Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tiếng Việt còn chưa sõi bày đặt dạy tiếng Anh'

Những người xung quanh ai cũng nói chúng tôi “khùng” khi con có mấy tháng "tiếng Việt còn chưa sõi mà bày đặt dạy tiếng Anh".

Tuy nhiên, bằng trải nghiệm của gia đình tôi, với một em bé chưa biết gì thì tiếng Anh cũng sẽ thành tiếng mẹ đẻ nếu đồng hành với con từ sớm.

Tạo văn hoá đọc từ sách tiếng Anh

Khi bắt đầu có con, chồng tôi nghiên cứu tìm hiểu những phương pháp giáo dục cho trẻ em. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy đứa trẻ có thể nói được các thứ tiếng mà những người trong gia đình nói. Hay, những nghiên cứu đã chứng thực rằng trẻ từ 0 tuổi cũng đọc được, và hiện có nhiều loại sách tiếng Anh thiết kế cho bé 0 tuổi.

Vợ chồng tôi nhận thấy, ở Việt Nam, văn hoá đọc gần như không có nên tôi muốn cho con làm quen sớm với sách để tạo cho con thói quen đọc sách từ nhỏ.

Nhìn ra, sách tiếng Việt không đa dạng, phong phú như sách tiếng Anh. Chưa kể, vấn đề xuất bản sách cho trẻ em vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp. Tôi ưu tiên chọn sách tiếng Anh cho con, giúp con biết tiếng Anh sớm, giai đoạn 0-6 tuổi.

Những người xung quanh ai cũng nói chúng tôi “khùng” khi con có mấy tháng "tiếng Việt còn chưa sõi mà bày đặt dạy tiếng Anh". Nghe những lời nhận xét khó nghe đó, vợ chồng tôi không quan tâm.

Với một bạn nhỏ chưa biết gì thì tiếng Anh có vẻ dễ nói hơn tiếng Việt. Ví dụ, "car" sẽ dễ nói hơn “ôtô “, "star" sẽ dễ hơn “ngôi sao”... nên hai bé nhà tôi nói tiếng Anh trước tiếng Việt. Nhưng đừng nghĩ tiếng Việt các con không nói sõi. Ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt của con là đồng đều nhau.

doc sach cung con anh 1
Lúc đầu nên cho trẻ tiếp xúc với sách nhiều ảnh, ít chữ. Ảnh: Ngọc Linh.

Chúng tôi xác định hành trình đọc sách tiếng Anh cho con, dạy con tiếng Anh cũng là hành trình dạy ngôn ngữ cho con. Tôi thấy việc này không có gì đặc biệt, ngoài việc bố mẹ kiên trì chơi, đồng hành cùng con và hãy làm lặp đi lặp lại.

Lúc đầu, tôi mua những cuốn sách tiếng Anh đơn giản, nhiều hình ảnh ít chữ, rồi về đọc cùng con. Khi con quen với hình ảnh, tôi gom mua chung flashcard để con tập nhận diện chữ.

Trong quá trình đồng hành cùng con, tôi nhận thấy ở Việt Nam mọi người học tiếng Anh hơi sai quy trình. Bình thường, học tiếng Anh sẽ là: Nghe, nói, đọc, viết. Còn ở Việt Nam thì ngược lại: Đọc, viết, nói rồi mới nghe.

Các chuyên gia về ngôn ngữ cũng chia sẻ muốn học một ngôn ngữ thì bắt chước một đứa bé học. Đứa bé mới sinh ra chưa biết nói, sẽ lắng nghe trước rồi mới bắt chước để nói, rồi mới tập đọc rồi mới viết.

Con nhà tôi cũng vậy. Tôi cho nghe nhiều, lúc đầu là những bài hát tiếng Anh, rồi tới những câu chuyện đơn giản, tăng dần cấp độ.

doc sach cung con anh 2
Có nhiều bộ sách tiếng Anh hình ảnh đẹp, nội dung phong phú. Ảnh: Ngọc Linh.

Đồng hành cùng con và đừng áp đặt

Mỗi tháng, gia đình tôi đều theo dõi những bản sách mới và trích một khoản tiền riêng để đặt mua cho con. Có khi là hết tháng lương của bố - lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, không phải chỉ mua sách về đưa cho con là con thích được đâu mà ba mẹ phải đọc cùng con, dành thời gian cho con.

Nhà tôi có thói quen đọc sách cho con mỗi sáng và mỗi tối. Nên kiểu gì hai đứa trẻ cũng mê sách.

Khi gia đình tôi sang Canada sinh sống thì mới thấy vì sao bên đây người dân có văn hoá đọc vì thư viện ở khắp nơi, sách mượn thoải mái lại còn miễn phí…

Ai đó đã nói một câu “mỗi đứa trẻ là một thiên tài”, các bạn nhỏ giỏi hơn mình tưởng nên nếu đồng hành cùng con sẽ thấy con rất là giỏi. Với điều kiện đừng áp đặt các bố mẹ ạ. Tôi nhận thấy phương pháp giáo dục khá phổ biến hiện nay là người lớn áp đặt trẻ nhỏ, và chỉ có người lớn đúng thôi nên phần nào hạn chế khả năng “thiên tài” của các bé.

0-6 tuổi là giai đoạn vàng của phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu con yêu sách và có thể đọc sớm thì nên mua sách về rồi cùng con đọc, dành thời gian cho con là quan trọng nhất. Nên nhớ, bố mẹ là người thầy tốt nhất của con đấy.

Hãy chia sẻ cách đọc sách cùng con, giúp con thích đọc sách về địa chỉ email: toasoan@zing.vn.

Độc giả Ngọc Linh từ Canada

Bạn có thể quan tâm