện thời tiết tại khu vực mất tích của máy bay. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nguyên nhân một chuyến bay rơi vì thời tiết xấu là điều hiếm xảy ra. Nhà phân tích hàng không Mary Schiavo, nguyên tổng thanh tra của Bộ Giao thông Mỹ, cũng hoài nghi về khả năng thời tiết. "Phi công sẽ luôn nhận báo cáo thời tiết cập nhật từ đài không lưu. Do vậy chuyện thời tiết xấu trong khu vực bay không phải là điều bí ẩn gì", Schiavo nói.
Trong khi đó, báo New Straits Times dẫn một bản tin thời tiết từ trang Weather Bug cho biết trời có nhiều sấm chớp trong đường bay của chuyến bay QZ 8501. Tuy nhiên, ông Elmo Jayawardena, một phi công kỳ cựu đã nghỉ hưu, khẳng định trên Channel News Asia rằng "sấm chớp không thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến nỗi đánh rơi một máy bay".
Bên cạnh yếu tố thời tiết, ông Murjatmodjo cũng nhắc đến một khả năng với xác suất xảy ra rất cao: máy bay bị hết nhiên liệu và không thể tiếp tục bay kéo dài. "Nhiên liệu chỉ đủ để bay tối đa 4 tiếng rưỡi nhưng máy bay mất liên lạc lúc hơn 6 giờ (giờ địa phương) sau khi cất cánh được 1 tiếng", ông Djoko nói.