Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủy thủ Mỹ căng thẳng do làm việc 100 giờ mỗi tuần

Hải quân Mỹ thừa nhận các hạm đội tàu chiến và thủy thủ rất căng thẳng bởi cường độ làm việc nặng, ngân sách hạn chế, cộng thêm chậm trễ trong huấn luyện và bảo dưỡng.

Những yếu tố kể trên không hẳn là nguyên nhân của 4 vụ tai nạn mà tàu chiến Mỹ gặp phải ở phía tây Thái Bình Dương trong năm nay. Tuy nhiên, trong phiên điều trần ngày 19/9 trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, tham mưu trưởng hải quân John Richardson cam kết rằng Hải quân Mỹ "sẽ khắc phục điều này". 

"Đơn giản là không thể chấp nhận việc tàu Hải quân Mỹ mắc cạn hoặc va chạm với các tàu khác, và để tới 4 sự cố như vậy xảy ra trong vòng 7 tháng thì quả thật rất đáng báo động", New York Times dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, phát biểu trong buổi điều trần.

John H. Pendleton, quan chức cấp cao Văn phòng Giải trình của chính phủ, nhấn mạnh rằng sức làm việc của lực lượng hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương đã bị kéo đến mức giới hạn.

Việc giảm nhân sự khiến một số thủy thủ phải làm tới 100 giờ mỗi tuần. Các tàu ở Thái Bình Dương, nơi có Hạm đội 7 - hạm đội lớn nhất ở nước ngoài của Washington, hoạt động trên biển thường xuyên hơn tàu ở những nơi khác, nhưng lại không được nhận số tiền cần thiết dành cho bảo dưỡng và huấn luyện. 

Làm việc trong nhiều giờ liền gần như là tiêu chuẩn đối với thủy thủ Mỹ. Ngay cả ngoài thời gian quy định, thủy thủ vẫn thường được huy động để đáp ứng nhanh chóng những vấn đề phát sinh trên biển. Một số thủy thủ tàu tuần dương Chancellorsville từng cho biết họ chỉ được ngủ nhiều nhất 4 giờ mỗi đêm trong hàng tuần liền.

tau chien My lien tuc tai nan anh 1
Tàu khu trục Fitzgerald bị đâm móp ở ngoài khơi Nhật Bản khiến 7 thủy thủ thiệt mạng. Ảnh: AP.

Chuỗi tai nạn của Hải quân Mỹ bắt đầu vào tháng 1 khi tuần dương hạm mang tên lửa điều khiển USS Antietam mắc cạn trong lúc thả neo tại vịnh Tokyo. Hồi tháng 5, tuần dương hạm USS Lake Champlain đâm chìm một tàu đánh cá của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.

Đến tháng 6, 7 thủy thủ Mỹ thiệt mạng khi tàu khu trục Fitzgerald bị một tàu hàng đâm móp ở ngoài khơi Nhật Bản. Vụ tai nạn gần nhất xảy ra ngày 21/8 khi tàu khu trục USS John S. McCain va chạm với tàu chở hàng Singapore ở vùng biển phía Đông Nam Á khiến 10 thủy thủ thiệt mạng. 

Hải quân Mỹ nhanh chóng thực hiện cải tổ. Chỉ huy khu trục hạm USS Fitzgerald, rồi đến tư lệnh Hạm đội 7 đều bị sa thải sau những vụ đâm tàu được xem là nghiêm trọng bậc nhất đối với Hải quân Mỹ kể từ những năm 1990.

Lệnh "ngưng tác chiến" trên toàn cầu với tất cả các hạm đội của Hải quân Mỹ cũng được đưa ra nhằm đánh giá lại chiến lược hoạt động. Việc xem xét toàn bộ quy trình vận hành, đào tạo và nhân sự của các hạm đội phải được hoàn thành trong vòng 60 ngày.

Các sự cố liên tiếp này đặt ra câu hỏi về năng lực hoạt động của lực lượng Mỹ trong khu vực, hệ thống điều hướng của tàu chiến cũng như kinh nghiệm của thủy thủ nước này.

Hashtag tuần qua: Tàu chiến Mỹ 'tai chưa qua, nạn đã tới' Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ cần tăng cường hiện diện, các tàu chiến của nước này lại liên tục gặp tai nạn trong chính khu vực này.

Tàu chiến liên tục gặp sự cố: Mỹ mất thể diện

Vụ đâm tàu John S. McCain cùng loạt sự cố gần đây đối với lực lượng hải quân khiến danh tiếng của Mỹ bị tổn hại cũng như các đồng minh lo ngại về năng lực của Washington.

Mỹ sa thải tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ đâm tàu

Hải quân Mỹ dự kiến sa thải Phó đô đốc Joseph Aucoin khỏi vị trí tư lệnh Hạm đội 7 sau vụ va chạm của tàu chiến USS John McCain hôm 21/8 khiến 10 thủy thủ mất tích.

Hoa Hạ

Bạn có thể quan tâm