Thị trường Việt Nam vài năm trở lại đây chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán và sáp nhập lớn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
"Việc tìm kiếm nguồn vốn ở bên ngoài đang là xu hướng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam", chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan chia sẻ tại hội thảo "Ngành hàng tiêu dùng và phân phối: Xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức mới đây.
Đợt sóng mới từ nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc
Tại hội thảo, TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) cho biết năm ngoái thị trường chứng kiến một đợt sóng M&A mới hình thành do các nhà đầu tư Nhật Bản dẫn dắt với các thương vụ nổi bật như Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) chi 1,45 tỷ USD mua 15% cổ phần tại VPBank.
Hay Tập đoàn Nhật Bản Sojitz thông qua Sojitz Asia Pte.Ltd. và Công ty TNHH Sojitz Việt Nam mới đây cũng vừa mua lại toàn bộ CTCP Đại Tân Việt (New Viet Dairy) - công ty phân phối thực phẩm lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, Sojitz cũng đầu tư vào Vinamilk (500 triệu USD) và chuỗi cửa hàng Ministop của Aeon Mall.
Theo ông, sở dĩ có xu hướng này là do giá trị đồng yen Nhật đang giảm, khiến các doanh nghiệp Nhật Bản tìm cách mang tiền của họ đi đầu tư nước ngoài. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường được nhiều nhà đầu tư tại đất nước mặt trời mọc nhắm đến.
Ông dự báo rằng xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là với các lĩnh vực như logistics, chuỗi cung ứng lạnh...
TS Nguyễn Tuấn Anh (Đại học RMIT Việt Nam) phát biểu tại hội thảo về xu hướng M&A và chiến lược đầu tư gọi vốn cho doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: BSA. |
Ngoài các nhà đầu tư từ Nhật Bản, các chuyên gia đều cho rằng thị trường M&A năm nay sẽ tiếp tục sôi động với sự tham gia của các nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Trung Quốc... Khẩu vị của các nhà đầu tư này đều nhắm tới những doanh nghiệp có chiến lược đầu tư sản phẩm ổn định và lâu dài.
Trên thực tế, theo ghi nhận của Tri Thức - ZNews, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) vài tháng trở lại đây vẫn tiếp tục ghi nhận nhiều thương vụ giá trị "khủng".
Mới nhất vào cuối tháng 2, Home Credit công bố ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp tại Home Credit Việt Nam cho bên mua là The Siam Commercial Bank (SCB), thành viên của SCBX (trụ sở tại Thái Lan). Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro (gần 870 triệu USD).
Trước đó, Thomson Medical Group của tỷ phú Singapore Peter Lim mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD. Đây là giao dịch có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á từ năm 2020 đến nay và cũng là lớn nhất lịch sử ngành y tế Việt Nam.
Luật sư Đào Tiến Phong của Công ty tư vấn InvestPush nhận định nhóm ngành về giáo dục, y tế và FMCG đang được nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
"Thị trường M&A từ cuối năm ngoái đến nay bùng nổ trở lại. Hiện chúng tôi đã nhận được 5 thương vụ, trong đó có 1 thương vụ đã hoàn tất và 4 thương vụ đang trong quá trình đàm phán", ông chia sẻ.
Ông Phong còn tiết lộ nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang quan tâm tới các thương vụ M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, khẩu vị của họ lại nhắm đến các nhà sản xuất có sẵn đơn hàng đi Mỹ, châu Âu.
Nên mừng hay lo?
Trên thực tế, theo TS Nguyễn Tuấn Anh, sự sôi động trên thị trường M&A một phần xuất phát từ chính nội tại của các doanh nghiệp nội địa. Khi nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản và kêu gọi đầu tư để giải quyết sức ép về tài chính.
Luật sư Đào Tiến Phong cho biết Công ty tư vấn InvestPush đang có 4 thương vụ M&A đang đàm phán. Ảnh: BSA. |
Với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp ngoại thực hiện M&A tại Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cũng cho biết bản thân rất hoan nghênh khi các doanh nghiệp củng cố năng lực bằng cách bán một phần vốn hợp tác với các nhà đầu tư để cùng phát triển.
Tuy nhiên, bà rất lo ngại khi nhiều nhà đầu tư phải "bán mình" cho các đối tác nước ngoài và rút lui khỏi thị trường. Bà nhấn mạnh rằng nếu nhiều doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi xu hướng này thì sẽ làm suy yếu nội lực của nền kinh tế Việt Nam.
"Một số ngành hàng Việt Nam đang có vị thế nhất định kể cả trong nước lẫn xuất khẩu có thể bị rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có thể khiến cho thị trường trong nước bị chi phối. Chúng ta không thể có nền kinh tế trung bình cao hay cao nếu không chịu tự lực tự cường mà chỉ dựa vào đầu tư nước ngoài", bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng lưu ý doanh nghiệp về vấn đề định giá trong các giao dịch. Ngoài các thương vụ giá trị lớn được công bố, Luật sư Đào Tiến Phong nhấn mạnh thời gian qua thị trường chứng kiến không ít thương vụ bị "ép giá".
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông lấy ví dụ về một thương vụ nhà đầu tư Đài Loan mua lại một doanh nghiệp may mặc cách đây không lâu. Ông cho biết định giá ban đầu của thương vụ là 18 triệu USD, nhưng sau đó bên mua yêu cầu hạ xuống còn 16 triệu USD.
"Khi biết bên bán cần tiền, bên mua chấp nhận sẽ giúp họ trả nợ trước. Chính vì yếu thế và cần tiền nên trong quá trình làm thẩm định về pháp lý và tài chính, bên mua đã đưa ra rất nhiều yêu cầu và cho rằng rằng giá trị 18 triệu USD kia là không đúng. Do đó, họ đã yêu cầu ép giảm giá xuống còn 16 triệu USD", ông kể.
Để tránh những điều này, bà Huỳnh Thanh Bình Minh - Giám đốc Quỹ Tael Partners cho rằng bản thân mỗi doanh nghiệp nên hoạch định sẵn kế hoạch huy động vốn và dự phòng cho các rủi ro có thể xảy ra.
Đồng thời, bà cũng khuyến nghị doanh nghiệp gọi vốn nên thuê tư vấn tài chính chuyên nghiệp để rà soát lại kết quả kinh doanh và hỗ trợ xây dựng chiến lược 3-5 năm. Điều này giúp nâng cao giá trị của doanh nghiệp trước khi tham gia vào các giao dịch.
"Mức phí dành cho đơn vị tư vấn thường dao động 1,5-5%, tuỳ theo giá trị và quy mô. Các đơn vị tư vấn tài chính sẽ giúp doanh nghiệp định giá chính xác cho giao dịch, đồng thời thuyết phục bên mua nhanh chóng tiến tới ký kết hợp đồng", bà chia sẻ thêm.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.