- Tình hình thế giới và khu vực năm 2017 được dự đoán tiếp tục diễn biến khó lường. Đáng chú ý là sự can dự của các nước lớn vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump liệu sẽ có những chính sách mới với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương không? Và nếu có, những chính sách này sẽ tác động thế nào đến khu vực nói chung và với Việt Nam nói riêng?
Hiện có những dự đoán khác nhau về ưu tiên chính sách đối ngoại của Chính quyền mới, tôi cho rằng châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chiếm ưu tiên cao.
Một nhận định khá thống nhất là tương lai thế kỷ 21 nằm ở châu Á - Thái Bình Dương và vì thế, cả thế giới quan tâm và đến châu Á - Thái Bình Dương. Nước Mỹ không phải ngoại lệ.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc. Ảnh: TTXVN. |
Lợi ích Mỹ đa dạng, lâu dài ở châu Á
Lợi ích Mỹ ở đây khá đa dạng bao gồm cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng… Đối với Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương đem lại cơ hội lớn và thách thức cũng lớn.
Trước hết, đó là cơ hội cho phát triển, nâng cao thực lực quốc gia; là nhu cầu phát huy vị trí, vai trò, ảnh hưởng của mình ở đây cũng như tương tác với các đối tác quan trọng ở khu vực. Thách thức với Mỹ là sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng khiến ảnh hưởng, vai trò của Mỹ đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, suy giảm.
Điều rõ là lợi ích của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương có tính lâu dài, ổn định - đó là lợi ích quốc gia, vượt lên trên đảng phái, nên dù đảng nào, tổng thống Mỹ nào nắm quyền cũng đều theo đuổi lợi ích quốc gia đó.
Tuy vậy, trong chiều hướng chung nêu trên, có thể thấy một số điều chỉnh đã tương đối rõ nét. Một là việc xem xét lại các thỏa thuận thương mại đa phương, trong đó có TPP sao cho có lợi nhất cho Mỹ. Song ở đây cũng lưu ý là Mỹ vẫn cần theo đuổi một trật tự kinh tế quốc tế thúc đẩy tự do thương mại.
Hai là tăng cường quan hệ với đồng minh đi đôi với việc đồng minh chia sẻ nhiều hơn trách nhiệm. Ba là tăng cường hơn nữa sự hiện diện quân sự ở khu vực. Sắp tới, có thể còn có những điều chỉnh khác nữa.
Những điều chỉnh đó sẽ có tác động đến khu vực, ở mức độ khác nhau trên từng lĩnh vực và từng đối tác. Song tôi cho rằng, nước Mỹ cũng cần một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng phát triển. Các nước ở khu vực đều trông đợi Mỹ sẽ tiếp tục là một đối tác có trách nhiệm, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực này.
Tổng thống đắc cử Mỹ đã tuyên bố sẽ xem xét lại các thỏa thuận thương mại của Mỹ, trong đó có TPP. Ảnh: Reuters. |
Nhất quán coi trọng quan hệ với Mỹ
- Trong bối cảnh đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Mỹ trong năm 2017 liệu có thay đổi nào đáng kể không, nhất là trong bối cảnh Mỹ sẽ có Tổng thống mới?
Từ chỗ là “cựu thù”, từ năm 1995, Việt Nam và Mỹ đã xây dựng quan hệ hợp tác và từ năm 2013, trở thành Đối tác toàn diện, trên tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.
Trên cơ sở chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của Việt Nam, chúng ta khẳng định chính sách nhất quán coi trọng quan hệ với Mỹ; sẵn sàng cùng Chính quyền mới nỗ lực để phát huy thành quả đạt được trong 8 năm qua và đưa quan hệ phát triển hơn nữa, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, con đường phát triển của nhau, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, hợp tác cùng có lợi, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương…
Tinh thần này được thể hiện rõ trong điện mừng của lãnh đạo cấp cao ta gửi Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 9/11/2016 cũng như trong nội dung điện đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống đắc cử Trump ngày 12/12/2016.
Trong lúc chính quyền mới ở Mỹ cần có thời gian để lập nội các và định hình chính sách, chúng ta cần chủ động hơn nữa trong việc thúc đẩy hợp tác trên 9 trụ cột quan hệ Đối tác toàn diện, từ chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng - an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh, cho đến văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, quan hệ giữa các địa phương…, duy trì và thậm chí đẩy mạnh hơn đà phát triển quan hệ đã được tạo ra thời gian qua.
Nỗ lực thu hút các nhà đầu tư
- Cuối cùng, xin Thứ trưởng đánh giá chiều hướng quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới?
Thời gian qua, hai bên đã xây dựng được nền tảng quan hệ hợp tác cùng có lợi khá sâu rộng và vững chắc, với nhiều cơ chế hợp tác cụ thể, trên cả bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Tôi tin rằng với quyết tâm chính trị từ cả hai phía, quan hệ Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, vì tiềm năng của quan hệ còn lớn.
Việt Nam cùng với các đối tác, trong đó có Mỹ, chia sẻ mong muốn duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; duy trì xu thế đa cực và dân chủ hóa ở khu vực, cũng như duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các thể chế ở khu vực, giữ ASEAN mạnh, đoàn kết, quan hệ cân bằng với các nước lớn, đối tác bên ngoài.
Trong quan hệ song phương, chúng ta tiếp tục triển khai các cơ chế hợp tác đã có giữa hai nước, trao đổi đoàn các cấp, trong đó có cấp cao. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là trọng tâm và động lực của quan hệ.
Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư Mỹ, tăng cường thương mại hai chiều. Nền kinh tế Việt Nam và Mỹ có thể bổ sung cho nhau và tiềm năng hợp tác vẫn còn rất lớn. Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là lĩnh vực ưu tiên.
Trên bình diện khu vực và quốc tế, chúng ta tiếp tục duy trì các cơ chế hợp tác với phía Mỹ về chống khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.