Theo Reuters, chiến dịch tiêm chủng vừa được triển khai khoảng một tuần tại Thái Lan đã gặp khó khăn, sau khi ít nhất 20 bệnh viện ở Bangkok phải hoãn mọi lịch tiêm trong tuần này, với lý do phân phối chậm trễ vaccine.
Hầu hết lịch hoãn tiêm được báo tin qua ứng dụng Mor Prom (Doctor Ready) - ứng dụng công bố bởi Bộ Y tế Thái Lan nhằm quản lý người dân đăng ký tiêm chủng - tới nhóm người cao tuổi và đối tượng có bệnh lý nền, Bangkok Post đưa tin ngày 14/6.
Ngoài ra, các bệnh viện cũng thông báo vấn đề này trên mạng xã hội. “Nếu có bất cứ câu hỏi nào (về vấn đề trì hoãn tiêm chủng), vui lòng liên hệ tổng đài của chúng tôi hoặc gọi trực tiếp cho bộ trưởng Y tế Công cộng để hỏi tại sao họ lại thiếu chuẩn bị đến như vậy”, bài đăng trên mạng xã hội của bệnh viện Namarak tại thủ đô Bangkok mang đầy tính châm biếm.
Trong bối cảnh đó, cả phía Bộ Y tế Thái Lan và chính quyền thủ đô Bangkok tìm cách vừa trấn an người dân, vừa đổ lỗi cho nhau khi để sự việc này xảy ra.
Tiến độ chậm trễ
"Có thể giữa giới chức Bangkok và các bệnh viện tư nhân đã có sự nhầm lẫn (trong việc kiểm tra số lượng vaccine)", Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul phát biểu với phóng viên ngày 14/6. Ông cũng khẳng định nhiều liều vaccine đang được vận chuyển đến Bangkok.
"Tiến trình tiêm chủng sẽ không vì thế mà chậm lại. Tuy nhiên chúng tôi cần có sự tính toán kỹ lưỡng hơn về lượng vaccine sẽ được phân phối", ông Anutin nói.
Theo Bangkok Post, trong tổng số 6,3 triệu liều vaccine Covid-19 dự kiến được giao trong tháng 6, Bangkok được hứa hẹn sẽ nhận 1,16 triệu liều, trong khi 76 tỉnh khác sẽ nhận được 3,22 triệu liều.
Ngoài ra, trong một cuộc họp khác, Thống đốc Bangkok Aswin Kwanmuang cũng nhấn mạnh thành phố sẽ "đẩy kế hoạch tiêm vaccine nhanh nhất có thể sau khi nhận được nguồn cung mới".
Nguồn cung cấp vaccine Covid-19 chính của Thái Lan phụ thuộc vào 61 triệu liều từ AstraZeneca do Siam Bioscience, một công ty thuộc sở hữu của vua Thái Lan, sản xuất. Không chỉ tại Thái Lan, kế hoạch phân phối 200 triệu liều của hãng dược tại Đông Nam Á cũng phụ thuộc vào sức sản xuất của công ty này.
Một vài quốc gia trong khu vực báo cáo đơn hàng vaccine AstraZeneca do Thái Lan sản xuất giao không đúng hẹn, làm dấy lên lo ngại về vấn đề thiếu hụt khả năng sản xuất.
"Trò chơi" đổ lỗi qua lại
Chưa ai đứng ra nhận trách nhiệm khi gây nên tình trạng này, theo Bangkok Post.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul đẩy vấn đề sang cho Cơ quan Quản lý Đô thị Bangkok (BMA).
Ông Anutin cho biết Bộ Y tế đã đồng ý giao cho BMA một triệu liều vaccine Covid-19. Trong vòng chưa đầy 2 tuần, 500.000 liều đã được giao.
“Vì vậy, không thể nói rằng họ chưa nhận được vaccine từ bộ. Nói như vậy chỉ thể hiện cơ quan này thiếu trách nhiệm”, ông nói. “Bộ phận y tế và chăm sóc sức khỏe của BMA lẽ ra phải cố gắng hơn nữa trong việc quản lý nguồn cung vaccine, bởi họ có toàn quyền kiểm soát”.
“Đừng nói rằng bộ không làm gì cả, bởi chúng tôi đã phân phối tất cả liều vaccine nhận được từ các nhà cung cấp đúng thời hạn, theo hướng dẫn của Trung tâm Quản lý Tình hình Covid-19 (CCSA)”, ông nói thêm.
Ngay sau phát biểu của ông Anutin, BMA tuyên bố trên mạng xã hội Facebook rằng Bộ Y tế không cung cấp vaccine cho BMA theo kế hoạch.
Ban đầu, BMA được bộ thông báo sẽ cung cấp 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca nên cơ quan này đã lên kế hoạch tiêm chủng đại trà sao cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện BMA mới chỉ nhận được 350.000 liều, ngoài 150.000 mũi Sinovac mà họ đã tiêm cho người dân từ 7-14/6.
Trong số 350.000 liều, 181.400 liều đã được phân phối tới các bệnh viện - nơi có tới hơn 450.000 người đặt lịch hẹn tiêm chủng.
Hiệp hội Bác sĩ Nông thôn Thái Lan khẳng định Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, với cương vị là người đứng đầu CCSA, là nguyên nhân gây ra "sự hỗn loạn vaccine" ở Bangkok.
Hôm 13/6, ông Kiattiphum Wongrajit, thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan, thừa nhận số lượng vaccine Covid-19 tại Thái Lan hiện ít hơn đáng kể so với dự kiến.
Tiến sĩ Kiattiphum cũng cho biết sự thiếu hụt này sẽ khiến Thái Lan phải điều chỉnh hàng loạt chương trình tiêm chủng trong tháng 7 và tháng 9.
Tính đến ngày 14/6, Thái Lan có tổng cộng 199.264 ca dương tính với Covid-19 và 1.466 ca tử vong. Hơn 80% trường hợp mắc mới và 90% trường hợp tử vong được ghi nhận sau tháng 4, gây áp lực lên chính quyền nhằm đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng.
Theo Reuters, 1,6 triệu người dân tại Thái Lan này đã được tiêm đủ liều vaccine Covid-19, chiếm khoảng 2,3% dân số. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.
Bị Đài Loan tố, Thái Lan phủ nhận việc 'giữ riêng' vaccine AstraZeneca
Đại diện chính phủ Thái Lan ngày 12/6 khẳng định nước này không ngăn chặn quá trình xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, theo Reuters.
Thái Lan vượt 300.000 mũi trong ngày đầu chiến dịch tiêm chủng
Thái Lan đã hoàn thành mục tiêu tiêm 300.000 liều vaccine Covid-19 vào hôm 7/6, ngày đầu tiên của đợt tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc.
Thầy yoga Ấn Độ bị đòi truy tố vì tuyên bố sai lệch về Covid-19
Hàng nghìn bác sĩ Ấn Độ đeo găng tay đen vào ngày 1/6 để phản đối ông Baba Ramdev, người tuyên bố yoga và y học cổ truyền sẽ hiệu quả hơn vaccine trong phòng chống Covid-19.