Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiến sĩ luật viết sách về bi kịch của du học sinh

Từng là du học sinh trên nước Pháp nên Amanda Huỳnh hiểu thấu những khó khăn mà các du học sinh Việt phải trải qua. Cô quyết định đưa những điều đó vào cuốn sách sắp phát hành.

Nhắc đến cuốn sách Phố đàn bà ra mắt năm 2015, không thể không nhắc đến Amanda Huỳnh. Là tiến sĩ Luật, tưởng như hơi khô cứng nhưng cô có tâm hồn nghệ sĩ, thích vẽ và viết lách.

Gặp cô vào một buổi chiều, Amanda Huỳnh khoe vừa hoàn thành xong phần thiết kế bìa, chuẩn bị cho cuốn sách thứ 2 mang tên Lam.

Thành công nhờ chăm chỉ và cố gắng

Sau khi tốt nghiệp ngành Cử nhân Luật trường ĐH Luật TP HCM, Amanda Huỳnh nhận được học bổng du học Thạc sĩ chuyên ngành Luật thương mại tại Đại học Capitole I, Toulouse - Pháp. Bốn năm sau đó, cô tiếp tục lấy được bằng Tiến sĩ chuyên ngành Luật kinh tế cũng tại Đại học Capitole I. Hiện, cô mở văn phòng luật sư riêng ở Pháp.

Tien si Luat viet ve bi kich cua du hoc sinh anh 1
 Amanda Huỳnh yêu thích viết lách và vẽ. Ảnh: NVCC

Amanda Huỳnh chia sẻ, cô sang nước ngoài sau khi học xong đại học trong nước. Được học bổng nhưng ngoại ngữ lẫn kiến thức luật của nước sở tại cô lại không được trang bị kỹ càng. Ngành luật kinh tế lại là một trong những ngành luật tư khó nhất của Pháp. Lúc khăn gói ra đi, Amanda Huỳnh đã linh cảm chuyến này “lành ít dữ nhiều”, nhưng cô gái có vóc dáng bé nhỏ đã tự an ủi mình: “Cứ đi sẽ đến, cứ làm sẽ được, không được cũng không sao”.

Trong ba tháng đầu lên lớp, các giáo sư hoàn toàn không nhắc lại kiến thức đại học mà đi thẳng vào phân tích các chủ đề chuyên sâu nên cô không hiểu, cảm giác lúng túng. Những ngày sau đó, Amanda Huỳnh quyết định không chép bài mà chỉ tập trung ngồi nghe và mượn tập của bạn, tối về lại cặm cụi viết lại theo dàn ý riêng của mình. Cô đã phải trải qua những chuỗi ngày dài làm việc xuyên đêm như thế trong một năm mới có thể giao tiếp tốt với bạn bè xung quanh.

Mang bi kịch của du học sinh vào sách

Tuy nhiên, Amanda chia sẻ, rào cản về ngôn ngữ chỉ là một phần nhỏ trong vô số những khó khăn khác mà bản thân cô cũng như du học sinh phải trải qua. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ để con đi du học là tốt. Thực tế, nhiều sinh viên đặt chân đến Pháp vừa bất ngờ, hoang mang, áp lực khi phải đối điện với các khoản tiền học phí, chi phí sinh hoạt,… đắt đỏ của Paris. Chính vì thế, nhiều người phải tìm việc làm thêm.

Các bạn thường chọn những nhà hàng Châu Á để xin việc. Tuy nhiên, mức lương nhà hàng trả thường thấp hơn so với quy định. Nhiều chủ nhà hàng còn lợi dụng tâm lý muốn làm thêm của sinh viên để ăn bớt  tiền lương hoặc giao cho họ những công việc nặng nhọc, quá thời gian quy định. Nhiều sinh viên vì phải đi làm kiệt sức rồi dẫn đến nợ môn, bỏ học,… thậm chí có bạn còn bị trục xuất về nước vì đi làm quá thời gian cho phép đối với một sinh viên quốc tế.

Tien si Luat viet ve bi kich cua du hoc sinh anh 2
Amanda Huỳnh dự định ra mắt tác phẩm mới trong tháng 6. Ảnh: NVCC

Từ trải nghiệm sau những năm tháng sống ở Paris, Amanda quyết định cho ra đời cuốn sách Lam. Quyển sách của chị là tập hợp nhiều truyện ngắn, tản văn, tranh vẽ được hoàn thành trong một khoảng thời gian dài. Đó là những câu chuyện không có khởi đầu, không có kết thúc như những hoàn cảnh du học sinh đầy bi kịch vẫn còn đang tiếp nối nơi xứ người.

Nhân vật chính của các mẩu truyện hay tản văn trong Lam đều là những người trẻ, với tất cả những tình cảm, yêu thương, đau khổ, những dằn vặt lẫn phân vân, những hoang mang nhất định trước quá nhiều thử thách của cuộc sống.

Điều đặc biệt, họ đang sống ở nước ngoài, cuộc sống xa nhà làm họ trở nên lạc lõng và chới với vì những rào cản, khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ.

Điểm thú vị của Lam đó chính là những bức họa đầy màu sắc được chính tay Amanda vẽ và đưa vào trong cuốn sách. Những ngày tháng du học trên đất Pháp, nhất là mỗi khi buồn cô thường hay vẽ tranh. Hiện tại, số tranh cô sở hữu có khoảng trên dưới 120 bức sơn dầu lớn, hơn 200 bức tranh màu nước và khoảng 350 tranh ký hoạ.

N. Hằng

Bạn có thể quan tâm