Vài tuần trước ngày phát hành cuốn hồi ký mới, nhà báo công nghệ nổi tiếng Kara Swisher tình cờ nhìn thấy một cuốn sách trên Amazon có tên là tiểu sử của chính bà. Ngay từ hình bìa, bà đã thấy không hề giống mình và nhận ra đây là tấm ảnh do AI tự vẽ. Về phần tác giả, Swisher chưa từng nghe đến cái tên đó. Khi đọc kỹ hơn, bà Swisher nhận ra toàn bộ cuốn sách, hoặc có thể phần lớn, là do AI viết vì thông tin cá nhân của bà bị sai lệch. Dù rất tức giận, bà không quan tâm quá nhiều đến cuốn sách này.
Nhưng sau đó vài ngày, khi xem danh mục sách trên Amazon, bà thấy bản thông tin cá nhân sai lệch kia đã trở nên phổ biến và được gắn vào hàng loạt cuốn sách giả khác. Mỗi cuốn đều có tiêu đề, tác giả và hình ảnh giả về bà trên trang bìa.
Và Swisher không phải là nhà văn duy nhất gặp tình cảnh này. Mỗi khi ra mắt một cuốn sách mới trên Amazon, các tác giả đều phát hiện ra nhiều cuốn sách đạo nhái khác có thể nhanh chóng được viết ra và bán kèm tác phẩm mới của họ. Phần lớn hoặc hoàn toàn những nội dung này do các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) viết ra.
Hàng loạt cuốn sách giả về Kara Swisher được rao bán trên Amazon. Ảnh: The Washington Post. |
Nhiều mánh khoé bán sách giả
Bà Mary Rasenberger, đại diện Hiệp hội tác giả Mỹ, cho biết: “Việc dùng AI viết sách ngày càng dễ dàng hơn và chúng tôi đang thấy số lượng chúng tăng đáng kể. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đối mặt với sự bùng nổ sách AI trước khi chúng ta có thể tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề”.
Danh sách các tác giả bị ảnh hưởng còn rất dài và các mánh khóe đạo nhái ngày càng đa dạng. Một số cuốn ghi chú rằng có tác giả thực sự viết nên chúng, như trường hợp 5 cuốn sách giả mạo lấy tên của bà Jane Friedman trên Amazon vào tháng 8 năm ngoái. Một số cuốn có tên giống hệt sách thật, một số cuốn có tác giả cùng họ với người thật nhưng thay đổi tên, như trường hợp gần đây của nhà văn Ted Gioia.
Một số được quảng cáo là sách “bán kèm” hoặc “sách thực hành” cho những tác phẩm bán chạy, như ấn phẩm mới của nhà văn Savannah Guthrie. Thậm chí nhiều cuốn tiểu thuyết do AI tạo ra đã lọt vào danh sách “Tác phẩm lãng mạn đương đại dành cho thanh thiếu niên và giới trẻ” ăn khách của Amazon.
Mặc dù khó có thể chứng minh chắc chắn về nguồn gốc của bất kỳ cuốn sách nào, những cuốn sách nhái thường tự xuất bản qua Kindle Direct của Amazon, lấy tên của các tác giả vô danh, ảnh bìa giống với kết quả đầu ra của các công cụ AI chỉnh ảnh và xuất hiện trên Amazon ngay trước khi các tác phẩm mới được ra mắt.
Cần hành động mạnh từ Amazon
Amazon cho biết họ nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc, đã thực hiện một số động thái và đang nghiên cứu các biện pháp bổ sung. Amazon không cấm người dùng bán sách do công cụ AI tạo ra trên nền tảng của mình nhưng cấm các nội dung vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đưa ra thông tin sai lệch hoặc kém chất lượng.
Cuốn sách mới của Kara Swisher dấy lên "làn sóng" sách giả bán theo tác phẩm của bà. Ảnh: The Washington Post. |
Người phát ngôn của Amazon Lindsay Hamilton cho biết: “Chúng tôi mong muốn cung cấp trải nghiệm mua sắm, đọc và xuất bản tốt nhất có thể và chúng tôi liên tục đánh giá những đổi mới có tác động đến trải nghiệm đó, bao gồm sự phát triển và mở rộng nhanh chóng của các công cụ AI tổng hợp”.
Amazon đã tìm cách ngăn chặn làn sóng sách nhái bằng cách giới hạn mỗi tài khoản chỉ được phép tự xuất bản 3 cuốn sách/ngày. Và năm ngoái, họ bắt đầu yêu cầu các tác giả sách điện tử ghi chú có sử dụng AI hay không.
Bà Hamilton cho biết, công ty gần đây bắt đầu hạn chế xuất bản các “bản tóm tắt” và “sách thực hành” đang được bán kèm với sách thật.
Trong khi các biện pháp của Amazon chưa mang lại nhiều hiệu quả, nhiều tác giả ngày càng đặt ra câu hỏi tại sao một công ty công nghệ hùng mạnh như vậy lại gặp khó khăn trong giải quyết vấn đề này.
Bà Swisher cho biết khi thấy sách giả tràn lan, bà đã gửi email cho CEO Amazon Andy Jassy để khiếu nại. Nhiều cuốn sách giả sau đó đã được gỡ xuống. Bà Swisher đánh giá cao phản hồi này nhưng nói thêm rằng không phải nhà văn nào cũng có cơ hội tiếp cận với các CEO hàng đầu như vậy.
Không rõ Amazon điều tra sâu đến mức nào về người đứng sau những cuốn sách giả đó nhưng vẫn còn rất nhiều sách đạo nhái khác đang được bán ra. Hầu hết là tiểu sử của những nhân vật nổi tiếng và tất cả đều được xuất bản trong vài tháng qua.
Thông thường, những cuốn sách có vẻ là hàng nhái do AI viết ra có rất ít đánh giá của khách hàng. Dù không lừa được số lượng lớn độc giả thì chắc chắn đã có người mua phải. Một người dùng đã bình luận: “Đây thậm chí không phải là một cuốn sách. Tôi muốn lấy lại 12 USD (khoảng 300.000 VND) của mình!!”. Một số người khác thì viết: “Hãy cẩn thận”, “Lãng phí tiền bạc”, “Đáng thất vọng” hay “Sách không tốt chút nào”.
Bà Rasenberger cho biết Hiệp hội Tác giả Mỹ đang thúc giục Amazon công khai trên nền tảng của mình những cuốn sách nào do AI tạo ra. Bà cũng khẳng định Hiệp hội đang ủng hộ một dự luật do Thượng nghị sĩ Brian Schatz đưa ra tại Quốc hội Mỹ vào năm ngoái, yêu cầu các công ty AI công bố cách xác định các nội dung do AI tạo ra.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.