Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

John Kerry và định mệnh mang tên Việt Nam

Các trợ lý của John Kerry nói rằng Việt Nam là điểm dừng chân có ý nghĩa nhất trong chuyến đi cuối cùng của ông trong cương vị ngoại trưởng Mỹ.

Ngoại trưởng John Kerry đã bắt đầu chuyến công du từ biệt trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao nước Mỹ.

Chuyến đi của ông, với điểm nhấn chính là châu Âu, đã chọn chặng dừng chân dài: ông bay 22 tiếng để đến Việt Nam trước khi đi Paris để bàn về hoà bình Trung Đông, qua London để gặp ngoại trưởng Anh rồi tới Davos, Thụy Sĩ, để dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF - World Economic Forum).

Kerry va dinh menh mang ten Viet Nam anh 1
Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến đi Cà Mau tháng 12/2013. Ảnh: Thanh Tuấn. 

Điểm dừng ý nghĩa nhất

Các trợ lý của John Kerry nói rằng điểm dừng ở Việt Nam có ý nghĩa nhất trong chuyến đi này. Số phận của ông gắn liền với đất nước Đông Nam Á này trong suốt 50 năm, từ những ngày ông là viên sĩ quan hải quân trẻ ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 1968.

Kerry giành được những huân, huy chương khi chiến đấu ở đây, nhưng chính ông sau đó lại tham gia quyết liệt nhất vào phong trào phản chiến cũng như thúc đẩy bình thường hoá quan hệ hai nước. Và như định mệnh, cuộc chạy đua tổng thống năm 2004 của Kerry cũng bị tác động phút chót bởi những câu chuyện thời chiến.

Việt Nam trở thành tâm điểm của sự nghiệp Thượng nghị sĩ bang Massachussetts, cũng như là ngoại trưởng Mỹ sau này. Trong 4 năm làm ngoại trưởng, hầu như năm nào ông Kerry cũng tới thăm Việt Nam.

Trong chuyến thăm từ biệt này, ngoại trưởng Mỹ sẽ trở về chiến trường xưa ở Cà Mau. Tuy nhiên, báo chí không được đi cùng vì ông Kerry chỉ muốn đây là chuyến đi riêng tư.

Kerry va dinh menh mang ten Viet Nam anh 2
John Kerry trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam năm 1971. Ảnh: Reddit.

 

Hai anh bạn thân của Việt Nam

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại Quốc hội và là nhà ngoại giao lâu năm của Việt Nam, khi nói về quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ đã thừa nhận: “Trong bình thường hoá, chúng ta may mắn có hai anh bạn John. Đó là Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain. Một người là phe Cộng hoà, một người là phe Dân chủ, chúng ta có sự ủng hộ quan trọng từ cả lưỡng đảng.”

Nói một cách khác thì ông Kerry giống như cựu binh của bình thường hoá.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm uỷ ban đối ngoại Quốc hội.

Năm 1991, khi Kerry bắt đầu nhiệm kỳ hai ở Thượng viện Mỹ, ông bắt đầu một việc được coi là đánh bạc với sinh mạng chính trị của mình: đứng đầu Ủy ban về Vấn đề Tù nhân chiến tranh và người Mỹ mất tích (POW/MIA).

Khi đó, vấn đề Việt Nam, nơi duy nhất siêu cường Mỹ từng thất bại trong lịch sử, vẫn là nỗi đau khôn nguôi vàxã hội Mỹ vẫn vật lộn trong “hội chứng Việt Nam”. Một số nghị sĩ hay cựu binh muốn thúc đẩy bình thường hoá hay cải thiện quan hệ với Việt Nam ngay lập tức bị chỉ trích là phản quốc.

Các cố vấn của Kerry khi đó đều khuyên ông nên tránh nhiệm vụ này. Thượng nghị sĩ McCain, một cựu binh khác, khi đó bị các nhóm làm về POW/MIA trực tiếp gọi là phản quốc. “Những thứ nói về ông ta lúc đó còn hơn cả tàn nhẫn”, Kerry kể lại.

Kerry va dinh menh mang ten Viet Nam anh 3
Kerry (trái) đến Việt Nam vào tháng 11/1992 để thảo luận với chính phủ Việt Nam về các quân nhân Mỹ vẫn mất tích trong chiến tranh. Bên cạnh ông là Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai. Ảnh: AFP.

 

Tờ Boston Globe, trong bài hồ sơ dài về chân dung Kerry khi ông ra tranh cử năm 2004 đã gọi bước đi này của ông là đầy “mạo hiểm về chính trị”. Kerry thì thừa nhận đó là “nhiệm vụ không vinh quang gì và chẳng ai muốn”.

Lúc đó, một số nhóm nhỏ các doanh nghiệp và các tổ chức NGO tung ra nhiều lời đồn về các nhà tù bí mật, với mong muốn kiếm lợi trên “hy vọng” của các gia đình cựu binh. “Các bức ảnh giả về tù nhân Mỹ xuất hiện, kể cả trên báo chí chính thống”, tờ báo viết.

Năm 2010, khi tổng kết lại 15 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, Kerry viết rằng “mọi người dễ quên rằng bình thường hoá không hề đến nhanh hay dễ dàng. Đó là tiến trình gian nan đòi hỏi tầm nhìn, sự nỗ lực và nhượng bộ”.

“Những người ủng hộ bình thường hoá có thể bị gán cho là phản quốc ở cả hai nước. Điều nghịch lý là thúc đẩy hoà bình và hòa giải giữa hai nước lại được dẫn dắt bởi những người tham chiến nhiều nhất là những cựu binh”, ông viết.

Từ năm 1991 đến sự kiện bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ năm 1995, Thượng nghị sĩ Kerry đã liên tục có 14 chuyến thăm Việt Nam để xem xét hàng nghìn tài liệu, bức ảnh, các lời khai từ thân nhân, các nhóm cựu chiến binh, cựu quan chức tình báo và nhà ngoại giao, các báo cáo để khẳng định rằng không còn nhà tù bí mật nào tại Việt Nam.

Khi nhắc lại việc này, ông nói công việc POW/MIA đã “dần giúp gây dựng niềm tin và tạo thói quen hợp tác để dọn đường cho bình thường hoá.” Và chính những gia đình của các cựu binh đã “giúp xây dựng sự đồng thuận”.

Kerry va dinh menh mang ten Viet Nam anh 4
Thượng nghị sĩ John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain khi còn trong uỷ ban POW/MIA. Ảnh: AFP.

 

Làm bạn với McCain sau chuyến bay vượt Đại Tây Dương

Cũng trong quá trình này, Kerry đã có thêm một người bạn mà sau này trở thành đồng minh chính trị quan trọng ở phía bên kia của đảng Cộng hoà.

Công việc mà John Kerry và John McCain làm thật sự là một trong những việc ấn tượng nhất chúng ta từng có suốt 50 năm qua.

Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy.

Một trong những người đối đầu với Kerry khi đó là Thượng nghị sĩ McCain của phe Cộng hoà, một cựu binh khác từng chiến đấu tại Việt Nam. Hai người đã có những bất đồng ngay từ trong phong trào phản chiến.

Mùa xuân năm 1991, McCain ngồi đối diện Kerry trên chiếc máy bay vận tải quân sự trong một chuyến công tác tới Trung Đông. Ở Thượng viện, hai người thường dè chừng nhau. Khi đó, ngồi trên máy bay, hai người bắt đầu nói chuyện và theo tự nhiên bắt đầu nhắc về Việt Nam, cuộc chiến mà cả hai ông từng tham gia một thời tuổi trẻ.

McCain nhớ lại rằng khi chiếc máy bay bắt đầu bay qua Đại Tây Dương, Kerry và ông đã kể lại những ký ức của đời mình. Kerry nói:“Tôi hỏi ông ấy rất nhiều, ông ấy cũng hỏi tôi, rồi chúng tôi nói về cảm xúc của nhau về cuộc chiến”. Sau chuyến đi và một lần trò chuyện, hai người trở thành bạn thân của nhau.

Bốn năm sau, vào tháng 7/1995, Kerry và McCain đứng cạnh nhau ở phòng phía Đông của Nhà Trắng khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ sẽ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Giai đoạn cấm vận, căng thẳng sau chiến tranh đã bước sang một trang mới của hợp tác. Việc bình thường hoá quan hệ với Mỹ cũng là tiền đề để Việt Nam vào ASEAN và ký thoả thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) trong cùng năm này.

Năm 2012, ông McCain cũng là một trong những người ủng hộ Kerry nhiệt tình nhất cho chức ngoại trưởng. Thúc đẩy bình thường hoá quan hệ với Việt Nam được coi là bước ngoặt cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị của Thượng nghị sỹ Kerry.

Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy (mất năm 2009, em trai của Tổng thống Kennedy và từng làm tại Thượng viện từ năm 1962) đánh giá: “Công việc mà John Kerry và John McCain làm thật sự là một trong những việc ấn tượng nhất chúng ta từng có suốt 50 năm qua.”

Bốn tháng tham gia chiến tranh ở Việt Nam

Năm 1968-1969, với cấp bậc Đại uý hải quân, Kerry có 4 tháng chiến đấu tại Việt Nam. Ông được về nước sớm sau ba lần bị thương. Trong 4 tháng chiến đấu mà ông chủ yếu là chỉ huy của tàu chiến nhỏ PCF ở khu vực Cà Mau, Kerry giành được một loạt huân chương như Silver Star, Bronze Star và ba Purple Heart.

Bốn tháng ngắn ngủi này cũng đủ để ông thấy điều không đúng của cuộc chiến. Trở về Mỹ, ông cùng Nhóm Cựu binh Việt Nam chống chiến tranh (VVAW) tham gia một loạt hoạt động phản chiến. Xuất hiện trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện năm 1971, ông thẳng thắn chỉ trích chính sách chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là nguyên nhân của các tội ác chiến tranh.

'Tổng thống nào của Mỹ cũng đều theo đuổi lợi ích ở châu Á'

Trong bối cảnh nước Mỹ sẽ có tổng thống và chính quyền mới trong một tuần nữa, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã có trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt - Mỹ thời gian tới.

Ngoại trưởng John Kerry và mối duyên nợ với Việt Nam

Khi phục vụ trong quân ngũ, ông John Kerry đã trở thành người đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam và kéo dài mối duyên nợ đó trong suốt sự nghiệp chính trị.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm