YouTube là nền tảng video hoạt động trên cơ chế khuyến khích người dùng sáng tạo ra nội dung. Những video được xem nhiều sẽ được gắn quảng cáo và doanh nghiệp mua vị trí quảng cáo sẽ phải trả tiền cho YouTube. Lúc này, YouTube chia sẻ lại doanh thu cho tác giả của video, chủ kênh.
Thế nhưng, việc tạo ra một thế giới thu nhỏ cũng khiến YouTube phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối, xuất phát từ những "nhà sáng tạo" xấu xí, vốn chỉ rình rập để ăn theo scandal, sự kiện gây chấn động xã hội bằng cách tạo ra những video đưa tin giả, thuyết âm mưu (diễn giải sự vật hiện tượng theo một kịch bản đen tối, câu khách hơn và đối lập với những nguồn tin chính thống).
David Hogg may mắn sống sót sau vụ xả súng hôm 17/2 ở trường phổ thông Majory Stoneman Douglas. Tuy nhiên, nhiều video "thuyết âm mưu" trên YouTube cho rằng Hogg được thuê để lên sóng truyền hình và là một con bài chính trị. Ảnh: Reuters. |
Giữa tháng 2, YouTube đã đưa một video gây tranh cãi, có dấu hiệu xuyên tạc sự thật, vào danh sách top trending (video đang thịnh hành), giúp nó tiếp cận thêm hàng trăm ngàn lượt xem.
Cụ thể, video này có nội dung cho rằng người sống sót trong vụ xả súng ở Florida, Mỹ được thuê để đóng vai nạn nhân. Không dừng lại ở đó, khi tìm kiếm từ khóa "David Hogg", hàng chục video theo "thuyết âm mưu" hiện lên đầu tiên trong danh sách kết quả.
Sau khi phát hiện ra sự việc, YouTube đã thừa nhận đây là một sai lầm của hệ thống phân loại nội dung.
'Mọi ngả đường đều đổ về YouTube'
Trong một bài blog trên Medium, Jonathan Albright, một chuyên gia nghiên cứu về truyền thông, báo chí kỹ thuật số tại Đại học Columbia, cho rằng "thuyết âm mưu" không phải thứ mới mẻ. Sự cởi mở của Internet từ những ngày đầu đã là cái nôi cho thuyết âm mưu xuất hiện tràn lan, bởi ai cũng có quyền bộc lộ quan điểm, suy nghĩ và chia sẻ nó lên mạng.
Do đó, Jonathan tập trung vào câu hỏi vì sao YouTube lại để những video dạng này xuất hiện trong các kết quả liên quan, danh sách khuyến nghị hoặc top trending. Chuyên gia này cho rằng việc chúng liên tục xuất hiện một cách có hệ thống đã tạo ra một mạng lưới nội dung khiến người xem cảm thấy bi quan hơn về cuộc sống.
Dưới góc độ kỹ thuật, hệ thống khuyến nghị của YouTube sẽ "giam cầm" người xem khiến họ mải mê theo dõi hết video này đến video khác, góp phần đáng kể vào việc tăng lượt xem và mang về doanh thu cho YouTube và Google. Nhưng nếu nó liên tục "gợi ý" người xem những video xuyên tạc, nội dung độc hại, đó là một tội lỗi cần lên án.
Hệ thống khuyến nghị giúp gợi ý người xem chìm đắm vào những video liên quan, nhưng trong một số trường hợp, nó liên tục đưa ra những video độc hại. |
"Cứ sau mỗi vụ xả súng hàng loạt hoặc khủng bố, ăn theo dư luận, những video thuyết âm mưu ngày càng nở rộ về quy mô lẫn giá trị tiền bạc", Jonathan Albright viết.
Chuyên gia trên đã tìm thấy hơn 9.000 video hiện ra khi tìm từ khóa "crisis actor", liên quan đến vụ xả súng ở Florida. Trong đó, phần lớn là những video xuyên tạc rằng người sống sót trong vụ xả súng không phải là sinh viên của trường, và nhận tiền để lên truyền hình lên án luật cho phép sử dụng súng cũng như công kích Tổng thống Trump.
Thực tế, YouTube không phải là nền tảng duy nhất gặp vấn đề này. Facebook và Twitter cũng đang khổ sở vì những chiêu trò phát tán tin tức giả mạo. Tuy nhiên, theo Jonathan, nền tảng của Google đóng vai trò then chốt. "Trong sân chơi tin tức giả mạo, mọi ngả đường dường như đều dẫn về YouTube", chuyên gia từ đại học Columbia ví von.
YouTube loay hoay trước vấn đề của năm cũ
Video thuyết âm mưu vụ xả súng ở Mỹ là sự kiện kéo dài thêm cơn ác mộng của YouTube. Cuối 2017, Logan Paul - một vlogger nổi tiếng - đã bị lên án dữ dội khi đăng tải đoạn video cười cợt trước một xác chết ở Nhật Bản, và loạt video hành hạ động vật. YouTube đã ngừng trả tiền quảng cáo cho Logan sau những rắc rối lặp đi lặp lại mà vlogger này mang đến.
Đầu 2018, Unilever - tập đoàn sở hữu nhiều thương hiệu tiêu dùng lớn - đã gửi tối hậu thư đến Google và Facebook, yêu cầu hai nền tảng này nhanh chóng dẹp nạn tin giả, phân biệt chủng tộc, nội dung khiêu dâm và cực đoan đang tràn lan trên YouTube và mạng xã hội Facebook.
"Chúng tôi không thể cứ tiếp tay cho một chuỗi cung ứng kỹ thuật số (Google và Facebook) đôi khi không tốt hơn một đầm lầy về sự minh bạch", ông Keith Weed - người đứng đầu mảng marketing của Unilever - phát ngôn trong thông cáo gửi đến Google, Facebook, được CNN trích dẫn.
Unilever sở hữu nhiều thương hiệu lớn như Dove, Lipton, Ben&Jerry's... và cũng là một trong những nhà quảng cáo hàng đầu thế giới. Hãng có ngân sách tiếp thị hàng năm khoảng 9,8 tỷ USD và 25% trong số đó chi cho quảng cáo kỹ thuật số. Do đó, lời phản đối của Unilever thực sự có ảnh hưởng đến YouTube, Facebook hay bất cứ nền tảng nào sống nhờ vào quảng cáo.
Tuy nhiên, sau "tối hậu thư" từ Unilever, YouTube dường như vẫn dậm chân tại chỗ trong cuộc chiến chống tin giả, nội dung xấu độc. Bằng chứng là video xuyên tạc về vụ xả súng ở Mỹ vẫn lọt vào top trending và hàng ngàn video có nội dung tương tự vẫn nhởn nhơ kiếm tiền.
Đầu năm 2017, YouTube "ra luật" khiến các chủ kênh sẽ không thể bật tính năng kiếm tiền cho đến khi có 10.000 lượt xem. Tuy nhiên, chính sách này vô tác dụng.
Đầu 2018, YouTube đã siết chặt hơn khi yêu cầu kênh phải đủ 4.000 giờ xem trong 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký để có thể nhận tiền quảng cáo. Đây là cách để YouTube hạn chế những kẻ làm nội dung bẩn, đăng lại video (re-upload), khiến những kẻ mới nhập cuộc chơi nản lòng.
Thế nhưng, những ổ tin giả mạo lớn, và mới mẻ hơn là những video xuyên tạc, thuyết âm mưu dưới vỏ bọc "tự do quan điểm", lại là bài toán khó, thậm chí rất khó, đặt ra cho YouTube trong năm 2018.
Hệ thống khuyến nghị, vốn là chiếc đũa thần mang về tiền bạc cho YouTube, có thể phải bổ sung rất nhiều bộ lọc, thuật toán và cả nhân lực để nhận biết những nội dung độc hại, dối trá - thứ mà ngay cả A.I mạnh nhất của Google cũng chưa thể làm được ngay lúc này.