Phim ngắn Mẹ của LEE Films kết hợp cùng đạo diễn Lee Giang, biên kịch Nhân Mai - Khải Đơn sản xuất là một trong số ít tác phẩm nói về mẹ và thiên chức của người phụ nữ ra mắt đúng dịp 8/3.
Dù chỉ là một phim ngắn với thời lượng chưa đầy 30 phút, Mẹ vẫn đủ sức hấp dẫn và đọng lại nhiều thông điệp đáng suy ngẫm trong lòng khán giả. Thành công ấy đến từ nhiều yếu tố được ví như “thiên thời - địa lợi - nhân hoà”.
Trong tự nhiên, nước là một dạng vật chất đặc biệt, có thể biến đổi trạng thái theo môi trường và vật chứa khác nhau. Nước vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì sẽ là hình tròn; ở môi trường lạnh, nước sẽ thành đá, trong môi trường nóng, nước có thể hoá dạng hơi... Thanh khiết như nước suối, dữ dội như thác ghềnh, dịu dàng như nước trong khe lạch hay mặn mòi như biển rộng bao la, mỗi phụ nữ là một tính cách khác biệt nhưng tựu trung đều có một đặc điểm, đó chính là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh bất kể giàu sang hay khốn khó, dễ chịu hay khắc nghiệt.
Người mẹ có nhiều điểm tương đồng với yếu tố Thuỷ trong ngũ hành. |
Như người mẹ được miêu tả trong phim, thuở con gái, mẹ tự do bay nhảy làm những gì mình thích, giỏi giang và tự lập. Thế nhưng, sau khi lập gia đình và có con, mẹ tự thay đổi chính mình, sẵn sàng gác lại những sở thích và ước mơ còn đang dang dở để làm tròn vai trò thiên chức của một người vợ, người mẹ.
Mẹ cũng như nước - mềm mỏng, khiêm nhường và có tấm lòng bao dung có thể chứa đựng vạn vật. Song đôi lúc, mẹ cũng ở trong trạng thái mông lung vì không biết nên làm điều gì để tốt cho cả gia đình mà không phải hy sinh, đánh đổi mọi thứ.
Được bao bọc, nuôi dưỡng bởi Thuỷ chính là Mộc. Đó là lý do, cô con gái nhỏ luôn mặc áo xanh lá, mang vẻ ương bướng, ngây ngô nhưng lại giàu tình cảm. Màu xanh lá cũng tượng trưng cho những hy vọng, lạc quan. Trong thế giới của mẹ, tất cả định nghĩa được thay thế bằng con, con là mầm sống, và cũng là nơi để mẹ gửi gắm ước vọng sau này con sẽ trở thành một phụ nữ tự tin, có thể trải nghiệm muôn điều mới mẻ ngoài thế giới - điều mà vì con, mẹ đã dằn lòng từ bỏ.
Cô con gái mặc áo xanh, tượng trưng cho yếu tố Mộc. |
Không chỉ có nhân vật chính là mẹ, tuyến nhân vật phụ gồm ngoại, nội, cô Ba cũng được đoàn làm phim chú trọng và trau chuốt.
Nội (NSƯT Lê Thiện) mặc áo trắng bạc, màu của kim loại (Kim) nói lên tính cách phóng khoáng. Trong khi đó, ngoại mang áo nâu, màu của đất (Thổ) vì ngoại là người của sự cứng nhắc, bảo thủ và khắt khe. Trong phim, ngoại cũng là người phụ nữ truyền thống và có phần cổ hủ, luôn đau đáu việc làm tròn thiên chức vì sợ “làm không tới, người ta cười cho”.
Nhân vật nội đại diện cho yếu tố Kim, còn ngoại là hiện thân của yếu tố Thổ. |
Còn cô Ba (Hồng Kim Hạnh) - đại diện điển hình cho mẫu phụ nữ hiện đại tự tin, chủ động tham vọng, thẳng thắn và nhiệt tình, luôn mặc áo cam hoặc đỏ, màu của lửa (Hỏa). Cô Ba là người có tư tưởng tiên tiến nhất trong phim và luôn đứng ra bênh vực mẹ. Dù chỉ là vai phụ, những câu thoại của nhân vật này vẫn đủ sức tác động mạnh đến người xem. Có thể thấy, từng chi tiết nhỏ đều được ê-kíp làm phim tính toán kỹ lưỡng.
Cô Ba mang lại nguồn năng lượng tích cực cho người đối diện. |
Chưa dừng lại ở đó, phim ngắn “Mẹ”còn thu hút khán giả nhờ cách đảo chiều tâm lý nhân vật đầy thú vị. Thay vì xây dựng hình ảnh mẹ chồng hà khắc, gia đình chồng lắm chông gai như thường thấy, biên kịch chọn cách khắc hoạ mẹ chồng và em chồng ấm áp, cởi mở, trong khi mẹ ruột lại có phần nghiêm khắc, lạnh lùng.
Sự hoán đổi này không chỉ mang lại cho khán giả cảm giác tươi mới, mà còn tạo nên nhiều nút thắt thú vị, góp phần khắc hoạ rõ nét cá tính của từng nhân vật.
Qua khả năng diễn xuất đáng nể của dàn diễn viên nữ tên tuổi... nỗi niễm bao lâu nay của những người mẹ như hiện lên rõ nét và chạm tới trái tim của khán giả.
Bộ phim quy tụ dàn diễn viên đình đám của điện ảnh Việt. |
Từ ánh nhìn nghiêm nghị mà chất chứa tâm sự của NSƯT Kim Xuân; từ nụ cười hồn hậu nhưng bất lực của NSƯT Lê Thiện; đến cái nhíu mày, đắn đo suy nghĩ rồi bật khóc giữa màn đêm của Hồng Ánh... tất cả cô đọng vào đúng chữ thiên chức, như khiến món quà mà tạo hoá trao tặng cho phụ nữ trở nên nặng nề và gò bó hơn bao giờ hết.
Lấy chất liệu từ đời sống và được truyền cảm hứng bởi chiến dịch “Đừng để mẹ chỉ là mẹ” do đơn vị đồng hành là nhãn hàng OMO Matic khởi xướng, phim ngắn “Mẹ” đã thể hiện tâm tư của những đóa hồng đẹp đẽ - những người mẹ, nhưng trớ trêu thay, vì gánh nặng thiên chức, họ chỉ đang sống như nửa đóa hồng.
Nhân vật mẹ trong phim là hiện thân của rất nhiều người mẹ khác trong cuộc sống - chỉ mải mê làm tròn thiên chức mà quên đi chính bản thân mình.
Trong phim, cả ngoại và mẹ đều một lòng hướng về gia đình, chẳng mảy may nghĩ cho bản thân dù chỉ vài phút ngắn ngủi. Họ gác lại những ước mơ riêng, sẵn sàng từ chối mọi cơ hội trải nghiệm chỉ để chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của chồng con. Những người phụ nữ dành cả cuộc đời chỉ để làm thật trọn vẹn thiên chức như ngoại và mẹ luôn đáng trân trọng, yêu thương, nhưng tiếc rằng, đó mới chỉ là một nửa bông hoa hồng. Vẫn còn thiếu một nửa bông hồng nữa, đó là phần cuộc đời mà người phụ nữ sống cho chính mình, cho những ước mơ và đam mê của chính bản thân.
Khuyết đi một nửa, bông hồng vẫn đẹp khi nhìn từ một phía, nhưng sẽ không trọn vẹn khi nhìn từ phía ngược lại. Phụ nữ cũng vậy. Họ xứng đáng với những điều tuyệt vời nhất, để ngay cả khi đã lấy chồng, có con, họ vẫn có thể sống những giây phút của tuổi thanh xuân, là bông hồng trọn vẹn.
Bình luận