Tiến Linh là cầu thủ gần đây nhất phá lưới một đội tuyển của Trung Quốc. Đó là khi U22 Việt Nam có trận giao hữu với U22 Trung Quốc trên đất khách hồi tháng 9/2019. Đặc biệt hơn, đội bóng đó do HLV Guus Hiddink dẫn dắt. Tiến Linh ghi cả hai bàn ở trận đó.
Thất bại 0-2 trước U22 Việt Nam trên sân nhà khiến tuyển trẻ Trung Quốc phải chịu nhiều chỉ trích. Ông Park có chiến thắng trước người đàn anh ở World Cup 2002. Còn các cầu thủ trẻ như được tiếp thêm sức mạnh khi luôn ở "chiếu dưới" so với nền bóng đá láng giềng.
Hồ Tấn Tài được xem là đối tác số một của Tiến Linh khi cả hai tỏa sáng trong trận thắng U22 Trung Quốc năm 2019. Ảnh: IC. |
Tuy nhiên, cấp độ đội tuyển quốc gia là câu chuyện khác. Tuyển Trung Quốc có đến 4 cầu thủ nhập tịch và tiền đạo Wu Lei đang chơi cho Espanyol ở La Liga (Tây Ban Nha). Sút tung lưới của tuyển Trung Quốc không dễ dàng như ở cấp độ U22.
Bản thân tiền đạo của CLB Bình Dương cũng hiểu rõ điều này. "Ở vòng loại thứ ba, các đối thủ đều thuộc đẳng cấp hàng đầu châu Á. Tôi chỉ đặt mục tiêu cá nhân và hy vọng đội tuyển đạt kết quả tốt trước các đối thủ mạnh", Tiến Linh từng phát biểu trước khi mở màn lượt trận thứ nhất.
5 bàn ở vòng loại thứ hai cho thấy cầu thủ sinh năm 1997 có cảm giác ghi bàn rất tốt. Tuy nhiên, 3 trong 4 đối thủ ở bảng G đến từ khu vực Đông Nam Á. Riêng với UAE, tiền đạo này ghi 2 bàn, trong đó có pha lập công đẳng cấp ở sân Mỹ Đình, mang về 3 điểm quý giá để tuyển Việt Nam đi đến vòng đấu tiếp theo.
Thực tế ở vòng loại thứ ba cho thấy Tiến Linh vẫn đang đi tìm bóng. Trong sơ đồ cắm một tiền đạo và nghiêng về phòng thủ, cầu thủ mang áo số 22 chưa có cơ hội nào rõ ràng trước Saudi Arabia và Australia. Trong hai thất bại đó, Tiến Linh chưa thể hiện được khả năng cầm bóng và xoay sở một mình trước hàng thủ của đội bạn.
Trợ lý CLB Bình Dương Nguyễn Thanh Sơn cho Zing biết: "Điểm mạnh của Linh là chạy chỗ, di chuyển không bóng và đánh đầu. Cậu ấy cần một đối tác để có thể phát huy điểm mạnh vốn có. Tôi ví dụ như Hồ Tấn Tài ngày xưa ở Bình Dương, hai đứa phối hợp rất nhịp nhàng".
Nhắc đến Tấn Tài là nhắc đến người đã có hai đường kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn vào lưới U22 Trung Quốc cách đây hai năm. Những pha dốc biên, quan sát của Tấn Tài tạo ra khác biệt trong trận đấu đó. Anh biết được nhịp cũng như đà di chuyển của người đồng đội bên trong để tung ra cú tạt chính xác nhất cho Tiến Linh.
Bốn tuyển thủ Việt Nam từng thắng U22 Trung Quốc là Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài, Nguyễn Văn Toản và Nguyễn Hoàng Đức. Ảnh: IC. |
"Tấn Tài với Tiến Linh là cặp bài trùng khi còn ở CLB Bình Dương. Hai đứa quen nhau từ lứa trẻ nên rất hiểu ý. Em ấy cũng ở đội tuyển nhưng có thể HLV Park Hang-seo còn những lựa chọn khác tốt hơn nên Tấn Tài chưa được thi đấu nhiều. Tiến Linh cần phải độc lập tác chiến một mình", ông Sơn nói.
Cái duyên của Tiến Linh có lẽ cần phải chờ một khoảnh khắc xuất thần như anh từng ghi bàn vào lưới UAE trên sân Mỹ Đình. Đó là cú sút bất ngờ từ khoảng cách hơn 30 m ngoài vùng cấm địa. So với Trung Quốc, tuyển Việt Nam vẫn ở cửa dưới. Đối thủ có đủ lý do để tấn công, áp đặt thế trận và Tiến Linh có lẽ phải tiếp tục hoạt động độc lập ở phía trên.
Một thống kê không khả quan là trong cả 6 trận gần nhất gặp nhau, tuyển Việt Nam đều thua. Tiền đạo ghi bàn vào lưới tuyển Trung Quốc gần nhất là Lê Công Vinh hồi năm 2010. Vinh đã giải nghệ từ cuối năm 2016. Tiến Linh là người được kỳ vọng tiếp bước đàn anh.