Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và cảng hàng không Nội Bài (Hà Nội) với tổng mức đầu tư lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Theo đơn vị này, hệ thống trên nhằm mục tiêu tự động hóa việc phát hiện vật thể lạ với toạ độ cảnh báo chính xác, không cảnh báo nhầm, không tắc nghẽn, không can nhiễu với các hệ thống kỹ thuật của khu bay và tàu bay.
“Khi lắp đặt, hệ thống sẽ giúp hạn chế, loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập”, văn bản nêu rõ lý do Cục Hàng không đề xuất.
Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh giải thích thêm đây là hệ thống thiết bị công nghệ mới, lần đầu áp dụng ở Việt Nam nên việc khái toán tổng mức đầu tư trong bước lập đề xuất dự án chủ yếu dựa trên cơ sở tham khảo báo giá của các nhà đầu tư quan tâm.
Khi triển khai các bước tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế dự toán), tổng mức đầu tư và dự toán sẽ được tư vấn tính toán chi tiết hơn và được thẩm tra, thẩm định theo quy định. Ngoài ra, yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống sẽ đáp ứng tiêu chuẩn thiết bị phát hiện vật ngoại lai tại sân bay do Cục Hàng không Liên bang Mỹ ban hành.
Dự kiến mức đầu tư hệ thống tại Nội Bài là hơn 486 tỷ đồng và tại Tân Sơn Nhất là gần 510 tỷ đồng. Tổng số vốn cho 2 cảng hàng không này là gần 1.000 tỷ đồng.
Cục Hàng không cũng đề xuất 3 phương án đầu tư. Phương án 1 sẽ do Nhà nước trực tiếp đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Phương án 2 do người khai thác cảng (ACV) làm chủ đầu tư và phương án 3 là thực hiện xã hội hoá theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Tuy vậy, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên phương án 2, nếu không được mới thực hiện phương án 3 vì theo ông Thanh “nên để ACV làm chủ đầu tư ngay từ đầu sẽ chủ động về nguồn vốn, thời gian triển khai nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp bách, đồng thời đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng, quản lý khai thác khu bay, điều phối hoạt động đảm bảo an toàn đường hạ, cất cánh, an ninh hàng không tại khu bay”.
Trước đó, vào đầu tháng 8, ACV từng trình Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Dự án cung cấp giải pháp và lắp đặt hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect) với kinh phí đầu tư hơn 1.162 tỷ đồng theo hình thức xã hội hóa.
Khi đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá đề xuất của ACV khá sơ sài và còn thiếu một loạt nội dung quan trọng như loại hợp đồng dự án; phương án tổ chức quản lý, chủ thể khai thác và nhất là hiệu quả kinh tế xã hội của dự án...
“Dự án không cung cấp các báo giá tham khảo cho thiết bị làm cơ sở sơ bộ xác định tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư đưa ra là quá lớn so với quy mô chỉ tại 2 sân bay (Tân Sơn Nhất và Nội Bài).
Việc chỉ đầu tư tại 2 cảng hàng không, nhưng lại đề xuất mức thu cho mỗi lượt hạ cất cánh từ các chuyến bay quốc tế và nội địa trên tất cả các cảng hàng không là không hợp lý”, ông Thanh đánh giá.