15h30 chiều, cô chủ tiệm cupcakes trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) vừa đi giao bánh cho khách về tới quán. Anh Thơ nhỏ nhẹ xin lỗi chúng tôi vì trễ hẹn. Cô giải thích, bán bánh take-away (bánh ngọt mang đi) phải nhanh để đáp ứng nhu cầu “thèm là có” của khách. Do vậy, vào khung giờ quá tải các buổi chiều, cô thường hỗ trợ nhân viên vận chuyển giao hàng, tránh để khách phàn nàn về dịch vụ chậm trễ.
Tiệm cupcakes mang đi của Anh Thơ (1992, Hà Nội) dù mới hoạt động gần 1 năm nay nhưng đã đem lại cho cô doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Lượng khách của tiệm ổn định, đa số là khách trẻ, khách Tây và học sinh các trường quốc tế trong thành phố. Bên cạnh đó là tiệm tiệc trà chiều kiểu Anh mới mở được 3 tháng nhưng đã nhanh chóng hút khách bởi phong cách ăn bánh, uống trà mới lạ du nhập từ Anh về Việt Nam.
Mô hình kinh doanh trà bánh kiểu hoàng gia Anh hút khách vì lạ. Ảnh: Diệp Sa. |
Tốt nghiệp đại học năm 2013, trước đó “chỉ biết học, chưa từng dấn thân buôn bán” nhưng Anh Thơ vẫn liều đi ngược lại mong muốn của bố mẹ về một vị trí công việc văn phòng ổn định, lương cao, nhàn nhã. Thơ cho biết, cô luôn nghĩ những năm 20 tuổi phải là thời gian để bung ra, thử sức và phấn đấu cho ước mơ kinh doanh của mình. Và mặc dù chỉ thích ăn bánh ngọt (không riêng gì cupcakes), chưa từng làm bánh nhưng 9X này vẫn quyết định mở tiệm cupcakes take-away bởi: “dân mê bánh tại Hà Nội hiện nay có chút hiểu sai về cupcakes. Họ nghĩ rằng loại bánh này chỉ đẹp ở vẻ ngoài, thích hợp trang trí, trưng bày hơn là thưởng thức. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Cupcakes đúng kiểu rất ngon, có nhiều hương, vị hấp dẫn, thỏa sức sáng tạo. Do vậy, mình chọn kinh doanh dòng bánh này, vừa mong muốn thay đổi cách nhìn, vừa là hướng đi ít cạnh tranh hơn trong thị trường bánh ngọt bị bão hòa”.
Cửa hàng đầu tiên được Thơ và 2 người bạn mở cuối năm 2013 bằng số vốn 60 triệu đồng. Số tiền này được cô dùng để mua máy trộn bột, lò nướng công nghiệp, các vật dụng thiết yếu cho cửa hàng và thuê mặt bằng. Cô thuê được mặt bằng 2 tầng rộng khoảng 15 m2 trên con phố trung tâm với giá không thể rẻ hơn, 15 triệu/ tháng. Các cửa hàng trên phố Nguyễn Thái Học có giá thuê mặt bằng 20 - 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhờ vị trí đẹp nhưng mặt bằng xấu, phải cải tạo nhiều, Anh Thơ được chủ nhà tạo điều kiện với giá thuê rẻ và hợp đồng dài hạn. Cô chọn phát triển tiệm bánh theo mô hình take-away để phù hợp với diện tích chật hẹp, không ngốn vốn đầu tư cho nội thất và hướng tới lượng khách đông đảo trên toàn thành phố chứ không giới hạn ở lượng khách ăn trực tiếp.
Mở tiệm bánh rồi mới học làm bánh nhưng chỉ sau 2 tháng miệt mài học “thầy youtube” và nhờ bố mẹ thẩm định, cô chủ khéo tay cho ra lò mẻ bánh đầu tiên với 20 vị cupcakes cơ bản được trang trí khá bắt mắt. Thời gian đầu, Thơ chỉ quảng cáo trên Facebook, các diễn đàn mạng nhưng không ngờ lượng khách đặt bánh tăng nhanh chóng.
Mỗi tháng, doanh thu từ trà và bánh tại cửa hàng này khoảng 200 triệu đồng. Ảnh: NVCC. |
Cô chia sẻ, trong những ngày đầu, khách còn ít nên gần 4 tháng cô tự đứng bếp kiêm đứng quầy. “Nhưng chính mình cũng không ngờ lượng bánh đặt hàng lại tăng nhanh vậy. 3 ngày valentine, một mình mình đứng bếp từ 6h sáng tới 21h30 tối, thậm chí không kịp ăn uống chỉ để hoàn thành hơn 200 set bánh cho khách” (mỗi set = 6 bánh). Sau gần 1 năm hoạt động, hiện tại, tiệm bánh của Đặng Anh Thơ đã có 6 nhân viên. Số bánh cupcakes ra lò tiêu thụ hết trong ngày là 350 chiếc với khoảng 20 vị bánh theo mùa, thường xuyên được cập nhật mới. Ngoài ra, cupcakes take-away cũng có lượng khách ổn định khu vực Tây Hồ, trong các khu đô thị và các trường quốc tế, thường xuyên đặt bánh số lượng lớn hơn 100 chiếc/lần.
Thành công với bánh ngọt mang đi, Anh Thơ tiếp tục thử nghiệm thêm mô hình mới - tiệm ăn bánh, uống trà kiểu Anh. Thơ chia sẻ, tiệc trà chiều bắt nguồn từ phong cách thưởng thức trà với bánh vào mỗi buổi chiều của giới quý tộc Anh nay đã trở thành nét văn hóa ẩm thực không chỉ tại Anh mà còn lan tỏa tại nhiều nước trên thế giới. Trà kiểu Anh không giống trà Việt, có rất nhiều vị ướp hương tự nhiên như quế, táo, socola, bạc hà,… Qua quá trình thưởng thức và tìm hiểu về tiệc trà chiều kiểu Anh, Anh Thơ muốn phổ biến phong cách ăn bánh, uống trà kiểu mới này tại Hà Nội.
Ăn bánh,uống trà kiểu Anh được nhiều khách hàng tại Hà Nội đón nhận. Ảnh: Diệp Sa. |
Thuê được mặt bằng rộng trong ngõ Huế (Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) với giá 15 triệu/tháng, Thơ tự thiết kế không gian nội thất hiện đại, thân thiện. Dù phải đầu tư số tiền không nhỏ để nhập hơn 50 bộ chén, tách trà và khoảng 10 vị trà truyền thống đúng kiểu từ Anh về Việt Nam nhưng để phù hợp với số đông khách hàng, chủ quán vẫn áp dụng mức giá rẻ nhất có thể 55.000 – 85.000 đồng/set trà cho 2 - 4 người, chưa kể bánh cupcakes 25.000 đồng/ chiếc. Mỗi set trà gồm có ấm trà tùy cỡ, chén, tách, thìa, đường, chanh, sữa, mật ong… được khách pha trộn tùy sở thích. Tuy nhiên, với những khách chưa có kinh nghiệm pha trà, chủ quán hoặc nhân viên sẽ hướng dẫn khách những kiến thức cơ bản để tránh “lạc vị”.
“Bánh cupcakes có nhiều vị, độ ngọt vừa phải nên không bị ngấy, được trang trí rất đẹp. Trà ở đây tôi thấy khá đặc biệt, có rất nhiều vị lạ, đậm vị, thơm sâu, ăn cùng bánh rất hợp. Chén tách nhập ngoại đẹp. Tuy hiện giá bánh còn cao song xét về chất lượng và chi phí cho một tiệc trà đúng kiểu Anh ở Hà Nội hiện nay thì giá vậy là hợp lý”, khách hàng Thu Nga (Phố Huế, Hà Nội) chia sẻ.
Đặng Anh Thơ chia sẻ, 2 tiệm bánh theo 2 phong cách khác nhau nhưng đều khá đông khách, cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt 30 - 35%. Cô cho biết, mục tiêu lâu dài của mình là trong vòng 2 năm tới, sẽ có 5 cửa hàng cupcakes take-away tại Hà Nội bên cạnh tiệm trà chiều kiểu Anh tiếp tục hoạt động tốt, giúp cô nhận diện thương hiệu tại thị trường bánh ngọt Hà Nội.
Vốn đầu tư thấp, sau 8 tháng tiệm bánh của Anh Thơ đã hòa vốn, sinh lãi. Chia sẻ bí quyết thành công ban đầu, cô chủ 22 tuổi rút ra 3 phương pháp giúp mô hình bánh take-away tồn tại lâu dài và phát triển: vốn liên tục quay vòng để mở thêm cửa hàng và tăng lượng bánh sản xuất trong ngày, vốn duy trì thấp (giá thuê mặt bằng, nhân sự) và không ngừng cải tiến hình thức, chất lượng sản phẩm.