Rất nhiều người phản đối việc sử dụng AI trong sáng tạo truyện tranh. Một số người chỉ trích vì điều này làm giảm vai trò của các nghệ sĩ, một số chỉ trích việc các nền tảng AI sử dụng nhiều tác phẩm nghệ thuật lậu trôi nổi trên mạng. Nhưng trên hết, có một nguy cơ lớn hơn đối với các công ty đó là họ không thể sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm do AI tạo ra. Mọi người đều có thể sử dụng tác phẩm có sự tham gia của AI, không cần xin phép và cũng không cần trả tiền.
Cáo buộc nhiều tác phẩm sử dụng AI
Joker bị nhận xét là có tạo hình lạ. Ảnh: Bleedingcool. |
Vài tuần trước, tác giả kiêm nhà thiết kế James Leech đã cáo buộc Andrea Sorrentino sử dụng AI để sáng tạo nhiều tác phẩm gần đây cho DC.
Leech vạch ra nhiều chi tiết khác lạ về nhân vật Joker như đôi bàn tay không giống bình thường, hình dáng cơ thể kỳ lạ, một núm vú bị lệch, tạo hình cố làm cho giống Joker nhưng lại đi cùng quần jean rách và giày thể thao (phong cách thời trang khác hẳn với nhân vật Joker) hay sự không đồng đều về độ phân giải giữa nhiều phần trong các khung hình.
James cũng lấy dẫn chứng từ một bức ảnh khác: "Đây là một ví dụ điển hình về việc tác phẩm nghệ thuật được vẽ có vẻ cẩn thận nhưng sau đó lại bị sửa lại theo cách khá thô thiển, có lẽ vì nó không phù hợp với mục đích đã định. Những đường viền sắc nét xung quanh phần tóc bị chỉnh sửa đơn giản bằng các thao tác cắt dán, bôi xoá”.
Hình ảnh bị cho là đã sửa lại một cách thô thiển (trái) có sự tương đồng với hình ảnh James đưa ra. Ảnh: Bleedingcool. |
Để kiểm chứng nhận định của James, một người dùng Twitter cũng đã sử dụng AI với các bức hình tương tự và nhận được kết quả giống với điều James phân tích.
"Ngay khi tôi nhìn thấy khung hình minh họa phía trên, tôi thấy sặc mùi AI nên tôi đã thử nghiệm. Và đây là kết quả Bing tạo ra. Nó trông quá giống với kết quả của James”, tài khoản Twitter này cho hay.
James Leech nhấn mạnh: “Nhận thấy các tác phẩm này tiếp cận được một số lượng lớn độc giả, tôi không muốn chỉ lên tiếng một cách nhẹ nhàng về những nghi ngờ này. Tôi biết đó là một vấn đề lớn. Trong bối cảnh nhiều nghệ sĩ cũng phải đối mặt với cáo buộc sử dụng AI thời gian gần đây, rõ ràng là các công ty truyện tranh cần phải có quy trình kiểm tra nếu họ muốn đứng ra bảo vệ các nghệ sĩ thực sự. Thế giới đang thay đổi và các dấu hiệu sử dụng AI sẽ ngày càng khó phát hiện hơn".
Đáp trả từ DC Comics
Nghệ sĩ phải tự công bố bản phác thảo. Ảnh: Bleedingcool. |
Người phát ngôn của DC Comics thông tin với báo chí: "DC Comics kiên định với chính sách rằng tất cả tác phẩm nghệ thuật phải là tác phẩm gốc của nghệ sĩ. Chúng tôi đang xem xét chi tiết cụ thể của tình huống này."
DC Comics chưa đưa ra phản hồi thêm kể từ đó. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề riêng lẻ của một bộ truyện. Một người dùng Tumblr gần đây nêu nghi vấn về trang bìa do nghệ sĩ Jingxiong Guo vẽ cho bộ truyện Wonder Woman và Power Girl của DC Comics.
"Hãy nhìn trang bìa của Power Girl: Thoạt nhìn thì có vẻ ổn, nhưng nếu nhìn kỹ hơn bạn có thể nhận ra những điểm không nhất quán. Có những dải ruy băng kỳ lạ? Bản thân chiếc thắt lưng cũng không có thiết kế rõ ràng. Phần đuôi tóc có những chỗ khác nhau so với phần còn lại, hay có đường kẻ ở những chỗ khó hiểu".
"Và đối với trang bìa của Wonder Woman, tôi không nghĩ là mình đã phát hiện ra nhiều, nhưng vẫn có những chỗ không được tự nhiên.
Các đường trên thắt lưng "W" không nhất quán. Các đường trên băng tay không được liền mạch và biểu tượng trên tấm khiên không thực sự sắc nét". Hình Jingxiong Guo vẽ nhân vật Shazam cũng có những chi tiết kỳ lạ tương tự.
Những bài đăng trên nhận được rất nhiều quan tâm mạng xã hội. Sau đó, nghệ sĩ Jingxiong Guo đã phải đăng những bản phác thảo của mình lên Instagram như thể đáp trả các cáo buộc.
Cùng một khung hình nhưng hai phần mềm kiểm tra cho ra 2 kết quả khác nhau. Ảnh: Bleedingcool. |
Trước nhiều thông tin trên mạng xã hội, DC Comics đã đăng tải hình bìa mới cho cuốn sách DC Cinematic Universe: A Celebration of DC at the Movies (tạm dịch: Vũ trụ điện ảnh DC: Kỷ niệm DC qua các bộ phim) và một số dữ liệu cho thấy khó có thể phân biệt đâu là tác phẩm của con người và của AI.
Do con người cũng sử dụng các phần mềm AI để nhận dạng, và mỗi phần mềm lại hoạt động khác nhau nên rất khó có thể lên án các nghệ sĩ chỉ vì kết quả từ một phần mềm AI cho thấy tỉ lệ sáng tạo của con người trong tác phẩm của họ rất thấp.
Trong bối cảnh này, các nghệ sĩ có thể phải tự bảo vệ mình bằng cách quay, chụp, ghi lại quá trình sáng tạo tác phẩm của mình. Tuy nhiên, đây cũng có thể chưa phải là một giải pháp tối ưu vì giữa sự phát triển của công nghệ hiện nay, tới một lúc nào đó, mọi người cũng có thể nói rằng hình ảnh hay video hiện trường là giả. Việc giữ gìn và bảo vệ bản quyền đang ngày càng trở nên khó khăn hơn trước AI.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.