Nóng cổ phiếu chứng khoán
Liên tiếp các phiên giao dịch ngàn tỷ đang đẩy giá chứng khoán đi lên. Phiên giao dịch 4/12 có 1.600 tỷ đồng trên giao dịch trên hai sàn chứng khoán. Trong phiên liền trước (3/12), thị trường chứng khoán (TTCK) cũng đã chứng kiến hơn 2.000 tỷ đồng được đổ vào các cổ phiếu.
Chuỗi ngày giao dịch tăng giá liên tục đã huy động hàng chục nghìn tỷ đồng tiếp tục đổ vào các mã cổ phiếu trên sàn đã hâm nóng thị TTCK, mang đến kỳ vọng về một đợt tăng giá dài hơi hơn hoặc ít nhất cũng là một đợt sóng giống như cuối năm ngoái-đầu năm nay.
Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào cổ phiếu đẩy chứng khoán lên giá mỗi phiên đã khiến không ít đại gia đã đầu tư cổ phiếu đang rung đùi chờ những món tiền tỷ từ lãi hoặc hoàn nhập dự phòng. |
Dòng tiền mạnh mẽ chảy vào thị trường, đặc biệt là dòng tiền vào các mã cổ phiếu chứng khoán và các DN có hoạt động đầu tư tài chính cho thấy một sự lạc quan tương đối dài hạn của giới đầu tư về thị trường nói chung.
Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước gần đây cũng cho rằng TTCK Việt Nam đang đứng ở chân một con sóng dài. Thị trường này có thể sẽ được hưởng lợi từ các chính sách nới lỏng hơn đối với dòng vốn ngoại, từ một nền kinh tế có thể khởi sắc hơn nhờ hội nhập sâu hơn vào thế giới trong tương lai…
Tất cả mới chỉ là dự đoán, có thể đúng, có thể sai nhưng rõ ràng sự xuất hiện khá ổn định của các phiên giao dịch vài nghìn tỷ và hàng loạt các cổ phiếu tăng gấp đôi, gấp ba trong một thời gian ngắn đang nuôi dưỡng những kỳ vọng nói trên.
Chỉ tính riêng trong tháng 11/2013, VN-Index đã tăng 10,4 điểm (2%) và tính từ đầu năm chỉ số này tăng 22,74%. HNX-Index trong khi đó tăng 5,75% so với tháng trước và tăng 14,19% so với đầu năm. Đó là thị trường chung. Còn xét theo mã cổ phiếu, riêng trong tháng 11/2013, TTCK chứng kiến vài chục mã tăng từ 1,5-3 lần. Trong đó, có nhiều mã tăng trần 10-20 phiên trần liên tiếp trong tháng này như: VNH, VPC, SGT, DCT, PXM, ICF.
Khoản hời không dám nghĩ đến
Dòng cổ phiếu chứng khoán đáng được hưởng những phiên tăng giá mạnh như vậy và có thể còn nhiều phiên nữa. Lý do đơn giản là bởi, khi TTCK sôi động, với những phiên giao dịch nhiều nghìn tỷ như vậy, doanh thu môi giới của các CTCK hiển nhiên sẽ tăng lên. Đó là chưa nói tới các khoản hoàn nhập dự phòng do các cổ phiếu mà CTCK sở hữu tăng giá liên tục trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, nhiều CTCK có thể “thắng” nhờ hoạt động tự doanh.
Với sự sôi động của thị trường cùng với việc giá nhiều cổ phiếu tăng vọt, lợi nhuận của nhiều CTCK và các DN có hoạt động đầu tư cổ phiếu ghi nhận trong quý IV này được dự báo sẽ tăng đột biến.
Bên cạnh đó, với hàng loạt các dự báo lạc quan của các tổ chức, truyền thông, chuyên gia… trong và ngoài nước, triển vọng của TTCK nói chung và các CTCK nói riêng dường như rất sáng sủa. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều NĐT cũng lo lắng bởi sự sôi động của thị trường và làn sóng tăng giá đột biến của rất nhiều cổ phiếu trong thời gian gần đây nhiều khi có cơ sở không thực sự vững chắc, với kết quả kinh doanh cốt lõi không mấy tích cực.
Một trong những cổ phiếu có mức tăng ấn tượng nhất trong tháng 11 qua là VPC của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam. Cổ phiếu này đã tăng gấp 3 lần trong một thời gian ngắn nhưng giải thích cho hiện tượng này DN này lại cho rằng là do cung-cầu trên thị trường, hoàn toàn không liên quan đến DN.
Cổ phiếu SHN của CP Đầu tư tổng hợp Hà Nội-Hanic trong phiên giao dịch 4/12 cũng tăng kịch trần lên 1.100 đồng/cp với dư mua hàng triệu cổ phiếu nhưng cũng rất khó để tìm được điểm tốt từ DN này. Lý do phải chăng là ở chỗ thị trường đang sôi động và nhiều NĐT kỳ vọng vào một sự thay đổi bất thường ở DN?
Cổ phiếu PXM của công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí miền Trung cũng vậy, liên tục tăng trần trong hơn 2 tuần cuối tháng 11 nhờ lợi nhuận 8 tỷ trong quý III nhưng nhìn chung DN này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn với khoản lỗ hơn 110 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm và doanh thu đang giảm mạnh.
Mặc dù vậy, thực tế giao dịch sôi động hàng nghìn tỷ đồng mỗi phiên trên TTCK chứng tỏ thị trường này đang hấp dẫn giới đầu tư. Nhiều kênh đầu tư khác như vàng, tiết kiệm ngân hàng, BĐS… khá buồn tẻ. Trong khi đó, nhiều thông tin cho thấy, khối ngoại vẫn đang quan tâm và có nhiều đánh giá tốt về TTCK Việt Nam.
Trong một thông báo đầu tháng 12, công ty Quản lý quỹ Asia Frontier Capital Limited cho biết vừa thành lập một quỹ mở đầu tư vào các cổ phiếu Việt Nam với tên gọi “AFC Vietnam Fund” với quy mô dự kiến 50 triệu USD. Asia Frontier Capital cho rằng, một số lượng lớn trong số hơn 700 DN niêm yết của Việt Nam có tỷ lệ giá/lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) ở mức 6-7 lần.
Hiện tại, cho dù lãi suất thấp nhưng hệ thống ngân hàng đang có dấu hiệu thừa tiền, huy động vượt trội so với cho vay. Bên cạnh đó, dòng kiều hối dự báo khoảng 11 tỷ USD cho cả năm 2013 có thể cũng là lý do khiến dòng tiền vào chứng khoán tăng lên trong bối cảnh BĐS vẫn có tín hiệu sáng sủa.