Sau hàng loạt cam kết, chính sách nhằm hạn chế nội dung re-up, vi phạm bản quyền, YouTube vẫn bất lực với các nội dung này tại thị trường Việt Nam.
Mỗi độ xuân về, tết đến, người dân Việt xem chương trình Táo quân của VTV như một nét văn hóa, nơi điểm lại tin tức, sự kiện trong năm. Bên cạnh sự hài huớc, chương trình còn thể hiện nét châm biếm sâu cay những thực trạng nhiễu nhương của nước nhà trong năm đã qua.
Chương trình phát sóng lúc 20h ngày 30 Tết âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, nhiều người dân không thể theo dõi được chương trình. Lợi dụng việc này, nhiều người đã trục lợi từ việc đăng tải những thuớc phim được đầu tư kỹ lưỡng từ đài truyền hình.
Quảng cáo hiển thị dày đặc trên các video Táo quân vi phạm bản quyền. |
Những video bản quyền này ngang nhiên được đăng tải trong những ngày Tết để thu hút lượt xem, bật quảng cáo và kiếm tiền. Thậm chí một số video còn tiến thẳng vào top thịnh hành được YouTube "vô ý" cấp quyền quảng cáo và huởng lợi.
Nhằm tối ưu từ khóa tìm kiếm, một số video Táo quân cũ từ những năm trước được "tân trang" thành 2018. Sau đó, thay đổi ảnh bìa (thumbnail), tựa đề rồi đăng tải trước đêm 30 khoảng vài tuần nhằm kiếm được lượng view (lượt xem) nhất định, tăng tính tin cậy.
Thậm chí một số cá nhân còn phát trực tiếp những song song với thời gian chương trình đang phát sóng, dĩ nhiên là với nội dung đã có từ năm trước nhằm trục lợi. Ngoài ra, để qua mặt sự kiểm duyệt của YouTube, các video này được căn chỉnh lại tỉ lệ màn hình, chèn thêm các hiệu ứng hình ảnh.
Hình ảnh được xoay lại, chèn thêm nhiều nội dung nhằm "qua mắt" sự kiểm duyệt của YouTube. |
Năm qua, YouTube liên tục dính những tai tai tiếng về việc hiển thị quảng cáo trên nội dung tiêu cực, kích động và có hại cho trẻ em. Hiện nay, vấn đề bản quyền đang ảnh huởng trực tiếp tới mạng xã hội dành riêng cho video này. Nhưng nội dung livestream, truyền hình khiến YouTube gần như không thể kiểm soát.
Trước đó sự kiện bóng đá AFC, hàng ngàn video được đăng tải bên lề mỗi ngày. Mạng xã hội về video lớn nhất hiện nay dường như không thể kiểm soát nổi nội dung vi phạm bản quyền. Các nội dung phỏng vấn, gia cảnh từng cầu thủ U23 Việt Nam được báo chí thực hiện cũng bị những "nhà sản xuất nội dung" vô tư tải về và re-up.
Một nội dung livestream vi phạm bản quyền vô tư lọt vào top thịnh hành với 4 triệu lượt xem và kiếm tiền từ quảng cáo trên YouTube ở Việt Nam. |
Bên cạnh đó, hàng loạt video livestream các trận đấu được mua bản quyền từ nhà sản xuất được đăng tải trên YouTube. Thậm chí những video này còn lọt vào top thịnh hành của YouTube.
Một số video chỉ trong một ngày đăng tải đã đạt vài triệu lượt xem, lọt thẳng vào top xu hướng trên YouTube. "Với quy định về thời gian xem, lượt theo dõi tối thiểu để bật kiếm tiền của YouTube hiện nay thì chỉ cần một pha re-up có từ khóa U23 Việt Nam là đủ", anh Văn Khải, một người làm nội dung YouTube ở TP.HCM, cho biết.