Phát biểu tại nghị trường chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tổng kết 30 năm qua, Việt Nam từ đất nước thiếu ăn đã trở thành quốc gia xuất khẩu hơn 30 tỷ USD. “Đây là cố gắng rất lớn”, ông đánh giá.
Tuy vậy, ngành còn nhiều hạn chế, như hiện vẫn dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún dẫn tới năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống của bà con còn rất khó khăn.
Nới hạn điền không đáng lo
Nói về lý do ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trần tình dù 63 địa phương đều vào cuộc, nhưng việc thực hiện chưa phổ biến. Chính sách được ban hành nhiều, nhưng một số chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều bất cập, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Nguyễn Hưng.
|
Đơn cử nút thắt ở Điều 129 (Luật đất đai), giới hạn hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2-3 ha. Bộ trưởng cho hay tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân muốn kinh doanh, làm nông nghiệp quy mô lớn đều rất mong sửa quy định này.
Qua thực tiễn, ông thấy không có gì đáng lo. Đi kiểm tra thì không thấy ai tích tụ quá nhiều bởi doanh nghiệp, người nông dân đều phải tính đến việc quản trị sao cho phù hợp với trình độ. "Trước giờ chúng ta cứ sợ người nông dân mất ruộng thì không có việc làm nhưng đã đến lúc triển khai mô hình 1 ha có 4-6 công nhân nông nghiệp, thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng", ông nói.
Bộ trưởng Nông nghiệp phân tích thêm, thực tiễn cho thấy ở đâu mà nông dân tích tụ vài ba chục ha đất đều có thể sản xuất hàng hóa xuất khẩu được. Ví dụ Hưng Yên có người sở hữu 120 ha đất đã sản xuất lúa, xuất khẩu gạo sang Nhật Bản, áp dụng công nghệ cao ở mọi công đoạn từ gieo giống lúa, cấy, gặt… Một nông dân khác sở hữu 120 ha đất đã sản xuất chuối bán sang Nhật.
"Quốc hội nên xem lại việc này để tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô thì mới phát triển được", ông Cường nói.
Đề xuất gói riêng tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Bộ trưởng, một số ngành hàng lớn đã hình thành và có căn cứ để hội nhập. Hai sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ và cá tra, Việt Nam đã chủ động được giống, quy trình sản xuất, thu hoạch. Ngành sữa cũng đang liên tục tăng trưởng 2 con số. Sản phẩm sữa Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang 40 nước.
"Rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp như Vingroup, Hòa Phát, Minh Phú…. Như vậy có thể thấy tái cơ cấu bước đầu có sự thành công", ông Cường nói.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có những chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp làm nông nghiệp, chính sách phát triển hợp tác xã, chính sách cho những vùng dễ bị tổn thương như vùng sâu, vùng xa.
Giải pháp trước hết là ngành sẽ xác định nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia để tập trung phát triển. Hiện có khoảng 10 sản phẩm có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như cá tra, tôm, rau quả, hạt điều, cà phê, thịt lợn…Thứ hai là tập trung phát triển nhóm sản phẩm có quy mô, đặc thù ở các tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, xoài Cao Lãnh, cam Cao Phong…
"Tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề rất khó, cần kiên trì. Theo tôi nên có một gói dành riêng cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thay đổi phương thức đầu tư, đầu tư thẳng xuống 63 tỉnh thành thì mới giải quyết được căn cốt", Bộ trưởng nhấn mạnh.