Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có báo cáo tổng kết tình hình giao dịch trong tháng 1 với sự đối lập về mặt chỉ số và thanh khoản thị trường.
Theo đó, VN-Index kết thúc tháng giao dịch đầu tiên của năm mới tăng 10,34% lên mức 1.111,18 điểm nhưng vẫn đang giảm gần 25% tính trong một năm. Rổ vốn hóa lớn nhất VN30 thậm chí tăng 11,93% so với tháng trước lên 1.125,07 điểm.
Các chỉ số ngành đều ghi nhận mức tăng, nổi bật được thể hiện tại các chỉ số ngành nguyên vật liệu (VNMAT) tăng 19,29%; ngành tài chính (VNFIN) tăng 13,13%; ngành công nghiệp (VNIND) tăng 12,18%.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường lại lao dốc với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 579,96 triệu cổ phiếu và 10.494 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 28,1% và 25,5% về so với tháng 12/2022.
Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch (chưa bao gồm giao dịch lô lẻ) trong tháng đạt trên 9,2 tỷ cổ phiếu với giá trị giao dịch đạt 167.907 tỷ đồng, cũng giảm lần lượt 47,7% về khối lượng và 45,8% so với tháng trước. Đây là tháng có kỳ nghỉ Tết Âm lịch.
Các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất. Nguồn: HoSE. |
Cổ phiếu được giao dịch lớn nhất vẫn là HPG của Hòa Phát với hơn 9.000 tỷ đồng đã sang tay, đồng thời là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng lớn nhất hơn 1.400 tỷ đồng. Xếp phía sau là các cổ phiếu ngành tài chính như LienVietPostBank, VNDirect, SHB, VPBank với giá trị khoảng 5.500-8.100 tỷ đồng.
Giao dịch chứng quyền có bảo đảm (CW) đạt khoảng 21,22 triệu đơn vị với giá trị bình quân hơn 9,9 tỷ đồng mỗi phiên; tương ứng giảm 42,88% về khối lượng bình quân và giảm 11,07% về giá trị bình quân so với tháng 12/2022.
Tổng khối lượng và giá trị giao dịch trong tháng lần lượt đạt 339,61 triệu CW và 158,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 58,46% về khối lượng và giảm 35,32% về giá trị giao dịch so với tháng 12/2022.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng đạt trên 34.344 tỷ đồng, chiếm hơn 10,2% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng với giá trị hơn 2.702 tỷ đồng.
Xét về quy mô, sàn HoSE có tổng cộng 504 mã chứng khoán niêm yết. Trong đó gồm 403 mã cổ phiếu, 3 mã chứng chỉ quỹ đóng, 11 mã chứng chỉ quỹ ETF và 87 mã chứng quyền có bảo đảm.
Tổng khối lượng cổ phiếu đang niêm yết gần 141,5 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa theo đó đạt hơn 4,43 triệu tỷ đồng, tăng gần 10,4% so với tháng trước, chiếm hơn 94,2% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 46,6% GDP năm 2022 theo giá hiện hành.
Đến hết tháng 1, sàn HoSE có 38 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, tăng thêm 1 thành viên so với tháng 12 liền trước. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn là doanh nghiệp duy nhất có vốn hóa trên 10 tỷ USD.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...