Tiền của Trung Quốc đi đâu?
Đôi lúc, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP. Một số người có thể thắc mắc tại sao điều này lại xảy ra? Tiền đã chảy đi đâu?
Liệu có phải Trung Quốc đã bước vào "thời điểm Minsky" - thuật ngữ được dùng để chỉ những thời kỳ đầu cơ dẫn đến khủng hoảng - hay không?
Trong một nghiên cứu mới được công bố, chuyên gia Ting Lu của ngân hàng Bank of America cho rằng điều này đã làm dấy lên câu hỏi liệu có phải tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang ở mức cao hơn so với dự báo. Nếu như số tiền được đầu tư vào các dự án chỉ nằm trên giấy nhiều hơn số tiền được cấp thông qua các khoản vay có trả lãi, hiện tượng đầu cơ trầm trọng hơn nhiều so với những gì người ta vẫn tưởng.
“Đầu cơ bất động sản và số 'công ty xác chết' ngày càng tăng lên”, Ting Lu coi đây là một trong những lý do gây nên tình trạng chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP hiện nay. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, có thể thấy khoảng cách chênh lệch nhỏ hơn các con số được đưa ra trước đây (do một số phần được tính hai lần và một số nguyên nhân khác). Đồng thời, phần lớn chênh lệch có nguyên nhân xuất phát từ các thay đổi hợp lý trong cấu trúc nền kinh tế và những yếu tố ngắn hạn.
Theo Lu, phần chênh lệch 12 điểm phần trăm có thể được phân chia thành các phần: 2,7 điểm phần trăm do tính trùng khoản vốn được cấp qua các kênh phi ngân hàng; 1 điểm phần trăm của khoản vay ngoại tệ được sử dụng để phòng ngừa trường hợp tỷ giá thay đổi; 0,3 điểm phần trăm cho các khoản vay bằng nhân dân tệ được sử dụng để làm giả số liệu xuất nhập khẩu; 1,5 điểm phần trăm đổ vào các “công ty xác chết” (kết quả của khoản đầu tư tồi); 3,5 điểm phần trăm đến từ các thay đổi cơ bản như tự động hóa và tái cân bằng nền kinh tế. Cuối cùng, 3 điểm phần trăm đến từ các nhân tố trong ngắn hạn như giá hàng hóa biến động ngày càng mạnh và tín dụng được cấp dễ dàng (và rẻ) hơn.
Tuy nhiên, Wei Yao – chuyên gia đến từ ngân hàng Societe Generale – lại không lạc quan đến vậy. Trong một nghiên cứu mới đây, Yao đã sử dụng phương pháp tính toán của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) để tính toán tỷ lệ nợ của Trung Quốc.
Kết quả là, bà tính ra tỷ suất trả nợ (debt service ratio) của Trung Quốc ở mức 38,6%, trong đó 9,2% là tiền trả lãi, phần còn lại là trả gốc. Ở mức này, không còn nghi ngờ gì nữa, tăng trưởng tín dụng tăng vọt trong khi không thể tạo ra tăng trưởng thực!
Mặc dù cho rằng có thể tỷ suất trả nợ của Trung Quốc thấp hơn so với tính toàn của bà, Yao vẫn tin rằng một phận các doanh nghiệp đang mất khả năng trả cả nợ và lãi. Điều này giống với mô hình Ponzi.
Hai nghiên cứu trên có ý nghĩa như thế nào đối với Trung Quốc?
Lu không cho rằng Trung Quốc đang cận kề với một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, cải cách là điều bắt buộc. "Theo quan điểm của chúng tôi, chính phủ Trung Quốc cần phải có trách nhiệm hơn trong các dự án cơ sở hạ tầng, chuyển gánh nặng nợ của địa phương lên trung ương, xây dựng thị trường trái phiếu địa phương hoạt động hiệu quả, cải thiện các luật lệ quan trọng, tái cơ cấu thị trường chứng khoán để khởi động lại hoạt động IPO và cuối cùng là tạo điều kiện để khu vực tư nhân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn”.
Lu cũng nhận định mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP sẽ được thu hẹp xuống dưới mức 3 điểm phần trăm trong vòng 2 năm tới.
Trong khi đó, Yao cho rằng nguyên nhân gây nên tình trạng hiện nay là do chính phủ hỗ trợ quá nhiều cho hệ thống ngân hàng (không phải hệ thống ngân hàng trong bóng tối) và các chính phủ địa phương.
Trong khi điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ về kịch bản hạ cánh cứng, Yao nhận định dấu hiệu tốt là thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc đã dễ dàng chấp nhận tăng trưởng chậm lại. Mặc dù vậy, bà dự đoán chắc chắn tình trạng doanh nghiệp vỡ nợ, nợ xấu tăng lên và khan hiếm tín dụng sẽ còn xảy ra trong vài năm tới.
Theo CafeF