Trong cuộc chiến chống lại những kênh có nội dung bẩn, vi phạm bản quyền (re-up), YouTube đã phải thay đổi chính sách kiếm tiền. Hồi đầu năm 2017, YouTube đã công bố người sáng tạo sẽ không thể bật tính năng kiếm tiền cho đến khi có 10.000 lượt xem trên kênh của họ.
YouTube tin rằng ngưỡng này sẽ cho họ cơ hội thu thập đủ thông tin về kênh, xác thực liệu đó có phải là hợp pháp hay không, trước khi nó có thể kiếm tiền từ quảng cáo.
Email thông báo về tiêu chuẩn được kiếm tiền từ quảng cáo trên YouTube. |
Sau một năm áp dụng, chính sách trên vẫn không thể làm nản lòng "những nhà sáng tạo" nội dung bẩn, YouTube đã nhận ra mình không thể kiểm soát được. Mới đây mạng xã hội video này đã "mạnh tay" hơn khi thay đổi một số yêu cầu về kiếm tiền trong chính sách của mình.
Cụ thể, YouTube yêu cầu kênh phải đủ 4.000 giờ xem trong 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký (sub) để có thể bật tính năng kiếm tiền.
Luật chơi ngày càng khắc nghiệt
"Với quy định này, YouTube Việt sẽ biến động mạnh hơn bao giờ hết. Người mới tham gia sẽ cảm thấy chán nản, người re-up sẽ khốn đốn. Chỉ duy nhất cộng đồng làm nội dung chân chính vui vẻ khi sân chơi đã trở nên công bằng hơn", Sáu Bùi, người làm nội dung YouTube tại TP.HCM chia sẻ.
Theo anh Sáu, người mới chơi muốn đủ điều kiện bật kiếm tiền phải có những video đầu tư nội dung khác biệt và mất rất nhiều thời gian để có đủ 4.000 giờ xem cùng 1.000 lượt đăng ký. Điều này dẫn tới sự chán nản từ người mới tham gia. Tuy nhiên vẫn có một số người chỉ muốn chia sẻ đam mê video của mình sẽ không mấy quan tâm tiền bạc.
"Kiếm tiền từ YouTube đã khó nay càng khó hơn", Sáu Bùi, nhà sáng tạo nội dung YouTube.
Để đối phó chính sách mới này, các tài khoản YouTube đủ điều kiện kiếm tiền được rao bán với giá 1,5-2 triệu đồng. Tuy nhiên loại tài khoản này đang trong tình trạng khan hiếm nguồn hàng.
Ngoài ra việc đăng tải những video thời lượng 10 giờ và treo máy xem nhiều ngày liền cũng đang được áp dụng nhằm kéo đủ giờ xem cho kênh.
Nội dung video hấp dẫn, chuyên nghiệp đòi hỏi rất nhiều thời gian và các thiết bị đắt tiền. |
Vấn đề cốt yếu nằm ở con số 1.000 lượt sub, nhiều người đã chọn giải pháp mua sub nhằm đáp ứng yêu cầu trên. "Đa phần lượt sub đến từ các tài khoản Google ảo và YouTube có cách phát hiện đâu là lượt đăng ký giả", Đăng Khoa, ngụ TP.HCM, một bạn trẻ chuyên làm YouTube cho biết không phải cứ đủ sub là đủ điều kiện.
Đối với giới re-up, đăng nội dung lách bản quyền, việc đủ 1.000 sub hay 4.000 giờ xem được xem là ác mộng. "Các kênh này chủ yếu là làm 'ăn xổi', dùng đủ các chiêu trò để lách bản quyền. Vì vậy đợi đủ điều kiện bật kiếm tiền thì kênh cũng bị YouTube phát hiện vi phạm rồi", Sáu Bùi cho biết.
Chính sách 'mạnh tay', tiền 'nhẹ tay'
Tuy nhiên, những người làm nội dung chân chính lại vô cùng ủng hộ chính sách này của YouTube. Họ cho rằng thành quả từ sức lao động của họ sẽ không còn bị ăn cắp và kiếm tiền như trước nữa. Ngoài ra những nội dung xấu, kích động bị loại bỏ sẽ giúp cộng đồng YouTube có nhiều cơ hội tiếp cận người xem hơn.
"Chúng tôi hy vọng sau những biện pháp thanh lọc này YouTube sẽ tăng giá quảng cáo để hỗ trợ phần nào chi phí thiết bị, nhân công, giúp chúng tôi tạo ra những nội dung video chất lượng hơn", Đăng Khoa chia sẻ.
Thực tế giá tiền chi trả cho quảng cáo trên YouTube tại Việt Nam chỉ bằng 10% của các nước trên thế giới. "Số tiền này không là gì với chi phí bỏ ra để thực hiện nội dung. YouTube bắt buộc phải lựa chọn giữa việc trả tiền để có những nội dung chất lượng hoặc sẽ bị đào thải bởi Facebook Watch", Thành Hưng - thành viên của một nhóm làm phim chia sẻ.
Không có re-up, YouTube sẽ 'đói' nội dung
Tuy chính sách mới khiến giới re-up "lao đao", nhiều người vẫn tin rằng YouTube sẽ không thể kiểm soát hoàn toàn vấn đề này.
Trước đây YouTube cũng từng cho rằng họ sẽ không thể kiểm duyệt hoàn toàn nội dung đăng tải trên website của họ.
"Nếu tôi bán vé máy bay thì tôi có dám đảm bảo với bạn rằng máy bay sẽ không rơi trong triệu dặm đầu tiên? Bạn không thể đảm bảo nó. Bạn chỉ có thể làm giảm tỷ lệ lỗi đến mức thấp nhất", Philipp Schindler - Giám đốc kinh doanh của Google từng đưa ra nhận định.
Với đủ chiêu trò, nội dung vi phạm bản quyền vẫn chưa thật sự được kiểm soát. |
Ngoài ra, các hạn chế đối với quảng cáo có thể cắt giảm lợi nhuận của những người sáng tạo video và nó sẽ làm cho người tiêu dùng khó tiếp cận với các sản phẩm quảng cáo hơn.
"Nếu siết chặt nội dung re-up thì YouTube sẽ gặp tình trạng thiếu nội dung tiếng Việt trong một khoảng thời gian đầu", Sáu Bùi nhận định.
Thực tế, ngoài nội dung nhạc, phim bản quyền thì nội dung trên YouTube Việt khá hạn chế. Đa số các kênh xoay quanh những chủ đề đã cũ như đánh giá sản phẩm, game và vlog. Đây là những nội dung được lựa chọn để đầu tư vì ít tốn kém. "Nếu muốn có những nội dung sáng tạo, đầu tư hơn, YouTube buộc phải tăng phí quảng cáo để hỗ trợ người làm nội dung", Thành Hưng khẳng định.
Một số người lại cho rằng dù với chính sách như thế nào thì những nhóm re-up vẫn có cách lách được những cỗ máy kiểm duyệt của YouTube. "Việc nâng mức kiếm tiền chỉ làm cho re-up ngày càng tinh vi hơn", Đăng Khoa nói.