Khi xe chạy gần đến huyện Châu Thành, Tiền Giang thì Mike không ngồi yên được nữa! Ông dáo dác nhìn ra cửa, cố gắng “nhận diện” vùng đất ngày xưa, nơi ông từng đóng quân vào tháng 10/1968. Nhưng tất cả đã thay đổi!
Như những cựu chiến binh Mỹ đã trở lại thăm Việt Nam theo chương trình của tổ chức “Trái tim người lính”, Michael Allen (hay còn gọi là Mike) đã và đang chịu đựng Hội chứng PTSD (Trầm cảm sau sang chấn - chiến tranh). Ông đã tận mắt chứng kiến những nỗi đau thương khủng khiếp trong chiến tranh.
Ông Mike cùng đồng đội thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến. Ảnh: Huỳnh Ngọc Vân. |
Một người bạn thân của ông đã chết năm ấy - 1968, bởi đạn pháo của chính quân đội Mỹ đi lạc. Tất cả đã trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi đối với Mike suốt gần 50 năm qua.
Giờ đây, khi ông rón rén bước đi trên con đường đất quanh co, gập ghềnh, băng qua những cánh đồng xanh rợp bầu, bí, khổ qua, ngai ngái mùi phân bò, Mike không thể tìm thấy bất cứ dấu vết gì của một thời đạn bom ác liệt.
Nhưng ông vẫn dừng lại, một mình giữa cánh đồng, run rẩy cầm cây harmonica và thổi một khúc nhạc ngắn…Cả đoàn chúng tôi nín thở, lắng nghe. Trên cánh đồng mênh mông bỗng chỉ còn lại tiếng kèn harmonica khe khẽ, hòa vào tiếng gió nhè nhẹ ru, tiếng lá xào xạc…
Phải chăng ai đó đang trở về, lắng nghe và thổn thức? Không ai cầm được nước mắt khi cắm những nén nhang thơm ngát xuống bờ ruộng, nơi đã một thời thấm đẫm máu, mồ hôi và nước mắt của cả hai phía! Mike còn tỉ mẩn nhặt mấy hòn đá, một nắm đất bỏ vào túi mình…
Tiếng harmonica trên cánh đồng. Ảnh: Huỳnh Ngọc Vân. |
Người đàn ông to lớn, khỏe mạnh đó bỗng trở nên yếu đuối, mong manh tột cùng giữa những ký ức khủng khiếp khó quên! Tôi bước đến bên ông, ôm choàng lấy Mike, thì thầm: “Hòa bình rồi! Việt Nam đã là một đất nước hòa bình! Giữa chúng ta chỉ còn hòa bình và tình yêu thương! Chúng tôi yêu các bạn mà!”.
Mike run bần bật, khóc vùi trên vai tôi như chưa từng được khóc!
“Hành trang” lần trở lại Việt Nam của Mike có sự giúp sức của vợ, một giáo viên Mỹ. Bà đã tổ chức cho học sinh Mỹ vẽ, cắt dán thành những tấm thiệp xinh xắn thể hiện tình đoàn kết Mỹ - Việt với những dòng chữ nghiêng ngả đến buồn cười.
Mike trịnh trọng tặng chúng tôi 2 tấm rồi “bật mí”: “Tôi còn phải để dành tặng các bạn miền Trung, miền Bắc nữa!”.
Khi chúng tôi tặng lại cho ông 2 tấm thiệp vốn là tranh của một cháu trai khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam vượt khó, Mike lại khóc.
Hàng chục năm qua, bất chấp chính phủ và nhiều tổ chức, cá nhân ở Mỹ không tin vào “liệu pháp tâm lý” để điều trị Hội chứng PTSD cho cựu chiến binh Mỹ, Edward Tick vẫn kiên trì đưa họ trở lại Việt nam.
“Trái tim người lính” đã cho họ cơ hội tìm về chiến trường xưa, kể chuyện, khóc lóc, chia sẻ mọi điều về những gì đã ám ảnh họ suốt mấy mươi năm qua. Rồi họ được đến chùa, tòa thánh, bảo tàng để người Việt Nam tha thứ, xóa bỏ hận thù trong lòng của cả hai phía.
Họ hiểu ra sự vị tha, bao dung của người Việt trước những lỗi lầm của họ thời trẻ. Và họ trở về như một con người mới: thanh thản, nhẹ nhõm, sống hữu ích hơn, có trách nhiệm hơn với cộng đồng, gia đình và chính bản thân.
Từ chỗ dè dặt, nghi ngờ ban đầu tôi đã dần hiểu ra và cố gắng giúp “Trái tim người lính” cũng như ông Edward Tick, chủ tịch của tổ chức này. Tôi đã mời về Bảo tàng chứng tích chiến tranh nhiều cựu chiến binh, cựu tù chính trị, cựu tù binh để họ cùng gặp gỡ, giao lưu.
Những “kẻ thù cũ” một thời giờ đã có thể ôm nhau, trở thành anh em, bạn bè bao giờ cũng là hình ảnh đầy ý nghĩa… Khi một chú cựu chiến binh già ôm cây đàn guitar cũ mèm, cất giọng hát một bài tiếng Anh “bập bẹ”, họ òa lên khóc! Có người là bác sĩ vật lý trị liệu, xin phép được massage cho các cô chú cựu tù bằng tất cả sự dịu dàng, ân cần đến từng ngón tay…
Các cựu binh Mỹ ghé thăm Bảo tàng Áo dài. Ảnh: Huỳnh Ngọc Vân. |
Chúng tôi đón tiếp họ đến Bảo tàng Áo dài trong một “kịch bản” ngộ nghĩnh: Hai vợ chồng nông dân dẫn đường cho họ vào nhà trên đôi quang gánh rực rỡ hoa súng, hoa lục bình…Thế là họ giành nhau gánh giúp và hết sức ngạc nhiên khi biết trong bữa trưa sẽ được ăn bông súng, lục bình với bún mắm Nam bộ!
Họ rất đỗi tự hào: “Đến 3 tổng thống Mỹ còn chưa được ăn như vậy ở Việt Nam!”.
Hội chứng PTSD đã giày vò hàng trăm nghìn cựu chiến binh Mỹ, Australia, Hàn Quốc… Muốn khắc phục cần có sự quan tâm của chính phủ các nước, các nhà khoa học, bác sĩ, nhà tâm lý học…
Tôi chỉ là một phụ nữ bình thường ở Việt Nam, đang cố gắng giúp họ bằng tất cả những gì tôi có được. Tôi luôn khiến cho họ phải khóc, nhưng nỗi đau khổ, ăn năn, dằn vặt sẽ theo đó trôi đi.
Rồi tôi đã thấy họ cười, bỡ ngỡ, ngượng ngùng, hạnh phúc khi được đón tiếp như những người bạn mới. Quá khứ đau thương đã khép lại. Một trang sách mới đã mở ra với tình thương và sự cảm thông…