Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiệc 'trước phong tỏa' của giới trẻ làm virus lan rộng trên toàn cầu

Người trẻ trên khắp thế giới đang phớt lờ lời khuyên tránh xa chỗ đông người của chính phủ để ngăn virus lây lan và tiếp tục tiệc tùng bất chấp.

Giới chức ở nhiều nước ở trong tình trạng đóng cửa để ngăn virus lây lan phải lên tiếng cảnh báo giới trẻ tuân thủ các quy tắc cách ly xã hội trong bối cảnh nhiều buổi tiệc tùng và tụ tập vẫn tiếp diễn, theo Guardian.

Nhà khoa học và giới chức y tế cho biết bằng việc tham gia những bữa tiệc “đóng cửa” hay tiệc rượu “tận thế”, những người trẻ vô trách nhiệm này đã góp phần làm virus lây lan.

Thống kê cho thấy những người trẻ có khả năng bị nhiễm và làm lây lan virus cao hơn. Tuy nhiên, do người trẻ tuổi ít có khả năng bị virus ảnh hưởng nhiều và 50% ca nhiễm thậm chí không có triệu chứng, nhiều người trẻ nói rằng họ không có lý do gì để sợ virus.

Tiệc tùng bất chấp virus

Tại Berlin, nơi nổi tiếng với những bữa tiệc không ngừng nghỉ và là nơi thu hút những người ưa tiệc tùng ở châu Âu, cảnh sát đã liên tục đột kích các cuộc tụ họp. Cuối tuần qua, cảnh sát đã buộc hơn 60 câu lạc bộ và quán bar phải đóng cửa sau khi họ bất chấp lệnh yêu cầu đóng cửa tất cả địa điểm giải trí của chính quyền.

Cảnh sát cũng cho biết nhiều quán bar “corona speakeasy” (quán bar hoạt động ẩn mình), đã mọc lên trong thành phố. Những quán bar này chỉ tiếp khách đã đăng ký trước hoặc gõ cửa theo đúng ám hiệu. Nhiều vi phạm tương tự đã xảy ra trên khắp nước Đức vì các trường học đã bị đóng cửa.

Tại Dunedin, New Zealand, hàng trăm sinh viên đại học đã phớt lờ các lệnh cấm tụ họp đông người của chính phủ và đang đẩy mạnh kế hoạch cho bữa tiệc đường Hyde vào ngày 4/4 hàng năm theo truyền thống. Bữa tiệc này dành cho hàng nghìn sinh viên đại học năm nhất và thường xảy ra việc đánh nhau, say rượu và gây rối trật tự công cộng tại đây.

Mặc dù sự kiện này đã chính thức bị hủy bỏ, nhưng trên Facebook, hàng trăm người nói rằng họ sẽ phớt lờ lệnh cấm và tiệc tùng bất chấp.

Đại học Princeton ở New Jersey, Mỹ cũng ghi nhận hàng loạt bữa tiệc được tổ chức sau khi trường này thông báo dạy học trực tuyến và sinh viên được về nhà. Nhiều sinh viên đã nói về việc “tổ chức bữa tiệc cuối cùng”.

gioi tre tiec tung lay virus anh 1

Những người vui chơi trong ngày lễ Thánh Patrick ở trung tâm thành phố Newcastle vào hôm 17/3. Ảnh: Guardian.


Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã chỉ trích người dân vì coi những biện pháp hạn chế là kỳ nghỉ lễ và kêu gọi họ tuân theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. “Chúng ta không được biến những ngày này thành những ngày để giải trí”, ông Rivlin phát biểu. “Tôi nghe nói rằng bãi biển và đường leo núi chật kín người. Virus này thật sự nguy hiểm. Tôi yêu cầu các bạn một lần nữa làm theo các hướng dẫn và tránh xa các cuộc tụ họp”.

Ở Hong Kong, những người không thực hiện các hạn chế một cách nghiêm túc, đặc biệt là không đeo khẩu trang, đã bị chỉ trích. Tờ Apple Daily đã đăng bài viết trên trang nhất nhắm vào “những người phương Tây, những người không đeo khẩu trang và đi xung quanh một cách tự do”. Điều này đã gây ra nhiều cuộc tranh luận trên toàn quốc và dẫn đến một chiến dịch trực tuyến có tên #đeokhẩutrangvào.

Tại Bangkok, các quán rượu, quán bar và các địa điểm giải trí khác được yêu cầu đóng cửa. Tuy nhiên, một số người vẫn đang tiếp tục tiệc tùng bất chấp dịch bệnh. Các quan chức phải lên tiếng về hành vi vô trách nhiệm này.

Tuần trước, Bộ Y tế Thái Lan đã xác nhận một nhóm bệnh nhân dương tính với virus sau khi dùng chung đồ uống và thuốc lá với nhau trong phòng kín trong một thời gian dài.

Khách du lịch nước ngoài cũng bị chỉ trích vì không đeo khẩu trang. Tháng trước, Bộ trưởng Y tế công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul đề nghị rằng những người không đeo khẩu trang nên bị đuổi khỏi nước này vì họ đang khiến người khác gặp nguy hiểm.

Trong khu phố Santa Teresa của Rio de Janiero, Brazil, các bữa tiệc vẫn đang diễn ra.

Và ở Argentina, hàng nghìn người đã nghỉ phép và đổ xô đến các bãi biển để tận hưởng những ngày cuối cùng của mùa hè.

1/3 người nhiễm virus là giới trẻ

Các nhà khoa học nói rằng việc cách ly xã hội, bao gồm tránh các cuộc tụ họp không cần thiết, là một phương pháp làm chậm sự lây lan của virus hiệu quả.

Ông Lothar Wieler, chủ tịch của Viện Robert Koch, cơ quan y tế công cộng hàng đầu ở Đức, kêu gọi mọi người làm theo các quy tắc này. “Nếu chúng ta tiếp tục đi xung quanh, không giảm số người tiếp xúc và không giữ khoảng cách ít nhất 1,5 m với họ, trong vòng hai đến ba tháng, 10 triệu người sẽ nhiễm bệnh ở Đức”, ông nói hôm 18/3.

“Những người trẻ đi rất nhiều, vì vậy đóng cửa các câu lạc bộ và quán bar là một ý tưởng tốt. Vấn đề là những người trẻ có thể lây nhiễm cho người già, những người dễ bị ảnh hưởng bởi virus”, ông nói thêm.

Một nghiên cứu của Hàn Quốc cho thấy khoảng 1/3 hay 2.300 trong số 8.100 ca nhiễm tại đây là những người trẻ trong độ tuổi từ 20 đến 29. Đây là tỷ lệ cao nhất trong mọi nhóm tuổi. Hàn Quốc được cho là đã thực hiện nhiều xét nghiệm hơn bất kỳ quốc gia nào khác - 4.000 xét nghiệm trên 1 triệu người (gấp bốn lần so với Italy và hơn 150 lần so với Mỹ). Vì vậy, nghiên cứu này là một trong những nghiên cứu cho thấy toàn diện nhất hành vi của những người trẻ góp phần đáng kể đến sự gia tăng của đại dịch.

gioi tre tiec tung lay virus anh 2

Du khách tận hưởng Bãi biển Clearwater, Florida, Mỹ vào ngày 18/3. Ảnh: AP.


Trong khi nhiều quán rượu yên tĩnh hơn bình thường ở Anh, một số người đã chọn bỏ ngoài tai lời khuyên của chính quyền và đi đến các quán bar để ăn mừng Ngày Thánh Patrick vào hôm 17/3.

Ở Liverpool, nhiều người giơ cao thức uống và hát “virus corona biến đi”, theo giai điệu bài Seven Nation Army của White Stripes trong một quán rượu đông đúc.

Cảnh tương tự cũng diễn ra ở Newcastle. Những người say rượu đội mũ Ireland và ôm nhau theo nhóm, hoặc tệ hơn với những người say xỉn trên sàn nhà.

Trong khu sinh viên Jesmond, Anh, một số quán rượu đông đến nỗi những người uống rượu tràn ra đường chỉ 24 giờ sau khi Thủ tướng Boris Johnson công bố các biện pháp cách ly xã hội chặt chẽ hơn.

Trong khi đó, các sinh viên còn lại trong ký túc xá của Đại học College London (UCL) đã bị giáo sư Arthur Michael khiển trách. Một vài sinh viên đã tổ chức các bữa tiệc lớn và kết quả là nhiều tài sản bị hư hỏng.

Trong thông báo phác thảo kế hoạch đóng cửa các khu vực trong khuôn viên trường, ông Michael đã viết: "Chúng tôi đã rất buồn và thất vọng khi nghe về hành vi đặc biệt kém trong một số ký túc xá của chúng tôi”.

“Hành vi như vậy phải dừng lại ngay lập tức và những người bị phát hiện có liên quan sẽ phải tuân theo quy trình kỷ luật của UCL và sẽ phải đối mặt với việc ngưng học tập tại đây”, thông báo viết.

Thông báo cũng nói rằng sinh viên UCL ​​sẽ trở về nhà trong vòng vài ngày tới trừ khi họ không thể làm vậy do các hạn chế đi lại. Trong trường hợp đó, họ vẫn có thể ở lại ký túc xá.

Người dân Đức leo lên mái nhà hát Bella Ciao cổ vũ Italy Video được người dân ghi lại ở thị trấn Bamberg của Bavaria, Đức. Người dân đã ngồi trên mái nhà của họ và mở cửa sổ để hát Bella Ciao cổ vũ Italy chống lại dịch Covid-19.

'Tôi thật may mắn khi đang ở Việt Nam'

Cô Linh Phan, người Canada gốc Việt sáng lập dịch vụ du lịch Hidden Saigon, đã chia sẻ những suy nghĩ về cách Việt Nam chống dịch.

Mỹ không có chủ trương tạm ngừng nhập khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định thông tin "Mỹ tạm thời ngừng nhập khẩu các sản phẩm dệt may của Việt Nam" là không chính xác.

Như Trần

Guardian

Bạn có thể quan tâm