Báo New York Times dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giao cho biết một công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quyết định của ông Trump là “không chấp nhận ngoại lệ”. Theo đó, nhiều đại sứ được yêu cầu nộp đơn từ chức vào trước ngày 20/1.
Điều này có thể khiến ghế đại sứ tại những quốc gia quan trọng với Mỹ như Đức, Anh, Canada… bị bỏ trống trong hàng tháng trời trong khi chờ đợi một đại sứ mới được đề cử và phê chuẩn ở Thượng viện.
Cứng rắn đúng quy trình
Các đại sứ Mỹ đều do tổng thống đề cử và phải được Thượng viện phê chuẩn. Ứng viên cho chức vụ này được chọn từ 2 nguồn: những nhà ngoại giao chuyên nghiệp và các “bổ nhiệm chính trị”.
Những đại sứ có thâm niên trong ngành ngoại giao chiếm số lượng khoảng 2/3 (như trường hợp Đại sứ Ted Osius tại Việt Nam). Họ sẽ kết thúc nhiệm kỳ theo thời hạn mà quy định trong ngành.
Đại sứ Mỹ tại Đức John B. Emerson đón Tổng thống Obama đến Berlin hồi tháng 11. Ảnh: AFP. |
Còn những “bổ nhiệm chính trị” chiếm 1/3, phần lớn họ là những nhà tài trợ lớn cho các chiến dịch tranh cử của tổng thống hoặc của đảng. Việc bổ nhiệm đại sứ được cho là "phần thưởng". Do vậy, nhiệm kỳ của những người này sẽ kết thúc theo nhiệm kỳ của tổng thống.
Trong quá khứ, những tổng thống đắc cử dù ở đảng phái nào cũng đều “bật đèn xanh” cho một số ngoại lệ. Việc này nhằm giúp các vị đại sứ mà chính quyền cũ bổ nhiệm có thêm thời gian thu xếp việc nhà hoặc những mối quan hệ ngoại giao quan trọng; trong khi chờ Thượng viện thông qua đề cử đại sứ mới.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin L. Powell của đảng Cộng hoà được cho là rất hào phóng khi chấp thuận những đề nghị xin gia hạn của các đại sứ. Điều này một phần xuất phát từ những trải nghiệm của ông khi đi nhận nhiệm vụ ở nhiều nơi trên thế giới.
Do vậy, mệnh lệnh quyết liệt của ông Trump tiếp tục là điều chưa có tiền lệ. Một nhân vật cao cấp trong nhóm chuyển tiếp của Trump khẳng định họ không có thành kiến hay động cơ nào trong việc buộc những đại sứ thuộc nhóm “bổ nhiệm chính trị” phải kết thúc nhiệm kỳ trước ngày 20/1.
Người này cho rằng đây là cách để bảo đảm các vị đại sứ có thể rời chính quyền theo đúng kế hoạch.
Các đại sứ hoang mang
Chỉ thị của Trump khiến cuộc sống của nhiều đại sứ bị xáo trộn, đặc biệt là những người đi nhận nhiệm vụ cùng gia đình. Vào những ngày gần hết nhiệm kỳ, họ cố gắng sắp xếp cuộc sống riêng và xin gia hạn thị thực để bảo đảm con cái không bị gián đoạn việc học tại nước sở tại.
Đại sứ Mỹ tại Bỉ Denise Bauer với Thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo. Bà Bauer được cho là đang xin gia hạn để ở lại Bỉ cho đến khi con gái tốt nghiệp phổ thông. Ảnh: AFP. |
Tại Costa Rica, đại sứ Stafford Fitzgelard Haney đang tìm kiếm một ngôi nhà cho cả gia đình gồm vợ chồng ông cùng 4 người con. Một số người cho biết đại sứ Haney đang tìm cách để không phải về nước đúng thời hạn nhằm bảo đảm các con có thể hoàn tất việc học ở Costa Rica, khi khoá học chỉ còn 5 tháng là kết thúc.
Tại Cộng hoà Czech, Đại sứ Andrew H. Schapiro cũng đang tìm thuê nhà ở Prague, đồng thời vận động một trường ở Chicago (Mỹ) có thể phá lệ để nhận các con ông vào học từ giữa năm 2017 sau khi gia đình đã về nước.
Đại sứ Pamela Hamamoto (Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc ở Geneva) thì được cho là đang tìm cách để các con của bà có thể tốt nghiệp phổ thông xong tại nước sở tại.
Xét về lý, ông Ronald E. Neumann (Chủ tịch Học viện Ngoại giao Mỹ) cho rằng hoàn toàn hợp lý khi yêu cầu các đại sứ phải về nước đúng nhiệm kỳ vì họ là người đại diện trực tiếp của tổng thống và được trao nhiều quyền hạn. Nhưng ông nói chưa bao giờ quy định này lại được áp dụng chặt chẽ như thời của Trump.
“Tôi không thể nhớ được chuyện này đã từng xảy ra hay chưa. Nó như một phán quyết đinh đóng cột là đến tháng 1 thì tất cả mọi người đều phải rời đi”, ông Neumann, cựu đại sứ Mỹ tại Algeria, Bahrain và Afghanistan, nói.
Ông W. Robert Pearson, cựu đại sứ Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chỉ thị của Trump “rất khác biệt”. “Sự thay đổi vội vã này có thể làm tăng thêm nỗi lo lắng trong các đồng minh của chúng ta về mối quan hệ với chính quyền mới”.