Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kỳ thú ẩm thực Tây Nam Bộ

Tây Nam Bộ được thiên nhiên ưu đãi một vùng đồng bằng trù phú, với nhiều sản vật hấp dẫn. Món ăn ở đây ngon, nhưng nó khiến lữ khách phương xa đôi khi ngần ngại không dám thử.

Chuột đồng nước là một món ngon của vùng Đồng Tháp. Ảnh: SPK.
Am thuc Tay Nam Bo anh 1
Am thuc Tay Nam Bo anh 1

Chuột đồng nước là một món ngon của vùng Đồng Tháp. Ảnh: SPK.

Đi hết đất nước, nếu hỏi nơi nào thấy thú nhất thì tôi ưa về miền Tây Nam Bộ. Vùng đất phương Nam kỳ thú về cảnh quan văn hóa đã đành, món ăn lại cũng lạ lùng nốt. Ẩm thực miền Tây rất sáng tạo với nguồn nguyên liệu “hoang dã” giống như không phải… đồ ăn.

Cứ thử đến khu du lịch Gáo Rồng [1] mà coi. Đồng Tháp có thứ gì, chợ quê trong Gáo Rồng có cái đó. Cơ man là các loại bánh: bánh gói, bánh lá, bánh cắp, bánh da lợn (hầu như thứ gì cũng được phết nước cốt dừa), nhưng ngộ nhất vẫn là chuột đồng quay lu.

Chuột ở đây được coi như món ăn chơi. Những con chuột được xẻ làm đôi rồi nướng vàng ruộm, lựng mùi trên bếp than, hoặc được làm sạch ruột, tẩm ướp cho thơm phức lên rồi mới cho vào lu để quay. Mỡ nước và gia vị khiến chuột chín vàng, ăn xong gói ghém với muối tiêu, chuối xanh, cà chua, dưa chuột, rau răm.

Chuột bày biện trên bàn, khiến dân bản địa qua lại thèm nhỏ dãi, nhưng lữ khách đường xa thì chỉ ngó thôi, dẫu có được quảng cáo rằng cứ ăn chuột nướng đi sẽ thấy da giòn tan giống vịt quay, còn thịt thì mềm mại như thỏ rừng, ngọt lừ hơn gà trống, lại còn thơm nức tựa nai tơ.

Nhưng thôi, nhìn kia thì đúng ra hình con chuột nằm phơi bụng rồi. Chuột gì thì cũng là chuột, dù người miền Tây luôn vẽ ra cho tôi một không gian lãng mạn và tinh khiết của loài chuột. Rằng thì là chuột ấy sống giữa bao la bát ngát cánh đồng, chỉ hít thở khí trời thanh bạch, uống nước đọng trên đọt cây, ăn lá non, lúa đòng và hạt quả.

Ngay cả lúc giao phối cũng dưới ánh trăng, trên bãi cỏ ngào ngạt hương thơm. Xem ra chúng còn trang nhã và đỡ uế tạp hơn con người. Chứ không phải chuột cống chui nhủi trong rãnh xú uế, xóm liều, hay bệnh viện đa khoa đâu mà sợ. Thôi chịu nhá, thui lông béo vàng thế kia rồi thì chuột nào cũng giống nhau cả thôi.

Cố nhà văn Vũ Bằng ban đầu cũng đồng quan điểm với tôi về chuột. Ông viết: “Anh ta quan niệm rằng những người ăn uống như thế là ăn uống lem nhem, bần cùng bất đắc dĩ mới phải ăn thịt chuột. Phải chi có tiền để ăn thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thịt vịt thì chắc chắn không có ai nghĩ tới chuyện ăn thịt chuột bao giờ”, nhưng sau rốt, rồi ông cũng mê tít món thịt chuột vì “Gắp một miếng vàng ngậy như da đồng, nóng hôi hổi, chấm nước mắm sả ớt, điểm mấy sợi xoài thái chỉ rồi nhai rất từ từ, và lấy hai tay nhón một tí rau thơm, một tí húng cây hay một tí ngò tây - Quái, sao thịt này nó mềm thế nhỉ, mà lại ngọt, mà lại thơm một cách rùng rợn, mê ly thế nhỉ”. Khiếp quá!

Vùng Đồng Tháp Mười bao la rừng cây ngập mặn và những cánh đồng trắn g xóa mùa nước nổi là nơi sinh sôi lý tưởng của đủ loài bò sát. Rắn và tắc kè chẳng hạn. Chuột nướng đã là gì đâu. Tắc kè xào lăn mới khiếp. Quý lắm đấy!

Mấy anh nông dân đất rừng phương Nam hàng trăm năm nay cứ bắt được chú tắc kè nào là trụng nước sôi, cạo vảy, ướp gia vị rồi xào lăn với hành tỏi phi thơm, lại thêm cả nước cốt dừa nữa. Tắc kè xào lăn cốt dừa tuy vậy cũng chưa hãi bằng dồi rắn.

Rắn bông súng và rắn nước chui nhủi đầy đồng. Rắn cũng được trụng nước sôi nốt rồi lột da. Thịt rắn đem ra băm nhuyễn, trộn đều với gia vị rồi nhồi trở lại da rắn, buộc túm hai đầu thành dồi. Dồi hấp, dồi nướng, dồi chiên, ăn kèm gỏi điên điển cứ gọi là xuýt xoa.

Là các anh miền Tây xuýt xoa bên xị rượu, chứ tôi biết phận mình hèn nhát, chẳng dám ăn cả ba món này, chỉ len lén nhìn mấy miếng tắc kè vẫn còn nguyên vân hoa trên lớp da đặc trưng của bò sát.

Miền Tây nhiều thức dị đến nỗi Vũ Bằng còn viết hẳn một cuốn Món lạ miền Nam, ngoài thịt chuột khoái khẩu thì còn có cả canh rùa, dơi huyết, cháo cóc, bò kiến, đuông dừa.

[…]

[1] Gáo Rồng là khu du lịch sinh thái thuộc tỉnh Đồng Tháp, nằm ở ngoại ô Cao Lãnh.

Di Li/ Thái Hà Books & NXB Lao động

SÁCH HAY