Chắc hẳn không ít người trong chúng ta nghĩ rằng phần lớn người hướng nội đều có nét tính cách giống nhau, như trầm lắng, suy nghĩ nhiều hay hạn chế giao tiếp xã hội.
Thực tế, đến cả anh chị em sinh đôi còn có điểm khác nhau, huống chi những người hướng nội ngoài kia. Họ là rất nhiều mảnh ghép trên một bức tranh tổng thể với tông màu chủ đạo thiên về trầm lắng và có phần bí ẩn.
Việc nắm bắt được từng kiểu hướng nội có thể giúp chúng ta mở rộng góc nhìn, tự soi chiếu chính mình. Từ đó, bạn sẽ “bỏ túi” những góc nhìn và tư duy chất lượng để đánh giá khách quan về người khác và về cả chính mình. Đặc biệt, ở từng kiểu hướng nội, tôi sẽ lấy một ví dụ thực tế từ chính trải nghiệm của bản thân. Như vậy, bạn sẽ có thể hình dung rõ nét hơn đặc điểm nổi bật của từng kiểu người hướng nội này.
Kiểu hướng nội thứ nhất - Hướng nội xã hội (social introvert)
Tôi vẫn hay mô tả kiểu này một cách dễ hiểu là “hướng nội hoạt ngôn”. Kiểu người hướng nội này thường rất dễ bị nhầm lẫn thành hướng ngoại nếu chỉ tiếp xúc đôi ba lần.
Họ dường như không cảm thấy ngại ngùng hay lo lắng quá nhiều khi tiếp xúc với người khác trong môi trường xã hội, thậm chí còn có phần hứng thú nữa. Thế nhưng, họ sẽ cảm thấy kiệt sức nếu “vùng vẫy” trong đó quá lâu. Vì vậy, họ sẽ yêu thích những không gian tụ tập, trò chuyện không quá lớn, vừa đủ cho họ thoải mái thể hiện bản thân.
Hơn nữa, họ cũng thích tận hưởng thời gian ở một mình như bao người hướng nội khác. Thế nhưng, điểm đặc biệt là họ cũng thích có những người thân yêu bên cạnh vào lúc như vậy.
N là người bạn thời đại học của tôi và bạn ấy cực kỳ thân thiện, hoạt bát, tương đối khéo léo, đặc biệt là mỗi khi thuyết trình. Ngay từ khi bước chân vào năm nhất đại học, tuy không giỏi giao tiếp tiếng Anh như các bạn ở thành phố cùng lớp, nhưng trong mắt tôi, bạn ấy đã là một “viên ngọc sáng” rồi. Khác với tôi, bạn ấy dường như có thể bắt chuyện được với mọi người. Tuy lúc đầu vẫn hơi lấn cấn và ngại ngùng, nhưng chỉ vài ba hôm là ríu ra ríu rít ngay.
Mãi cho tới một buổi sáng, ngay đầu tiết học, tôi ngạc nhiên khi thấy bạn ấy ngồi một góc trong lớp. Không một lời hỏi han, không một câu chào, bạn ấy chỉ cặm cụi viết, chăm chú lắng nghe giảng viên. Tôi thấy lạ, liền quay sang hỏi người bạn bên cạnh thân cả với tôi và bạn N kia. Bạn có biết tôi nghe được câu gì không?
“N hôm bữa có nhắn cho tao. Nó bảo tao là dạo này tự nhiên nó chán nản và áp lực quá. Và hầu như không ai nhận ra nó có gì lạ, trừ tao và mày. Nó còn cảm ơn tao vì đã nhận ra nó không ổn như mọi ngày, vì đã nhắn cái tin đó cho nó. Nó cũng bất ngờ, không hiểu sao tao lại biết.”
Từ sau hôm đó, tôi thay đổi hẳn nhận thức về người bạn tưởng chừng có vẻ hướng ngoại ấy. Khi tìm hiểu rõ hơn, tôi mới biết thực ra N không quá hoạt ngôn và xởi lởi như nhiều người vẫn luôn nghĩ. Đó cũng là lý do vì sao chẳng ai nhận ra vẻ bề ngoài bất thường của N. Có chăng, họ chỉ nghĩ rằng “Chắc N hôm nay mệt”.
Điều tôi muốn nói ở đây là vấn đề “sống thật” của người hướng nội xã hội. Đôi khi, người hướng nội xã hội rất “được lòng” những mối quan hệ xung quanh bởi nếu chỉ nhìn bề ngoài, họ chẳng có gì quá khác biệt so với những người hướng ngoại.
Tuy nhiên, nếu như hồ hởi với mọi người, kể cả khi không thực sự thoải mái, họ rất dễ bị cạn năng lượng ngay khi cuộc trò chuyện kết thúc. Nếu không biết chọn lọc cuộc trò chuyện hay từ chối những lời mời và yêu cầu không thực sự quan trọng, họ sẽ kiệt sức, năng lượng tràn đầy vốn có sẵn ở họ sẽ trở thành một trạng thái cảm xúc rất bấp bênh.
Nếu có thể, hãy thật bình tĩnh và suy xét xem “Bạn cần thể hiện khả năng ăn nói của mình trước mặt ai?”. Hãy luôn nhớ rằng bạn vẫn mang trong mình mảnh ghép hướng nội. Và nhiệm vụ của bạn là không đặt mảnh ghép ấy ở sai chỗ. Bởi, nếu chệch đi một chút, trái tim bạn có thể sẽ đi xa cả nghìn dặm mà không biết đường trở về.
Kiểu hướng nội thứ hai - Hướng nội suy nghĩ (thinking introvert)
Tôi thuộc kiểu người hướng nội này. Kiểu này gần như luôn đi kèm với tính cách nhạy cảm, hay nói cách khác, họ là những người hướng nội nhạy cảm.
Kiểu người này không ngại giao lưu với thế giới bên ngoài, nhưng sẽ hạn chế hết mức có thể. Bởi vì họ thực sự chỉ muốn ở trong thế giới nhỏ bé của riêng mình. Họ thấy mình mơ mộng rất nhiều, thậm chí còn có vẻ xa cách với những mối quan hệ xung quanh. Họ vẫn có thể giao tiếp xã hội, chỉ là ở mức độ hạn chế hơn nhiều so với kiểu người hướng nội xã hội.
Đó là bởi họ “lựa chọn” và “thích” cảm giác đắm mình vào dòng suy nghĩ riêng. Vì vậy, khi giao tiếp, bạn sẽ thấy họ đôi lúc có những khoảng nghỉ (có thể khá lâu) để suy nghĩ kỹ về câu hỏi hay câu chuyện của đối phương, trước khi hồi đáp bằng bất cứ hình thức nào.